Góc nhìn đa chiều về dịch sởi

Bộ Y tế đang tìm mọi phương thức để dập dịch sởi, song bên cạnh đó cũng đang nghĩ đến phương án trả lời trước dư luận về trách nhiệm của mình. Giữa hai vòng vây này, Bộ Y tế sẽ nói và làm thế nào để nghe hợp tình, hợp lý?

Những con số tròn trịa về tiêm chủng

Dịch sởi sẽ kết thúc vào năm 2017 theo như cam kết của Bộ Y tế nhưng giữa năm 2014 lại xảy ra “đại dịch” sởi. Vấn đề ở đây, hiện nay việc công bố hay không công bố dịch không có ý nghĩa lớn so với việc làm sao khống chế được dịch. Câu trả lời là tiêm đủ vaccine phòng sởi, bên cạnh tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng bệnh và nâng cao năng lực điều trị.

Theo các chuyên gia dịch tễ học, trước khi có vaccine ngừa sởi, số người mắc sởi trong một năm bằng số trẻ sinh ra trong năm đó. Khi có vaccine, nếu tiêm chủng đạt 80%-85% thì dịch sởi vẫn xảy ra theo chu kỳ năm năm vì còn 20% trẻ lọt lưới mỗi năm. Nếu tiêm chủng đạt 90% thì dịch cũng có thể xảy ra ở những vùng nguy cơ. Chỉ có thể cắt được dịch khi tiêm chủng đạt trên 90%. Nhưng tiêm vaccine ngừa sởi hiện có đạt kết quả tốt?

 
Nhân viên y tế BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho trẻ mắc bệnh sởi thở máy. Ảnh: TRẦN NGỌC

Câu hỏi đặt ra là ngành y tế công bố thông tin dữ liệu tiêm chủng có trung thực không? Qua vụ hơn 100 trẻ tử vong trong khi báo cáo chỉ có 25 thì dư luận có còn tin ngành y tế trung thực? Như vậy phải nhìn nhận, xem xét lại toàn bộ hệ thống báo cáo tiêm chủng có trung thực không trước đã. Các báo cáo của ngành y tế lúc nào cũng tròn trịa, tỉ lệ tiêm chủng đạt trên 90%. Các bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết không có vaccine ngừa thì có thể “đổ thừa” cho khí hậu, cho vệ sinh của người dân, còn sởi đã có vaccine ngừa 30 năm nay mà dịch bệnh vẫn xảy ra thì ngành y tế “đổ” cho nguyên nhân nào?

Người viết xin kể một câu chuyện mà mình đi thực tế. Khi hỏi cán bộ tiêm chủng ở vùng dân tạm cư đông đúc: Vì sao các anh/chị không tổ chức tiêm cho từng tổ dân phố, khu phố, như vậy sẽ không bỏ lọt? “Ban ngày người ta đi làm tận khuya mới về, có gia đình đi vài ngày mới về. Dân nhập cư quá đông, cũng không biết nhà ai có con nhỏ mà đến kêu đi tiêm. Bên cạnh đó, nhân lực chúng tôi có hạn” - vị cán bộ y tế trả lời về khó khăn của mình. Thế nên cớ sự nghi ngờ những con số tiêm chủng tròn trịa trên báo cáo với thực tế tiêm chủng ở địa bàn.

Cần sự chung tay

Ngành y tế phản ứng có chậm?

Tháng 12-2013, Pháp Luật TP.HCM là báo đầu tiên cảnh báo về nguy cơ bùng phát sởi sau tết (bài viết “Coi chừng bùng phát sởi” đăng ngày 28-12). Lúc này TP.HCM chỉ có lác đác vài ca mỗi ngày nhưng khu vực phía Bắc hầu như không có thông tin gì về sởi mặc dù có nhiều hơn. Ngay lúc đó, ngành y tế TP.HCM phản ứng rất nhanh là kêu gọi tiêm phòng và vệ sinh phòng dịch nên tử vong chưa xảy ra. Còn hậu quả chủ quan của phía Bắc quá nặng nề, cụ thể là 108 ca tử vong có mắc sởi, trong đó có 25 ca chết vì nguyên nhân bệnh sởi, các ca còn lại vừa nhiễm sởi vừa có bệnh khác.

Truyền thông có lỗi?

Cũng đã có những ý kiến trong ngành y tế cho rằng truyền thông làm người dân lo sợ, không dám tiêm vaccine khiến sởi bùng phát, khi đã “nói quá” về những sự cố vaccine vừa qua.

Phản biện lại quan điểm này, thạc sĩ truyền thông khoa học Phan Kim Sơn cho rằng: “Muốn “đổ thừa” phải có bằng chứng. Nếu Bộ Y tế cho rằng báo chí nói quá về vaccine khiến nhiều trẻ bỏ tiêm, làm cho bệnh sởi bùng phát thì Bộ Y tế phải có nghiên cứu hẳn hoi và cho ra kết luận như thế. Chỉ trên cơ sở đó việc “phán xét” lẫn nhau mới có giá trị. Tiếc thay, ở nước ta chưa ai làm chuyện này, kể cả Bộ Y tế. Trong khi đó, sau những vụ việc tương tự ở nước ngoài như chuyện báo chí Anh thông tin về vaccine MMR (ngừa sởi, quai bị, rubella) từ năm 1994 đến 2003, vaccine được BS Andrew Jeremy Wakefield qua nghiên cứu của mình cho là có gây ra bệnh tự kỷ, các học giả của nước này đã thực hiện nhiều nghiên cứu và thấy rằng mối liên quan giữa thông tin của báo chí và việc người dân bỏ chích ngừa do tác động của báo chí, từ đó dẫn đến việc bùng phát dịch sởi ở một số vùng của Anh. Cần nói thêm, nghiên cứu của BS Wakefield sau đó đã được y học chứng minh vô giá trị. Tiếc thay, do không đủ bình tĩnh và lý trí nhận định nên báo chí đã vô tình thông tin sai.

Giải quyết hậu quả của sởi hiện nay không thể “đổ qua đổ lại” mà cần chung tay giữa chính quyền, ngành y tế và cả người dân để giúp con trẻ chúng ta thoát khỏi thời gian nguy hiểm này và chấm dứt dịch sởi. Tuy nhiên, điều mà người dân rất cần là ngành y tế cần có báo cáo thuyết phục!

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm