Hoa quả tươi lâu chưa hẳn là có chất bảo quản độc hại

Vừa qua đăng tải trên nhiều tờ báo, trang mạng phản ánh lê, táo nhập khẩu để 5 tháng, thậm chí 9 tháng vẫn không hỏng, đồng thời cho rằng, chỉ có chất độc bảo quản mới giúp cho hoa quả tươi lâu. Về thông tin này, phóng viên phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hoa quả tươi lâu chưa hẳn là có chất bảo quản độc hại ảnh 1Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

PV: Thưa ông, nhiều thông tin phản ánh có trường hợp lê để 5 tháng vẫn tươi, táo để 9 tháng không hỏng, xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Ông Nguyễn Xuân Hồng: Chúng tôi không trực tiếp làm thí nghiệm để quả lê mấy tháng không hỏng, và không biết quả lê đó lấy từ nguồn nào, được thí nghiệm ở trong điều kiện bảo quản như thế nào, vì vậy không thể nói chính xác là có đúng hay không. Đối với hoa quả tươi, một trong những vấn đề mà các nhà sản xuất hoa quả quan tâm là vấn đề bảo quản thế nào cho hoa quả được tươi lâu. Hoa quả để lâu hỏng hay nhanh hỏng trước hết phụ thuộc vào loại cây, và giống. Trong thực tế, ngay ở Việt Nam như trái bưởi, sau khi hái chỉ cần để trong điều kiện thoáng mát là có thể quả bưởi tươi lâu từ 5 đến 6 tháng. Trong điều kiện bình thường như vậy, quả bưởi chỉ bị héo vỏ bên ngoài, bên trong không bị hỏng và chúng ta ăn vẫn thấy ngon, thậm chí là còn ngon hơn lúc mới hái từ trên cây xuống.

PV: Vậy hoa quả không có chất bảo quản có thể tươi lâu như thế được không thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Hồng: Trên thế giới hiện có khoảng 7.000 giống táo và khoảng 6.000 giống lê. Người ta chia ra các giống lê chín sớm thường có thời gian bảo quản ngắn từ 2 tuần đến 1 tháng; đối với các giống lê chín trung bình thì thời gian bảo quản có thể từ 3 - 5 tháng, nhưng có những giống lê chín muộn thì thời gian bảo quản có thể kéo dài từ 6 -10 tháng. Các loại táo, lê hiện nay chúng ta đang nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, New Zealand, Australia, cũng tương tự như vậy. Các giống táo và lê chín muộn có thời gian bảo quản dài thường phục vụ xuất khẩu, bởi vì những loại hoa quả này đòi hỏi có thời gian bảo quản dài hơn. Ngoài ra thời gian bảo quản dài hay ngắn còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản về nhiệt độ.

PV: Thưa ông, vậy vấn đề cụ thể ở đây là gì?

Ông Nguyễn Xuân Hồng: Các nước hiện nay cho phép sử dụng một số chất bảo quản an toàn với sức khỏe con người. Ví dụ như: nhóm thuộc Diphenyl amin; Ethoxiquyn và 1-MCP – Metylcyclopropene. Hiện nay chất 1-MCP đang được sử dụng rất nhiều ở các nước phát triển. Khi sử dụng chất này cộng với bảo quản ở điều kiện mát, quả táo có thể giữ được trên 8 tháng và không hề ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị và màu sắc của hoa quả. Qua các thông tin nêu trên chúng ta có thể thấy rằng, táo hay lê có giữ được lâu hay không thì còn phụ thuộc điều kiện bảo quản, giống táo, lê và việc sử dụng các chất bảo quản an toàn thật sự theo nguyên tắc là làm chậm quá trình chín – gọi là các chất ức chế etilen, hoặc là các chất chống ôxy hóa.

PV: Có cách nào để người tiêu dùng phân biệt được hoa quả tươi có hay không chất bảo độc hại không thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Hồng: Nhiều người khi thấy trái cây tươi lâu thì nghĩ ngay có thể người sản xuất đã sử dụng những chất bảo quản độc hại, nhưng trong thực tế thì không phải như vậy. Bởi vì nếu 1 quả táo, lê ngâm vào dung dịch phooc môn hoặc những chất bảo quản độc hại thì có thể không bị thối nhưng nó sẽ bị hỏng. Khi đó, quả táo, lê đó sẽ mất hương vị, mất màu sắc, không giữ được chất lượng ngon như ban đầu. Đối với các quả táo, lê là những quả tươi thì nguyên tắc kéo dài thời gian bảo quản là phải sử dụng các chất chống ôxy hóa làm chậm quá trình chín của quả, vì khi quả đã chín thì sẽ hỏng rất nhanh.

Trong thực tế có những giống lê Châu Á, sau khi bảo quản phải có quá trình ủ thì quả mới chin, ăn mới ngon, thơm. Nếu như để quả lê xanh như vậy thì nó không bao giờ chín được. Như vậy, việc bảo quản trái cây phụ thuộc vào nhiều yếu tố và khi mà thấy trái cây giữ được lâu thì chưa nên vội kết luận đó là do các chất bảo quản độc hại.

PV: Xin cảm ơn ông!.

Theo Minh Long/VOV-Trung tâm tin

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm