Gia đình 4 người ung thư gan, viêm gan do chủ quan

Tuy nhiên, đã có rất nhiều trường hợp, bệnh nhân tử vong do ung thư gan hình thành từ viêm gan siêu vi B, C.

Siêu vi B có yếu tố gia đình

Bệnh nhân nam HTT điều trị tại khoa Gan Mật Tụy, BV Đại học Y Dược (40 tuổi, giáo viên) cho biết gia đình anh có bốn người mắc viêm gan siêu vi B. Trong đó mẹ và em trai của anh đã chết do ung thư gan. Anh trai của anh may mắn thoát khỏi ung thư gan nhờ tầm soát điều trị và theo dõi định kỳ như lời bác sĩ. Hiện anh T. cũng đang bị viêm gan siêu vi B và mang trong mình khối u ác tính kích thước gần 4,5 cm.

Theo dõi viêm gan siêu vi B định kỳ là cách đề phòng ung thư gan.

Theo dõi viêm gan siêu vi B định kỳ là cách đề phòng ung thư gan. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Anh T. kể lúc mẹ sinh mấy anh em, thời điểm đó chủng ngừa chưa tốt nên các con sinh ra lần lượt bị nhiễm viêm gan B từ mẹ. Tuy nhiên, cả mấy mẹ con đều không hề biết mình bị viêm gan siêu vi B.

“Cách đây năm năm, tôi được biết mình bị viêm gan siêu vi B. Nhưng lúc đó tôi cũng không lo lắng, nghe mọi người tôi mua các thuốc bổ gan, thực phẩm chức năng về uống. Tuy nhiên, gần đây, trong một lần đau bụng tưởng đau dạ dày, tôi đến siêu âm thì bác sĩ cho biết mình có khối u ác tính trong gan. Lúc đó mới thấy viêm gan siêu vi B ảnh hưởng ghê gớm như thế nào” - anh T. nói.

PGS-BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Đại học Y Dược, phân tích thêm: Thời điểm đó mẹ, em trai và anh trai anh T. đều biết mình bị viêm gan siêu vi B nhưng chỉ có người anh trai đi tầm soát, theo đuổi điều trị, tái khám. Vì vậy sức khỏe giờ ổn định hơn rất nhiều. Trong khi đó, do khá chủ quan và từ chối đi khám nên mẹ anh T. đã qua đời cách đây ba năm, tiếp đó là em trai cũng chết do ung thư gan hai năm trước.

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, mặc dù chưa có chứng cứ chứng minh viêm gan siêu vi B có tính di truyền nhưng yếu tố gia đình lại là một trong những tác nhân khiến nhiều gia đình có đến bốn, thậm chí năm thành viên bị viêm gan siêu vi B dẫn đến u gan.

Có thể tầm soát và điều trị

PGS-BS Bùi Hữu Hoàng cho rằng Việt Nam là đất nước có mầm bệnh ung thư gan đứng thứ 2-3 trên thế giới. Đa số người mắc bệnh thuộc trường hợp ung thư thứ phát.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng ung thư gan nguyên phát có thể bắt nguồn từ căn bệnh viêm gan siêu vi B (chiếm tỉ lệ 80% trong các nguyên nhân), bệnh viêm gan siêu vi C, xơ gan do uống rượu, bệnh gan nhiễm mỡ dẫn đến xơ gan (xuất phát từ căn bệnh béo phì), đái tháo đường…

tầm soát ung thư gan

Khi bị viêm gan siêu vi B, C mọi người nên theo dõi điều trị để tránh ung thư gan. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Theo ThS-BSTrần Công Duy Long, Phó khoa Gan mật tụy BV Đại học Y Dược TP.HCM, viêm gan siêu vi phổ biến nhất là siêu vi B và C. Đối với virus viêm gan siêu vi B, do bản chất phức tạp nên chúng ta chỉ có thể ức chế tạo ra virus mới mà virus ban đầu không bị tiêu diệt, cho đến khi nó tự chết.

Chính vì vậy, khi virus nằm trong cơ thể, mặc dù không có phản ứng nhưng cần phải được theo dõi bằng cách siêu âm và xét nghiệm máu thường xuyên 6 tháng/lần để đo nồng độ AFP (khi bệnh nhân bị ung thư gan nồng độ AFP tăng lên).

Trường hợp nếu phát hiện khối u 1-3 cm vẫn có thể khống chế và điều trị triệt để, khối u khá nhỏ có thể điều trị bằng việc mổ hoặc đốt. Riêng khối u 5-6 cm trở lên thì cơ hội điều trị không được như mong đợi. Vì vậy người dân nên quan tâm hơn đến căn bệnh này và theo sát lịch tư vấn, điều trị của bác sĩ để có sức khỏe tốt.

Theo nghiên cứu, nếu bị kim tiêm của người mắc bệnh đâm vào người, đối với bệnh viêm gan siêu vi B có khả năng lây nhiễm là 30%, bệnh viêm gan siêu vi C có tỉ lệ lây nhiễm là 3%, bệnh HIV có tỉ lệ lây nhiễm là 0,3%. Như vậy cho thấy mức độ lây của bệnh viêm gan siêu vi B là vô cùng khủng khiếp và nó thường lây qua đường máu, tiếp xúc giữa những vết thương, lây qua đường từ mẹ sang con và cả lây qua đường tình dục. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm