Hành trình mang quả tim từ Hà Nội vào TP.HCM để ghép

“Ngay khi nhận được thông tin có người hiến đa tạng tại bệnh viện (BV) mình, chúng tôi đã bắt đầu lên kế hoạch nhịp nhàng và thông báo với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Đó là ngày 26-2, người hiến đa tạng trao cơ hội cho sáu người, trong đó hai người nhận giác mạc, một tim, một người nhận phổi và hai bệnh nhân khác nhận thận. Một giác mạc được điều phối ghép tại BV Mắt. Tim và một thận khác được điều phối ghép xuyên Việt tại BV Chợ Rẫy TP.HCM” - GS-TS Mai Hồng Bàng bắt đầu kể về hành trình ghép tạng xuyên Việt.

Ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên

BV Trung ương Quân đội 108 ngay trong ngày 26-2 đảm nhận việc ghép phổi cho bệnh nhân Trần Ngọc Hanh (Nam Định), người may mắn được nhận phổi từ người hiến đa tạng. Và đây cũng trở thành trường hợp đầu tiên trong ca phẫu thuật ghép phổi từ người cho chết não tại Việt Nam.

GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV, cũng là tổng chỉ huy điều hành tổ chức thực hiện ca ghép phổi, tâm sự: Để có thể đạt được kết quả tốt nhất, ngoài việc phối hợp điều phối tạng vào miền Nam, BV Trung ương Quân đội 108 hết sức nhanh chóng tìm được người nhận phổi phù hợp. Đồng thời, liên hệ gấp nhờ sự hỗ trợ của hai chuyên gia nước ngoài cùng với êkíp lên đến gần 60 người tiến hành ca mổ.

Ghép phổi là một trong những kỹ thuật rất khó, có thể nói là khó nhất trong các lĩnh vực ghép tạng, kể cả những nước có nền y học tiên tiến trên thế giới. Bởi nó đòi hỏi tính khẩn trương, yêu cầu lấy phổi và ghép phổi phải nhanh chóng và đồng bộ. Trước đó, người nhận và người cho phải có những chỉ số đánh giá có đồng nhóm máu và các xét nghiệm tương thích hay không.

“Điều khó nhất trong ca ghép phổi này là hồi sức chết não, các bác sĩ bắt buộc làm sao phải giữ được phổi nguyên vẹn trong một thời gian ngắn trước ghép. Đồng thời triển khai kỹ thuật gây mê, hồi sức và chống thải sau ghép… Nói chung, tất cả giai đoạn đều cho thấy sự phức tạp, khó khăn rất nhiều so với các kỹ thuật ghép tạng khác” - BS Bàng cho biết.

Sau hơn tám giờ căng thẳng cho ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên, đến nay ca ghép được đánh giá là rất thành công trước sự hồi phục tốt từ bệnh nhân. Ngay trong sáng 16-3, người bệnh đã có thể đi lại và nói chuyện được với mọi người từ phòng hồi sức sau phẫu thuật.

Bệnh nhân được ghép phổi thành công từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam.  Ảnh: H.PHƯỢNG

Gay cấn trái tim đi xuyên Việt

Xem như một trận đánh lớn của ngành ghép tạng, BS Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tim mạch - BV Trung ương Quân đội 108, cũng chia sẻ: “Đây là một thành công lớn, không chỉ cho ca ghép phổi nói riêng mà cho cả năm ca phẫu thuật ghép đa tạng song song khác được thực hiện ở cả hai miền đất nước”.

Một trong những điều gay cấn, hồi hộp nhất trong ca ghép đa tạng lần này, đó là khi điều phối trái tim và thận vào BV Chợ Rẫy TP.HCM, các bác sĩ chỉ có tối đa hơn sáu tiếng đồng hồ sau khi phẫu thuật lấy và di chuyển hơn 1.800 km vào TP.HCM. Việc bảo đảm được thời gian giới hạn này đòi hỏi sự kỹ lưỡng, nhịp nhàng ở mức tối đa giữa cả nơi lấy và nơi nhận.

“Tính toán thời gian lấy tim sẽ hoàn thành trước vào lúc 1 giờ rưỡi chiều 26-2, BV Chợ Rẫy đã cử người ra BV Trung ương Quân đội 108 nhận tim và lên chuyến bay lúc 2 giờ chiều. Thận được đưa đi sau, vì nếu chờ đợi lấy cả hai và đi cùng một lúc sẽ gây chậm trễ thời gian ghép tim” - BS Bàng kể.

Sự thiêng liêng và quý trọng vô giá từ quả tim và thận của người cho đi xuyên Việt từ Bắc vào Nam khiến êkíp BV Chợ Rẫy “căng mình” hết sức. Người nhận tim đã như cận kề với cái chết sau hai lần có cơ hội ghép tim nhưng không thực hiện được. Cơ hội sống của người nhận vô cùng quý giá và BV không cho phép mình phụ lòng người cho. Do đó, tất cả các khâu đều phải liên hệ trước. Giờ dự kiến máy bay đáp cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất là hơn 4 giờ chiều, đúng vào giờ cao điểm. BV Chợ Rẫy đã liên hệ phía hàng không hạn chế các thủ tục bình thường, đồng thời nhờ sự trợ giúp từ hai xe đặc chủng của Công an TP.HCM đưa trái tim được bảo quản về đến BV Chợ Rẫy chỉ trong 15 phút.

Ca ghép tim bắt đầu từ 5 giờ chiều đến 10 giờ 30 đêm đã đập ổn định trong một lồng ngực khác. Đồng thời, thận của người cho đến BV lúc 7 giờ tối và hoàn thành ghép suýt soát 12 giờ đêm. Cả sáu ca ghép ở ba BV đến thời điểm hiện tại đều thành công ngoài mong đợi, bệnh nhân hồi phục tốt và có người đã xuất viện về nhà.

Học từ các nước giỏi ghép tạng

Từ tháng 3-2016, BV Trung ương Quân đội 108 triển khai đề án khoa học công nghệ tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người. Để chuẩn bị nguồn lực cho ghép tạng, BV đã từng gửi bốn êkíp sang BV ở Pháp, nơi đã thực hiện trên 600 ca ghép phổi. Ngoài ra, học hỏi tại Nhật Bản, Hàn Quốc, tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các BV trong nước, đến nay BV Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công 18 ca ghép thận, một ca ghép gan, bốn ca ghép giác mạc, năm ca ghép tủy… Tất cả bệnh nhân sau khi ghép đều ổn định sức khỏe, trở về cuộc sống, sinh hoạt bình thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm