Hi hữu: Suýt hoại tử ruột sau khi ăn quá nhiều măng khô

Bệnh nhân là anh V.Q.T, 59 tuổi, trú tại Trung Mầu, Gia Lâm, Hà Nội. Anh T. nhập viện với triệu chứng đầy bụng, ăn uống khó tiêu, đau âm ỉ nóng rát vùng thượng vị. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán tắc ruột có chỉ định nội soi gắp bã thức ăn ra khỏi dạ dày bệnh nhân.

Kíp nội soi do bác sĩ (BS) Vũ Huy Hiền, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng dùng biện pháp gắp bã thức ăn ra. Sau 1 giờ 30 phút các BS bất ngờ khi lấy được khoảng một lạng măng khô từ trong bụng bệnh nhân.

BS Hiền cho biết: “Các BS không thể cắt nhỏ được khối bã thức ăn để những miếng nhỏ này đi xuống ruột mà phải nội soi gắp từng mảnh nhỏ. Với trường hợp u bã thức ăn nếu không gắp kịp thời sẽ gây viêm loét dạ dày hoặc trôi xuống ruột gây tắc ruột”.

Khai thác thông tin từ bệnh nhân T. được biết gần đây anh rất hay ăn măng. Do bị đầy bụng khó tiêu, đau bụng dữ dội nên anh mới nhập viện.

Theo BS Hiền, khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, rau muống, cam, bưởi, quýt, mít, ngô...

“Nếu ăn những thứ này khi đói, dạ dày còn trống rỗng thì những hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Ngoài ra thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn” – BS Hiền nói.

Cũng theo BS Hiền, nếu không được xử trí kịp thời, tắc ruột do ứ đọng bã thức ăn có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn tới tử vong.

Qua trường hợp trên, các BS cũng khuyến cáo trước khi ăn các món có nhiều nhựa như ổi, hồng ngâm, măng khô, cần phải ăn khi no, đề phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa.

Tắc ruột non là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Bã thức ăn (bezoars) là một trong những nguyên nhân hiếm gặp gây tắc ruột non. Bã thức ăn là một khối thức ăn không tiêu, tùy theo thành phần của nó mà chia thành nhiều loại như: bã thức ăn thực vật (phytobezoars), khối bã thức ăn động vật (lactobezoars), khối lông tóc (trichobezoars) hoặc khối hỗn hợp nhiều loại.

Loại thường gặp nhất là khối bã thức ăn thực vật. Khối bã thức ăn thực vật được hình thành ở dạ dày và di chuyển xuống ruột non khi dạ dày không còn toàn vẹn sau nhiều phẫu thuật khác nhau như: cắt dạ dày, cắt dây X, nối vị tràng… Ngoài ra ở dạ dày thì gây loét dạ dày. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm