Ghép gân xương người chết não cho người chấn thương nặng

Theo bác sỹ Trần Hoàng Tùng, Khoa Chấn thương chỉnh hình 2, Bệnh viện Việt Đức, trước đây chủ yếu sử dụng vật liệu tự thân (lấy từ chính cơ thể bệnh nhân) để ghép gân xương.

Các kỹ thuật thường làm như tái tạo dây chằng chéo trước bằng gân cơ thon, gân cơ bán gân, ghép xương cánh chậu, xương mác cho những trường hợp bị khuyết thân xương dài.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp tổn thương nặng như: đứt nhiều dây chằng, khuyết hổng xương quá lớn hoặc tổn thương lặp lại nhiều lần thì vật liệu tự thân không đủ bù vào vị trí tổn thương, không phục hồi hoàn toàn sau chấn thương.

Từ 2013 đến nay, Bệnh viện Việt Đức đã triển khai ghép gân xương từ người cho chết não cho các trường hợp chấn thương đứt nhiều dây chằng cùng lúc.

Ưu điểm của phương pháp là không phải hy sinh xương tự thân, tránh được phiền toái và vấn đề thẩm mỹ sau mổ do đường mổ nhỏ, thời gian mổ được rút ngắn, tập phục hồi chức năng sau mổ thuận lợi hơn.

Tại hội nghị khoa học thường niên Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức) vừa diễn ra tại Hà Nội, nhóm của bác sỹ Tùng đã giới thiệu hai bệnh nhân bị u tế bào khổng lồ lồi cầu xương đùi và đứt 4 dây chằng gối sau chấn thương đã được ghép bằng xương xốp và gân đồng loại từ người hiến chết não.

Sau bốn tháng phẫu thuật, bệnh nhân đều đã đi lại được bình thường. Trong khi đó nếu dùng phương pháp cũ sử dụng xương mác có nhược điểm là xương cứng, khó liền (đối với bệnh nhân u tế bào khổng lồ), không đủ gân tự thân để ghép (với bệnh nhân bị đứt bốn dây chằng gối).

Bác sỹ Tùng cho biết phương pháp này còn có thể sử dụng để ghép cho bệnh nhân bị khuyết xương lớn sau mổ u lành tính, mất đoạn xương đùi hoặc tổn thương đa dây chằng sau chấn thương.

Theo LAN ANH/TTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm