Du học sinh Ấn Độ xin về VN để được phẫu thuật robot

Ngày 18-3, tại BV Bình Dân TP.HCM, chị Trần Thị Thúy Hằng (sinh năm 1982, quê Long An) đã xúc động gửi lời cảm ơn đến các BS của BV Bình Dân đã thực hiện ca phẫu thuật cho mình vào đầu tháng 3 vừa qua tại buổi trò chuyện “Sức khỏe cho mọi người” với chuyên đề Tìm hiểu phẫu thuật bằng robot.

Chị Hằng kể lại trong thời gian đang học tiến sĩ tại Ấn Độ, chị phát hiện mình đi tiêu ra máu. Sau khi đến khám tại BV Ấn Độ, bệnh tình có thuyên giảm nhưng chưa dứt hẳn. Sau khi về nước, thấy tình trạng bệnh xấu đi, chị đến BV Bình Dân khám mới biết mình có vấn đề về trực tràng, cần phải can thiệp.

“Khi BS chỉ định phẫu thuật bằng robot, ban đầu tôi cũng lo ngại. Tôi về nhà tìm đọc các tài liệu nước ngoài về phương pháp phẫu thuật này cũng như chi phí phẫu thuật ở một số nước như Pháp, Mỹ, Thái Lan... và thấy chi phí rất cao, có nơi gấp 5-6 lần so với chi phí ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu thực hiện một ca mổ hở, tôi ngại thời gian hồi phục sẽ lâu, không kịp thời gian quay lại Ấn Độ tiếp tục học, vì vậy tôi chọn phẫu thuật bằng robot. Tôi vẫn nhớ các BS đã tận tình hướng dẫn tôi như thế nào trước phẫu thuật. Chỉ ba ngày sau phẫu thuật, sức khỏe tôi đã ổn định, không hề đau đớn" - chị Hằng chia sẻ.

Sau hơn ba tháng đưa vào vận hành phẫu thuật bằng robot, đến nay BV Bình Dân đã thực hiện thành công 66 ca phẫu thuật cho bệnh nhân với nhiều loại bệnh khác nhau. Cụ thể là phẫu thuật các bệnh liên quan đến ung thư đại trực tràng, các bệnh liên quan đến lồng ngực, phẫu thuật tim, phổi, dạ dày, thận… Trong 66 ca phẫu thuật bằng robot, riêng phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt chiếm hơn 20 ca.

Ban giám đốc BV tri ân bệnh nhân đã tin tưởng BV Bình Dân thực hiện phẫu thuật bằng robot hiện đại. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Phẫu thuật bằng robot tại BV Bình Dân mang đến khá nhiều tiện ích cho bệnh nhân như robot điều khiển có khả năng luồn lách vào các khoảng nhỏ nhất và sâu một cách linh hoạt, chính xác. Ngoài ra, nhờ khả năng kết nối với máy tính nên phẫu thuật robot sẽ thực hiện mổ từ xa thuận tiện hơn trước. Các dụng cụ mổ do phẫu thuật bằng robot ngoài ưu điểm như khắc phục được những hạn chế của phẫu thuật mổ mở và phẫu thuật nội soi còn giảm nguy cơ tai biến, biến chứng, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh sau phẫu thuật. Cùng với đó là giảm tối đa các tổn thương mô, cần, cỡ tối thiểu.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của PGS-TS-BS Vũ Lê Chuyên, BV Bình Dân, hiện nay phẫu thuật bằng robot còn hạn chế là chỉ có thể can thiệp cho những bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn đầu. Nhưng với nhiều bệnh ung thư đa phần được phát hiện khi đã vào giai đoạn cuối, việc phẫu thuật bằng robot còn khá hạn chế đối tượng bệnh nhân.

Từ khi đưa vào phẫu thuật, robot tại BV Bình Dân đã thực hiện thành công 66 ca. Ảnh: HP

Bên cạnh đó, khi phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật viên không được trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, không cảm nhận được cảm giác những khối u hay các bộ phận lân cận. Điều này khống chế rất nhiều yếu tố cảm giác của một phẫu thuật viên. Theo PGS Chuyên, trong tương lai hy vọng mũi tiếp xúc của robot sẽ được thiết kế thêm dây cảm giác. Dây này giúp phản hồi cảm giác rõ ràng đến phẫu thuật viên, giúp phẫu thuật viên phẫu thuật và phát hiện các yếu tố liên quan tốt hơn.

“Một trong những vấn đề được liệt vào nhược điểm của phẫu thuật bằng robot đó chính là giá thành một ca phẫu thuật. Mặc dù được xem là rẻ hơn rất nhiều so với nước ngoài và đã được BHYT chi trả một phần. Tuy nhiên với chi phí khoảng 80 triệu đồng/ca phẫu thuật cũng đang là khó khăn của rất nhiều bệnh nhân” - PGS Chuyên chia sẻ.

TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, cho rằng phương pháp mổ nội soi bằng robot là một công nghệ hiện đại, một bước tiến mới của y học. “Tính tiện lợi của nó là rất lớn cho bệnh nhân và cả BS, dù giá thành còn cao nhưng không phải vì vậy mà BV chỉ mổ cho những người có điều kiện. Đối với bệnh nhân có nhu cầu nhưng hoàn cảnh khó khăn, BV cũng luôn cố gắng hỗ trợ, không bao giờ bỏ mặc bất cứ bệnh nhân nào. BV luôn làm việc và tìm cách giúp bệnh nhân hài lòng nhất” - BS Hưng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm