Hãy biết ngừng một giây để thấy mình an lạc

Đây là những câu hỏi được nhiều người quan tâm tại buổi trò chuyện về chủ đề “Nếp sống an lạc”, chương trình do Hội quán Các bà mẹ phối hợp với Wow Art tổ chức vào sáng 7-2 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Nhận định rằng một người đạt được sự sung sướng, hứng khởi trong công việc và cuộc sống chưa hẳn là người đó đã sống an lạc, GS-TS triết học Thái Kim Lan (từ Đức về) nêu quan điểm: “An có nghĩa là sự cân bằng mọi việc trong cuộc sống, đó không phải là sự sung sướng tức thời. Người sung sướng chưa chắc đã an lạc. Chữ An là chìa khóa để dẫn mình đến với chữ Lạc. Tâm mình có sự cân bằng thì mới xuất hiện khái niệm Lạc được”.

BS Đỗ Hồng Ngọc và GS-TS triết học Thái Kim Lan tại buổi trò chuyện sáng 7-2. Ảnh: THANH TUYỀN

Trên khía cạnh của một bác sĩ, BS Đỗ Hồng Ngọc nói rằng: “Thầy thuốc thì cũng chỉ chữa được cái đau tức thời trên thân xác thôi. Còn cái đau dai dẳng, âm ỉ trong tâm của mỗi người thì không thể chữa được... Thân không an thì tâm không lạc, tâm không an thì thân không thể nào lạc được”.

BS Đỗ Hồng Ngọc cũng nói rằng chính vì không biết cách cân bằng cảm xúc của mình, không biết làm thế nào để thân tâm an lạc nên hiện nay nhiều người rơi vào tình trạng stress kéo dài, đặc biệt là với cuộc sống quá căng thẳng như hiện nay.

Ông cũng nhận định tình trạng này hiện nay thường xuyên xảy ra với lớp trẻ với lối sống vội, sống nhanh - lứa tuổi thường rơi vào guồng quay của công việc với tần suất cao để phấn đấu cho sự nghiệp...

“Vậy nên các bạn hãy biết lắng lòng mình lại, tự tìm cho mình con đường đi để có thể cân bằng được mọi thứ. Phấn đấu là tốt nhưng phải biết nhìn lại, gọi được tên từng cung bậc cảm xúc của mình, dù đó là thói ích kỷ, sự phẫn nộ hay là niềm vui đi chăng nữa...” - BS Ngọc nói.

GS Thái Kim Lan cũng nói thêm rằng bản thân mỗi người phải biết tự làm chủ chính mình thì mới mong nhận được sự an lạc. “Tôi hay nói với các bạn trẻ rằng dù công việc có nhiều thế nào đi nữa thì hãy biết ngừng một giây để thấy mình đang thở. Nó giúp mình kiểm soát thân và tâm rất tốt. Để mình không bị cuốn theo cái này cái kia, những cái mà không khiến mình thấy an được” - GS Thái Kim Lan chia sẻ.

Cũng đồng ý với ý kiến này, BS Đỗ Hồng Ngọc còn cho rằng quan trọng là cảm quan của mỗi người về cuộc sống của chính mình. “Biết đủ thì đủ. Đợi đủ thì bao giờ mới đủ/ Biết nhàn thì nhàn. Đợi nhàn thì bao giờ mới nhàn...” - BS Ngọc nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm