ECMO và chuyện chưa kể - Bài 1: Những người tiên phong

LTS: Thời gian qua, kỹ thuật trao đổi ôxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) đã giúp nhiều bệnh nhân cận kề cái chết vượt qua cửa tử, đặc biệt là các bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, dù máy móc có hiện đại tới đâu thì bàn tay, khối óc con người vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng. ECMO là phương pháp đòi hỏi sự kết hợp của cả hai.

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu với bạn đọc những câu chuyện đằng sau việc áp dụng kỹ thuật ECMO ở BV Chợ Rẫy TP.HCM và hành trình đưa kỹ thuật này ứng dụng rộng rãi, cứu sống ngoạn mục nhiều bệnh nhân ở khu vực phía Nam.

Những ngày cuối năm 2020, tranh thủ chút thời gian ít ỏi, TS-BS Phan Thị Xuân, Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu - Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, đã sắp xếp tiếp chuyện chúng tôi.

BS Xuân cho biết Khoa hồi sức cấp cứu vừa tiếp nhận và điều trị cho một nữ sản phụ (32 tuổi). Bệnh nhân (BN) này nhập BV đa khoa Đồng Tháp để sinh do thiểu ối. Sau khi đưa em bé ra ngoài, người mẹ bị băng huyết, sau đó suy tim, suy hô hấp nặng nên được chuyển vào BV Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sĩ phát hiện BN bị viêm cơ tim, suy tim do nhiễm một loại virus cúm.

TS-BS Phan Thị Xuân chia sẻ lại những ngày đầu gian nan ứng dụng kỹ thuật ECMO ở BV Chợ Rẫy. Ảnh: HL

Thắng không kiêu, bại không nản

Mặc dù tình trạng lúc nhập viện của BN rất nguy kịch, người nhà lo chi phí chạy ECMO quá lớn, không kham nổi đã xin về nhưng BS Xuân đã thuyết phục người nhà ở lại, đồng thời kêu gọi các đồng nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ cho BN.

BS Xuân tin tưởng: “Sau khi được đặt ECMO, BN đã duy trì được ôxy máu, huyết áp ở mức bình thường. Nhìn BN nặng vậy thôi nhưng nếu được chạy ECMO một thời gian thì BN sẽ hồi phục”.

BS Xuân là một trong những thế hệ tiên phong của BV Chợ Rẫy được tiếp nhận và chuyển giao kỹ thuật ECMO từ năm 2009. 11 năm qua, hàng trăm ca bệnh chạy ECMO thành công nhưng đối với BS Xuân, những ca đầu tiên để lại nhiều ký ức không bao giờ quên.

Tại một BV tuyến cuối như BV Chợ rẫy, hằng ngày phải chứng kiến các BN tử vong do suy tim, suy hô hấp nặng, ECMO trở thành nỗi khao khát của bác sĩ chuyên ngành hồi sức để cứu BN.

“Hai ca đầu tiên được thực hiện ECMO là BN suy hô hấp cấp (ARDS) từ viêm phổi do tụ cầu và ca thứ hai là bị nhiễm trùng nặng do kháng thuốc ngoài cộng đồng. Nếu không chạy ECMO, chắc chắn hai BN sẽ tử vong. BV Chợ Rẫy với sự giúp đỡ của BV Trung ương Huế, cố gắng tập trung điều trị cho cả hai ca nhưng đáng tiếc là cả hai đều thất bại” - BS Xuân nhớ lại tâm trạng đi từ hy vọng đến thất vọng khi trực tiếp tham gia đặt ECMO cho hai ca đầu tiên. Trước đó, BV Trung ương Huế đã có một số kinh nghiệm triển khai ECMO trong chương trình phẫu thuật tim và ghép tim nên đã hỗ trợ BV Chợ Rẫy trong những trường hợp này.

BS Xuân cũng chia sẻ năm 2009, việc tiếp cận các kiến thức khoa học trên Internet còn khá khó khăn, mặc dù đang áp dụng kỹ thuật nhưng chính bác sĩ hỗ trợ cũng không lý giải được chính xác nguyên nhân tử vong của hai BN.

Việc liên lạc với các giáo sư am hiểu về ECMO ở nước ngoài lại càng khó khăn hơn khi công cụ liên lạc chỉ qua email. “Thắng không kiêu, bại không nản, y khoa là quá trình thực hành, trải qua rồi mới thấm, càng làm nhiều thì mới càng hiểu rộng hơn, dần hoàn thiện kỹ thuật, cái gì cũng là vạn sự khởi đầu nan” - BS Xuân nhớ lại kim chỉ nam của BV lúc bấy giờ.

Sản phụ quê Đồng Tháp suy tim đang chạy ECMO tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: HL

Nhiều bệnh viện chuyển bệnh nhân lên để chạy ECMO

Nhận thấy cần phải đào tạo đội ngũ thực hiện kỹ thuật bài bản, BV đã cử ba bác sĩ Khoa hồi sức cấp cứu đi học ở Trung tâm ECMO Regensburg (Đức). Ca thứ ba chạy ECMO là một BN viêm cơ tim cấp trên nền bệnh tim mạn tính. Các bác sĩ tự tin vận dụng kiến thức đã học, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng không lường trước việc ECMO dù có đưa BN vượt cửa tử thì cũng không thể trả lại trái tim khỏe mạnh. BN sau đó đã ra đi. “Chỉ định cuối cùng cho BN là ghép tim, trong khi kỹ thuật này Việt Nam vẫn chưa thực hiện. Cạnh đó, việc đặt máy hỗ trợ tim lâu dài cho BN trong nước cũng chưa làm được” - BS Xuân nhớ lại.

Cùng lúc, dịch cúm H1N1 đang bùng phát mạnh mẽ trên thế giới, hàng loạt ca viêm cơ tim và viêm phổi do virus H1N1 được cứu sống nhờ ECMO. Vừa làm vừa học, BV Chợ Rẫy cũng mạnh dạn áp dụng chạy ECMO cho các ca viêm cơ tim, suy hô hấp, tỉ lệ thành công khá cao. “Nếu lúc trước ca đó chỉ có nước chết nhưng nhờ ECMO mà 3-4 ngày BN đã ngưng thở máy. Hiện tại, mỗi năm chúng tôi có thể làm mấy chục ca viêm cơ tim, viêm phổi do virus, đặc biệt là cả những ca tai biến sản khoa như thuyên tắc ối, thuyên tắc phổi cực kỳ nguy hiểm” - BS Xuân chia sẻ.

Hơn 500 ca bệnh đã được đặt ECMO tại BV Chợ Rẫy

Khi chưa có ECMO, BN sốc tim và suy hô hấp nặng không đáp ứng với điều trị nội khoa hầu hết sẽ tử vong. Từ khi có ECMO, nhiều BN được cứu sống rất ngoạn mục.

Các BV tại TP.HCM và phía Nam đã chuyển nhiều BN cần điều trị ECMO đến BV Chợ Rẫy. Nếu như năm 2016, nơi đây chỉ thực hiện được 27 ca ECMO thì 10 tháng đầu năm 2020, con số đó là 112 ca.

Theo thống kê, tỉ lệ thành công (sống xuất viện) của BN đặt ECMO tại BV Chợ Rẫy tương đương với tỉ lệ thành công của ECMO thực hiện tại các nước tiên tiến. 

Cụ thể, năm 2019, ECMO cho BN sốc tim do viêm cơ tim có tỉ lệ sống 71,4%, ECMO cho BN suy hô hấp cấp tiến triển có tỉ lệ sống 82,5%, ECMO cho BN sốc tim do nhồi máu cơ tim có tỉ lệ sống 41,7%, ECMO cho BN sốc phản vệ đạt tỉ lệ sống 100%.

TS-BS PHAN THỊ XUÂN, Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy (TP.HCM) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm