Đừng nói về HIV theo kiểu hù dọa nữa!

Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế vừa tổ chức hội thảo với báo chí tại TP.HCM với nội dung liên quan đến việc truyền thông về HIV/AIDS.

ThS-BS Đỗ Hữu Thủy cho biết ông đã trực tiếp chăm sóc cho nhiều bệnh nhân. Trong đó có những bệnh nhân nghi mình nhiễm nhưng họ không muốn đi xét nghiệm bởi tâm lý sợ hãi theo kiểu “lỡ bị dính HIV thì sao”. Người dân vẫn nghĩ về HIV như một căn bệnh chết người đáng sợ. Tâm lý này đã bén rễ rất sâu sắc trong người dân qua một quá trình dài tiếp nhận từ truyền thông.

ThS-BS Cao Kim Thoa và các nhà báo tham dự hội thảo đã dành khá nhiều thời gian phân tích một số bài báo liên quan đến vụ việc 42 người bị phát hiện nhiễm HIV ở Phú Thọ gây hoang mang dư luận thời gian qua. BS Kim Thoa cho biết bà không thể tưởng tượng nổi khi đọc được trong một bài báo viết về vụ việc có đoạn như thế này: “Trong sự hoang mang tột độ, những người mang “án tử” và cả những người khỏe mạnh sinh sống trong xã đã không ngừng câu hỏi HIV từ đâu về làng, gây nên sự tang tóc và nỗi lo cho những người dân vốn quanh năm lam lũ làm ăn để từ đứa trẻ mười mấy tháng tuổi đến bà lão đã gần 60 có tên trong danh sách 42 người bị “tử thần” vẫy gọi tại thôn Kim Thượng”. Theo bà Kim Thoa, xem người nhiễm HIV mang án tử là rất lạc hậu, gây hoảng loạn và không đúng với bản chất vấn đề.

TS John Blandford, Giám đốc Tổ chức Kiểm soát và Dự phòng dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam, cho rằng: “Khi đạt tải lượng ức chế virus HIV thì người nhiễm sẽ duy trì được một cuộc sống khỏe mạnh. Và điều quan trọng là họ cũng không có khả năng lây bệnh cho bạn tình của mình. Trong vòng bảy năm qua, có rất nhiều nghiên cứu cho thấy những người đạt tải lượng ức chế virus tốt thì sẽ không lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Điều này là chắc chắn, họ có cuộc sống khỏe mạnh bình thường như chúng ta”. Ông John cũng là người nhiễm HIV, đã sống cùng người yêu không nhiễm HIV suốt 23 năm, cả hai đều khỏe mạnh, an toàn.

ThS-BS Đỗ Hữu Thủy cho rằng nhiều kênh truyền thông, kể cả những kênh truyền thông lớn vẫn đang “vô tình” phạm luật khi đưa tin tức về người nhiễm HIV. Họ dùng hình ảnh những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối cực kỳ ám ảnh, đáng sợ. Nhiều bài báo vẫn mô tả người nhiễm như là người nguy hiểm hoặc người xấu cần phải đề phòng, cách ly khỏi mọi người. Ông nói: “Hù dọa dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Ngay cả một kênh truyền hình lớn có uy tín gửi kịch bản mời chúng tôi tham gia talk show mà họ cũng có những chi tiết nhấn mạnh nguy cơ từ những người nhiễm HIV. Hù dọa là cách truyền thông sai trái mà đến bây giờ chúng ta vẫn sửa sai chưa được!”.                  

(Chuyên đề phối hợp với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thực hiện)

Việt Nam có khoảng 50.000 người nhiễm chưa biết tình trạng nhiễm của mình. Hiện có nhiều người vẫn đang được điều trị thuốc ARV miễn phí từ các dự án được tài trợ. Tuy nhiên, sắp tới Việt Nam sẽ dùng bảo hiểm y tế (BHYT) để điều trị cho người bệnh kể từ 1-1-2019. Sẽ có 48.000 người được điều trị bằng BHYT, mục tiêu đến năm 2020 số người được điều trị BHYT tăng lên 100.000 người. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm