Bộ trưởng Y tế:

'Đừng mang trẻ bệnh nhẹ lên tuyến trên, tội nghiệp các cháu!'

Ngày 12-10, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM), sởi và sốt xuất huyết (SXH) năm 2018” tại Nhà văn hóa thiếu nhi quận Thủ Đức (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM).

Các quận, huyện ra quân phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: HOÀNG LAN

Trong đó, Bộ trưởng lưu ý giáo dục truyền thông để mỗi người dân, mỗi thành viên trong hộ gia đình có trách nhiệm cùng chung tay tham gia phòng, chống dịch bệnh TCM, sởi và SXH. Cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa ngành y tế với ngành giáo dục, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học như rửa tay với xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy), tiêm chủng vaccine phòng bệnh…

Sau buổi lễ phát động, Bộ trưởng Kim Tiến đã đi thực địa, kiểm tra trạm y tế phường Linh Trung, Trường Mầm non Hoàng Yến (phường Linh Trung) và BV Nhi đồng 2 (TP.HCM).

Giáo viên Trường Mầm non Hoàng Yến thực hành khử khuẩn đồ chơi của trẻ. Ảnh: HOÀNG LAN

Báo cáo tình hình các bệnh sởi, TCM nhập viện BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm của BV, cho biết 40% các ca ở TP.HCM, còn lại 60% là từ các tỉnh. BS Việt chia sẻ dù tỉ lệ bệnh nhẹ nhập viện thấp nhưng BV vẫn gặp tình huống khó khăn khi thuyết phục phụ huynh ở xa mà vẫn mong muốn nhập viện. “Có bệnh nhân mắc TCM chỉ độ 1 nhưng nhà ở xa. Chúng tôi đã cố gắng giải thích nhưng họ vẫn sợ hãi, lo lắng không dám về và chi phí đi lại tốn kém, nằng nặc đòi ở lại”, BS Việt lý giải.

Bộ trưởng Kim Tiến hỏi thăm người dân tiêm vét ngừa sởi cho con tại Trạm y tế phường Linh Trung. Ảnh: HOÀNG LAN

Sau khi nghe trao đổi của BV, Bộ trưởng khuyến cáo người dân có con bệnh nhẹ không nên nhập các bệnh viện lớn như Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 vì nơi đây đang tập trung điều trị các bệnh lây nhiễm, nguy cơ lây nhiễm chéo cao.

“Những BV tuyến cuối toàn bệnh nặng, nằm viện chật chội, nguy cơ nhiễm chéo sẽ càng cao gây hậu quả sẽ khôn lường. Trẻ mắc TCM, sởi nhẹ có thể mắc thêm viêm phổi khi vào BV điều trị. Đó là chưa kể các virus viêm não, vi khuẩn kháng kháng sinh... Khi đó, trẻ không tử vong vì sởi, TCM mà lại vì các bệnh lây nhiễm khác. BS tuyến dưới chuyên môn cũng rất tốt và được tập huấn nâng cao chuyên môn thường xuyên, đừng mang con trẻ dồn lên tuyến trên mà tội nghiệp các cháu”, bà Tiến phân tích.

Khoa khám bệnh của BV Nhi đồng 2 chưa đảm bảo công tác cách ly. Ảnh: HOÀNG LAN

Kiểm tra khoa khám bệnh của BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), Bộ trưởng thẳng thắn phê bình BV chưa thực hiện tốt các quy trình cách ly, phân luồng bệnh nhân ở khoa khám bệnh. Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo BV phải lập khu phân luồng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, sởi, sốt phát ban ngay từ đầu và riêng biệt, không tiếp xúc với các bệnh nhân khác nhằm tránh lây nhiễm chéo.

Bộ trưởng khẳng định: “Những loại bệnh truyền nhiễm cấp tính lây rất nhanh. Đôi khi đi qua đầu giường, thang máy, nắm tay vịn cầu thang đã có nguy cơ nhiễm bệnh nên phải cách ly tuyệt đối. Tuy nhiên, hiện nay ngay trong công đoạn tiếp nhận khám các BV đã để sởi ngồi chung với TCM, hô hấp và các bệnh khác thì nguy cơ lây nhiễm chéo rất khủng khiếp”.

Một bệnh nhi 8 tháng tuổi nghi mắc sởi sau khi vào BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) chữa bệnh viêm đường hô hấp trước đó hơn 1 tuần do ở cùng khoa với một bé bị sởi mà không hay. Ảnh: HOÀNG LAN

Để hạn chế tử vong ở trẻ, sớm khống chế đẩy lùi dịch bệnh, Bộ trưởng Kim Tiến đề nghị các BV: “Lọc bệnh và cách li là hai nguyên tắc phải tuân thủ, ca nặng phải đưa vào cấp cứu theo dõi từng ngày từng giờ để xử lý kịp thời. Đối với bệnh nhi mắc TCM nhẹ, có thể cho thuốc, tư vấn và ra về trong ngày, hẹn tái khám chứ không giữ lại BV để điều trị, hoặc đưa xuống BV vệ tinh theo dõi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm