Giá thuốc - không thể vô lý hơn

Người dân hầu như “mù tịt” thông tin chủng loại, giá cả, chất lượng thuốc, còn các cơ quan chức năng thì loay hoay không thể giải quyết tận gốc vấn đề nhức nhối này.

Câu hỏi đã được đặt ra trên diễn đàn báo chí từ năm 2003-2004, đến nay vẫn còn “nóng hổi”: Tại sao có một số công ty phân phối dược phẩm trở thành công ty duy nhất được hưởng đặc quyền trực tiếp phân phối thuốc nhập khẩu, từ đó có cơ hội “làm mưa làm gió” trên thị trường tân dược? Chính sự độc quyền này đã “đẻ” ra nạn hoa hồng - lót tay cho bác sỹ và nhiều hệ lụy khác, trong đó có thủ đoạn né thuế tinh vi và làm giá công khai. Bản thân một số người buôn bán thuốc Tây ở TP.HCM thừa nhận, cơ quan chức năng rất khó kiểm soát được giá thuốc hiện nay vì lực lượng thanh tra, kiểm tra rất mỏng.

Nếu là dân buôn thuốc Tây mua hàng tại chợ trung tâm tân dược thì giá sẽ chênh lệch với người dân đi mua lẻ từ 12-14%. Còn giá tại các nhà thuốc bán lẻ thì loạn xạ hơn, muốn “hét” bao nhiêu, người bệnh cũng phải “ngậm đắng” bỏ tiền ra mua. Pháp lệnh Giá quy định, nếu như doanh nghiệp, nhà thuốc có niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết thì cơ quan không xử phạt. Pháp lệnh là một chuyện, nhưng việc mua bán tại chợ thuốc buôn, các nhà thuốc vẫn có thể bán thấp hoặc cao hơn giá niêm yết. Thậm chí việc niêm yết chỉ chiếu lệ, đối phó với cơ quan quản lý.

Buôn bán mà ngay thẳng thì làm sao sống được? Luật Dược quy định: thuốc trước khi lưu hành trên thị trường phải được cơ sở sản xuất, nhập khẩu kê khai giá và khi thay đổi giá thuốc phải được kê khai lại với cơ quan Nhà nước, bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại như Việt Nam. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá kê khai. Có thể nói đây là một quy định “không giống ai”, bởi trên thế giới, khi một doanh nghiệp nhập thuốc về, người ta kê khai giá nhập khẩu tại hải quan (giá gốc, bảo hiểm, cước vận chuyển). Sau đó Hiệp hội quản lý dược hoặc Chính phủ sẽ có quy định chi tiết về tỷ lệ phần trăm được phép tăng cho mọi loại thuốc nhập khẩu.

Hơn 10 năm trước, thuốc ở Việt Nam khá rẻ bởi các công ty dược Việt Nam mua thẳng từ nước ngoài về. Còn 10 năm trở lại đây, Bộ Y tế cho phép Công ty Zuellig Pharma độc quyền phân phối nhiều loại thuốc nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện nay nước ta có gần 10.000 loại thuốc nhập khẩu với 900 hoạt chất. Một dược sỹ, nguyên Giám đốc Yteco cho rằng, ở tầm vĩ mô, Bộ Y tế cần quản lý giá đầu vào, đồng thời quản lý giá bán lẻ. Hiện Nhà nước chưa có quy định thặng số bán buôn, bán lẻ cũng như chưa quy định bán buôn được phép tối đa bao nhiêu, bán lẻ là bao nhiêu, thì Thanh tra dược cũng chẳng có cớ gì để xử lý các công ty bán buôn.

Những bất cập trong quản lý giá thuốc đã được nhiều chuyên gia cảnh báo nhưng vẫn chưa được điều chỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước phải kiểm soát giá thuốc nhập khẩu mà trong nước không thể sản xuất được. Đối với ngành y tế, cần có một Hội đồng dược tại Bộ Y tế. Hội đồng gồm những người có uy tín nhưng không phải công chức. Hội đồng này sẽ ấn định chi phí và lợi tức để cho ra một giá thành hợp lý. Hội đồng dược sẽ có trách nhiệm đặt câu hỏi để các công ty dược giải trình. Trong trường hợp chỉ có một công ty bán thuốc đó, Nhà nước phải đại diện nhân dân trả giá. Hàng triệu người dân phải gánh chịu giá thuốc cao vô lý. Đã có nhiều cuộc thanh tra giá thuốc nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Giá thuốc cao và các khoản “hoa hồng” đang… bóp chết y đức.

Theo Đan Thanh (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm