Hối lộ bác sĩ, bệnh nhân sẽ bị phạt

Nghị định (NĐ) 176/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 31-12-2013 không chỉ cho phép xử lý y, bác sĩ, cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm về chuyên môn, tham nhũng, vi phạm quyền người bệnh… mà còn cho phép cơ quan chức năng phạt cả người bệnh nếu không hợp tác điều trị, đe dọa tính mạng, sức khỏe người hành nghề. Tuy nhiên, có nhiều quy định như “trêu” người sinh con một bề, kéo bệnh nhân ra mổ tư, cho biết giới tính thai nhi… rất khó phát hiện để xử lý. Xung quanh những vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM.

Không dễ phát hiện việc xác định giới tính

. Phóng viên:Thưa ông, tư vấn sinh con theo ý muốn, xác định giới tính thai nhi sẽ bị phạt. Thực tế TP.HCM đã kiểm tra, xử lý thế nào?

+ TS-BS Bùi Minh Trạng: Theo NĐ 176 thì việc “chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn”, được hiểu là tư vấn sinh con theo ý muốn, sẽ bị xử phạt 10-15 triệu đồng. Xử phạt 5-10 triệu đồng đối với “hành vi bắt mạch hoặc siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi”. Hằng năm, Thanh tra Sở Y tế đều có kế hoạch kiểm tra các cơ sở y tế có liên quan đến vấn đề này (cả y tế công và tư) và đã phát hiện một số trường hợp tiết lộ giới tính thai nhi. Tuy nhiên, chỉ nhắc nhở và yêu cầu cam kết ngưng ngay việc này.

Bác sĩ và cả bệnh nhân đều phải hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình thì vấn đề vi phạm các quy định pháp luật rất khó xảy ra. Trong ảnh: Bác sĩ BV quận Gò Vấp đang khám, tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: TÙNG SƠN

Hành vi vi phạm của các cơ sở rất tinh vi, khó xác lập vì phần lớn cho rằng vô tình. Chẳng hạn, trong lúc siêu âm, bác sĩ chỉ nói xa gần gì đó khiến thai phụ hiểu ra giới tính con của mình. Khi hỏi thai phụ thì được trả lời là bác sĩ không nói và họ chỉ hiểu như vậy (tất nhiên không bao giờ có trong phiếu kết quả). Sắp tới, thanh tra sẽ phối hợp với Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình tuyên truyền, vận động. Đối với các trường hợp cố ý, chúng tôi kiên quyết xử lý theo đúng quy định.

. Xúc phạm người sinh con một bề sẽ bị phạt nhưng Sở Y tế có nhận phản ánh nào chưa?

+ Dù NĐ 176 có xử lý hành vi này nhưng cá nhân tôi nghĩ trong thực tiễn sẽ khó xác lập vi phạm này. Để xác định hành vi như thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì rất khó, nhiều trường hợp phải do tòa phán xét. Chúng tôi cũng chưa từng nhận được phản ánh loại này. Vấn đề vi phạm này không phải chỉ thanh tra y tế xử lý mà còn của các cơ quan khác (UBND phường, xã). Tôi nghĩ quan trọng nhất các cơ quan đoàn thể cần tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu chứ không nên chỉ chú tâm vào việc xử phạt.

Khó xác lập hành vi “mồi chài’ bệnh nhân

. NĐ quy định xử lý bác sĩ nếu chỉ định sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh hoặc gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám, chữa bệnh khác vì mục đích vụ lợi. Làm sao để phát hiện được?

+ Hành vi này thật sự rất khó xác lập. Sẽ không có bằng chứng nào vì chỉ bằng lời nói và không trực tiếp, trong trường hợp lời nói này được bệnh nhân ghi âm thì cũng chỉ để tham khảo và đấu tranh với người vi phạm. Riêng với TP.HCM, thanh tra đã đề ra kế hoạch kiểm tra nghiêm việc đăng ký hành nghề của các bác sĩ ở cơ sở y tế công, bác sĩ hành nghề ở cơ sở tư nhân phải được công khai (ngăn chặn việc đưa bệnh ra cơ sở tư để chính bác sĩ đó điều trị) và để lãnh đạo bệnh viện, các đồng nghiệp cùng giám sát. Bên cạnh đó sẽ thanh kiểm tra ngăn chặn việc chi hoa hồng bất hợp pháp cho người giới thiệu bệnh đến cơ sở y tế tư nhân.

. Đưa và nhận hối lộ trong khám, chữa bệnh bị phạt 20-30 triệu đồng. Sẽ giám sát việc này như thế nào, thưa ông?

+ Theo Điều 279 Bộ luật Hình sự thì chủ thể của tội nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ. Trong trường hợp này chủ thể là người hành nghề khám, chữa bệnh có “chức vụ, quyền hạn”. Nhưng NĐ 176 xử phạt cả chủ thể “đưa, nhận, môi giới hối lộ”. Theo tôi, cần có hướng dẫn rõ hơn về việc “đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh” thì mới có thể xác lập được hành vi vi phạm và xử phạt.

. Xin cảm ơn ông.

DUY TÍNH

Một số quy định liên quan đến bác sĩ và bệnh nhân

Điều 28:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng rượu, bia, thuốc lá trong khi đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Không đeo biển tên; Không sử dụng trang bị phòng hộ theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không tôn trọng quyền của người bệnh theo quy định của pháp luật.

Điều 36:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không hợp tác với người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong khám bệnh, chữa bệnh; Không chấp hành kết luận chẩn đoán và chỉ định điều trị của người hành nghề, trừ một số trường hợp được quyền từ chối chữa bệnh; Không chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của người hành nghề trong khi đang khám bệnh, chữa bệnh (biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi trực tiếp người hành nghề); Không chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với hành vi: Không chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp được miễn, giảm theo quy định của pháp luật.

(Trích NĐ 176/NĐ-CP ngày 14-11-2013)

Tích hợp nhiều lĩnh vực

Điểm đáng lưu ý là nếu như trước đây mỗi một lĩnh vực có một NĐ xử phạt riêng thì NĐ 176 đã gom lại tất cả lĩnh vực liên quan. Việc làm này thể hiện xu hướng hiện đại trong xây dựng pháp luật, tránh sự chồng chéo và khó theo dõi. Chẳng hạn trước đây xử lý vi phạm hành chính trong khám, chữa bệnh có NĐ 96; thuốc, mỹ phẩm có NĐ 93; trong bảo hiểm y tế có NĐ 92; an toàn thực phẩm có NĐ 91…

Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm đã tăng rất nhiều và được xem là rất nặng, chẳng hạn hành nghề không có chứng chỉ theo NĐ 96 xử phạt 10-15 triệu đồng thì nay phạt 30-40 triệu đồng. Cơ sở y tế hoạt động không phép theo NĐ 96 xử phạt 15-20 triệu đồng thì NĐ 176 xử phạt 50-70 triệu đồng…

TS-BS BÙI MINH TRẠNG, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm