Gan, thận tổn hại nặng vì tin “nhà tôi ba đời...”

Bật kênh YouTube xem một video chừng 3 phút là người xem sẽ bị “tra tấn” bởi các “thần y” nhà tôi ba đời chữa bệnh gout, tiểu đường, viêm não… Hình thức quảng cáo được cho là rẻ tiền này mang lại nhiều hậu quả khôn lường khi không ít người tin, mua thuốc đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Nguy kịch vì bỏ bác sĩ, tin “thần y”

Khoảng một tháng trở lại đây, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) tiếp nhận hơn 20 trường hợp cấp cứu do sử dụng thuốc Nam mua trên mạng. Điểm chung là bệnh nhân mắc cùng lúc nhiều bệnh lý nền, tin theo quảng cáo, mua và dùng thuốc rồi bị biến chứng nặng nề.

Hồi tháng 3, ông LTV nhập BV cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch, chỉ chậm 5 phút nữa ông có thể đã tử vong. Theo kiểm tra từ các bác sĩ, ông V. ngộ độc một loại thuốc đã bị cấm từ lâu. Đối chiếu với bệnh sử của bệnh nhân, bác sĩ biết ông V. bị tiểu đường gần 20 năm nay, trước đây ông vẫn uống thuốc của bác sĩ kê nhưng thời gian gần đây ông uống thêm thuốc Đông y do được “người ta” mách nước. Sau một thời gian sử dụng thuốc này, ông mệt mỏi tăng dần và phải nhập viện.

Các bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân liên quan đến “nhà tôi ba đời...” tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương. Ảnh: HP

Ngày 1-4, Khoa viêm gan BV Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận bệnh nhân BTH (63 tuổi, quê Nam Định) trong tình trạng mệt mỏi, ăn kém, bụng trướng tăng dần, phù hai chân rõ. Chồng bà H. cho biết cách đây hai năm bà bị xơ gan do virus viêm gan B nhưng bệnh còn nhẹ nên được về nhà điều trị.

Sau đó có người nói ở Hòa Bình có nhà thuốc gia truyền chuyên chữa bệnh gan, dạ dày, người kê thuốc tốt nghiệp trung cấp Đông y, được treo biển bán thuốc. Thêm hàng xóm kể có người nhờ dùng thuốc này mà khỏi viêm gan nên vợ chồng ông tin theo.

Cho rằng xơ gan và viêm gan B là hai bệnh khác nhau, bà H. bỏ thuốc kháng virus, uống thuốc Nam, khi nào khỏi xơ gan sẽ uống lại để điều trị viêm gan B. Khoảng một năm qua, bà H. đã uống thuốc Nam mỗi tháng 15 thang, giá mỗi thang 60.000 đồng. Mãi đến khi nhập viện, bà mới biết thuốc Nam không thể chữa được viêm gan B.

Bệnh nhân tiếp theo là một cụ bà 73 tuổi, ngụ Hà Nam, nhập BV Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương gan, thận. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được hướng nhiều tới tổn thương gan, thận do ngộ độc thuốc Nam. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân có nền viêm đa khớp, viêm gan B nhiều năm. Ngoài uống thuốc do BV kê, cụ còn uống thêm thuốc Nam mua ở nhiều nơi.

Mánh khóe của “thần y”

Cắt ghép hình ảnh từ báo đài uy tín, từ các BS nổi tiếng để quảng cáo thuốc trôi nổi là hình thức quen thuộc mà các “thần y” sử dụng thời gian qua.

Những bệnh được quảng cáo chữa khỏi chủ yếu là bệnh mãn tính, khó điều trị dứt điểm. Các “thần y” khéo léo thuyết phục người nhẹ dạ cả tin bằng kinh nghiệm bản thân, cùng với đó nhờ người quảng cáo theo kiểu truyền miệng, rỉ tai về công dụng thần kỳ của thuốc.

Thậm chí, trên mạng xã hội cũng nhan nhản fanpage gắn mác lương y với lượng theo dõi đông đảo, từ vài ngàn đến chục ngàn lượt người xem, tương tác mỗi ngày.

Đáng nói, các video quảng cáo thuốc trá hình được đưa công khai lên mạng nhưng lại chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý. 

Đã vào cuộc nhưng chưa thể triệt tận gốc

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã liên tục thông báo về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân không mua, sử dụng những loại thuốc chưa rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Về vấn đề này, thực chất cục đã vào cuộc 2-3 năm nay nhưng để triệt tận gốc vẫn cần thêm thời gian vì đây không phải là chuyện một sớm một chiều.

Năm 2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt hàng trăm cơ sở kinh doanh, trong đó có các trường hợp quảng cáo trá hình trên mạng. Tuy nhiên, việc xử phạt quảng cáo các “thần y” này lâu nay chỉ dừng ở sự vụ, tức thấy ai phản ánh thì kiểm tra, xử lý bằng biện pháp đình chỉ, phạt tiền.

Ông NGUYỄN THANH PHONGCục trưởng Cục An toàn thực phẩm,
Bộ Y tế
 

Tránh xa thuốc “nhà tôi ba đời...”

BS Nguyễn Thị Thu Huyền, Khoa viêm gan BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết: “Bệnh nhân BTH tự ý bỏ thuốc, dùng thuốc Nam nên bị xơ gan mất bù. Thời gian tới bệnh nhân sẽ uống thuốc kháng virus, hỗ trợ gan và thải độc, thuốc lợi tiểu để điều trị bụng trướng. Khoảng 2-4 tuần nữa bệnh nhân sẽ được ra viện. Loại thuốc bệnh nhân uống là thuốc lá, không có tên đặc biệt nên không xác định được mẫu”.

Một trong những hình ảnh quảng cáo thuốc Đông y xuất hiện nhan nhản
trên mạng. (Ảnh chụp từ màn hình)

Về trường hợp của cụ bà 73 tuổi, BS Nguyễn Viết Nam, Khoa cấp cứu (Cơ sở Kim Chung) BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tổn thương gan, thận rất nhiều. “Chúng tôi đã chỉ định các thuốc hỗ trợ để ổn định chức năng gan, thận và điều trị các bệnh nền viêm khớp, viêm gan B cho bệnh nhân. Nếu diễn biến tiếp tục nặng lên sẽ tính đến phương án lọc máu” - BS Nam nói.

“Thuốc Nam ở các cơ sở chính thống, gia truyền từ xưa được Bộ Y tế cấp phép rất tốt. Tuy nhiên, những cơ sở bán thuốc không rõ nguồn gốc, quảng cáo tràn lan trên mạng thì người dân tuyệt đối không sử dụng. Nếu bị bệnh, người dân nên đến khám ở các cơ sở uy tín, được Bộ Y tế cấp phép. Sau khi điều trị các triệu chứng đã ổn định, đừng quên khám định kỳ theo lịch” - BS Nam khuyến cáo.

BS Mai Đình Cửu, Phó Trưởng Khoa viêm gan BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cũng đưa ra lời khuyên: “Người dân cứ nghe truyền tai, truyền miệng về tác dụng thần kỳ của các loại thuốc này, thuốc khác rồi tin theo. Đến khi bệnh không khỏi, thậm chí nặng mới đến BV, lúc này có người đã xơ gan, suy gan hoặc ung thư… rất đáng tiếc”.

 

Đại diện Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng và tăng cường hơn nữa hệ thống công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc, chất lượng dược liệu. Cơ quan chức năng cũng sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra ngành y dược cổ truyền tư nhân, đảm bảo thuốc Đông y ra thị trường có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.

--------

Liên quan đến những phản ánh loạn “thần y” trên mạng xã hội hiện nay, vừa qua Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn đề nghị Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm