Khám tâm lý sáu trẻ bị cô giáo bạo hành

Xung quanh vấn đề trẻ bị bạo hành tại trường học, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ThS tâm lý Kiều Thanh Hà là người trực tiếp khám cho các bé và tư vấn cho cha mẹ.

Bạo hành ảnh hưởng tương lai trẻ

. Phóng viên: Thưa chị, vì sao cha mẹ các bé học ở cơ cở mầm non Phương Anh đưa trẻ đi khám tâm lý?

+ ThS Kiều Thanh Hà: Cha mẹ các bé gần như không nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm tra tâm lý khi con bị bạo hành tại trường. Đa số họ đưa con đi khám là vì đọc báo, nghe hàng xóm khuyên nên đi kiểm tra xem thế nào mà thôi.

Tại Phòng khám tâm lý Nhi đồng TP, đã có sáu trẻ trong nhóm trẻ học tại cơ sở Phương Anh đến xin kiểm tra tâm lý. Khi được hỏi vì sao lo lắng thì cha mẹ nói thấy bé ói vào buổi sáng trong nhiều ngày, tăng động, hay đánh cha mẹ, đòi ẵm bồng nhiều, đeo cha mẹ nhiều hơn trước. Ngoài ra, những kỹ năng tự phục vụ như tự ăn, đi vệ sinh, dọn đồ chơi bây giờ không chịu làm nữa, ít tập trung chơi, ngủ hay mơ hoảng loạn, sợ đi học… Qua thăm khám sáu trẻ thì chỉ có một bé bị rối loạn tâm lý sợ đi học. Còn năm bé khác tạm ổn.

. Thưa chị, trẻ bị bạo hành trên lớp học sẽ để lại hậu quả như thế nào?

+ Đi học là một chuỗi thử thách nặng nề đối với một đứa trẻ từ môi trường gia đình bước sang môi trường mới là nhà trường. Nếu suốt ngày bị đánh đập, chửi bới, nhiếc móc… chắc chắn trẻ sẽ bị ảnh hưởng tinh thần rất lớn. Một đứa trẻ không được yêu thương làm sao biết yêu thương. Một đứa trẻ chịu sự giáo dục bằng roi vọt dễ có hành vi độc ác khi trưởng thành.

 Mọi trẻ em đều phải được hưởng quyền sống trong một môi trường giáo dục tốt để trở thành con người hữu ích sau này. Ảnh: PHẠM ANH

Biểu hiện lúc nhỏ của trẻ có thể đơn giản là hung bạo, hay cáu gắt, khó tính nhưng khi lớn lên, trẻ có thể trở thành một con người cục cằn, lỗ mãng và độc ác. Sống trong môi trường không lành mạnh, bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành, trẻ sẽ có quan niệm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác và cũng không biết tôn trọng chính bản thân mình.

Bạo hành cũng ảnh hưởng đến sự thành công trong tương lai của trẻ. Trước hết, những cách giáo dục phản giáo dục, giáo dục sai phương pháp là một tác nhân quan trọng khiến trẻ không thích đến trường, không thích đi học. Khi không thích học, trẻ không thể tiếp thu kiến thức. Điều này rất tai hại.

Càng bị trách phạt, trẻ càng có nguy cơ rối loạn hành vi nhiều hơn. Chỉ một cái tát của cô giáo đôi khi cũng là một vết thương khó phai mờ trong tâm trí của trẻ, khiến trẻ trở nên tự ti. Cá biệt có trường hợp còn làm thay đổi cả tính cách của một con người.

. Như chị nói, sự giáo dục phản giáo dục sẽ làm cho trẻ không thích đi học và rối loạn nhân cách nhưng nó không chỉ đơn giản là những hành vi chị vừa nêu?

+ Đúng vậy. Một tác hại cũng không thể không nhắc tới, đó là việc bạo hành, làm nhục có thể khiến trẻ trở nên mất lòng tự trọng. Khi liên tục bị đánh đập, hành hạ hoặc bị làm nhục dưới mọi hình thức, trẻ trở nên mất lòng tự trọng, lì lợm, ngang bướng và không còn coi chuyện phạm lỗi là quan trọng. Trẻ sẵn sàng không tôn trọng người khác nơi công cộng, có những hành vi mà người có lòng tự trọng không bao giờ làm. Trẻ cũng trở nên vô cảm, không biết lên án những hành vi phi đạo đức của người khác.

Gia đình là chỗ dựa

. Vậy khi phát hiện trẻ bị bạo hành trên lớp hay ngoài xã hội, ở nhà cha mẹ phải dạy dỗ, xử lý thế nào?

+ Bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần được sống trong một môi trường lành mạnh, được yêu thương, được tôn trọng và được coi học hành là một sự hưởng thụ. Vì vậy, cha mẹ nên tạo cho con một môi trường thuận hòa, vui vẻ, ấm áp và dành thời gian chơi đùa với con nhiều hơn.

Khi con sống một thời gian dài vì bạo lực, trước hết cha mẹ phải là điểm tựa vững chắc cho con. Chúng ta cũng dành thời gian cho cháu thích nghi dần, gần gũi, có tình thương và cùng chơi với trẻ (kể chuyện, đi bộ, nghe nhạc cùng con…). Chúng ta cũng có thể rủ các trẻ em khác đến chơi với con em mình, tránh làm cho con căng thẳng. Thông qua những sinh hoạt hằng ngày giúp con giải tỏa stress, hoạt động bình thường, vui chơi với các bạn quên dần sang chấn tâm lý mà cháu gặp phải.

Bên cạnh đó, nếu việc giải tỏa gặp khó khăn, chúng ta có thể đưa con đến bác sĩ tâm lý, giúp con giải tỏa những bức xúc, giải tỏa căng thẳng, vui vẻ trở lại bình thường.

. Xin cảm ơn chị.

 

Cần hướng dẫn trẻ tự phục vụ mình

Một đứa trẻ sống trong môi trường đầy căng thẳng như stress (hăm dọa, ép ăn) hoặc nặng hơn là bạo hành (đánh đập, nhục mạ) kéo dài sẽ bị ảnh hưởng về thể chất cũng như tinh thần. Cha mẹ cần quan tâm đến những dấu hiệu nghi ngờ khi trẻ bị stress, bạo hành như: Trên da có nhiều vết bầm, vết sẹo, trầy niêm mạc miệng, dưới cơ quan sinh dục. Trẻ thường xuyên đau ốm lặt vặt, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, chán ăn… Về tinh thần là những hoảng sợ, lo âu, thiếu tự tin, trầm cảm, tránh né mọi quan hệ giao tiếp bên ngoài, giảm khả năng tự lập…

Xã hội càng hiện đại càng tiềm ẩn nhiều mối nguy nhưng nếu cha mẹ do lo sợ đủ chuyện xảy đến cho con mà tìm cách ngăn cấm con càng khiến trẻ thiếu vốn sống để tự mình có được vaccine phòng vệ trước cái ác. Do vậy cần dạy và hình thành cho trẻ tính tự lập, tự chủ trong cuộc sống. Cha mẹ không thể lúc nào cũng ở bên con nên cần hướng dẫn trẻ tự phục vụ mình, nhận biết những nguy hiểm cần tránh.

DUY TÍNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm