Vụ bệnh nhân bị cắt hai quả thận: Nhận thiếu sót nhưng chưa đưa ra kết luận

Sáng 15-12, BV Đa khoa TP Cần Thơ đã tổ chức họp Hội đồng Chuyên môn mở rộng bàn hướng điều trị cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú - người bị cắt hai quả thận (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin). Hội đồng Chuyên môn gồm năm thành viên của BV, do BS CKII Lê Quang Võ, Giám đốc BV, làm chủ tịch hội đồng, ngoài ra còn có các cố vấn chuyên môn: PGS-TS Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Thận - Tiết niệu Việt Nam, Phó Giám đốc BV Bình Dân TP.HCM; PGS-TS Đàm Văn Cương, Trưởng khoa Y kiêm Trưởng bộ môn Tiết niệu ĐH Y Dược Cần Thơ và BS CKII Lê Quang Dũng, Trưởng khoa Tiết niệu BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Bước đầu xác định sai sót từ khâu chẩn đoán dẫn tới việc cắt luôn thận phải.

Sai từ khâu chẩn đoán

Sau cuộc họp, Hội đồng Chuyên môn đã có cuộc trao đổi thông tin với báo chí. BS Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc BV Đa khoa Cần Thơ, cho biết: “Đây không phải là cuộc họp để đánh giá chuyện đúng sai, mà là tìm các phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân Tú. Riêng chuyện kỷ luật chưa đặt ra ở đây mà đã có Hội đồng Kỷ luật xem xét, xử lý sau”.

Được biết BV đã gửi bệnh phẩm của bệnh nhân lên TP.HCM để tiếp tục nghiên cứu. Việc đúng sai và trách nhiệm của êkíp mổ đến đâu sẽ được làm rõ sau khi bệnh nhân xuất viện.

Vụ bệnh nhân bị cắt hai quả thận: Nhận thiếu sót nhưng chưa đưa ra kết luận ảnh 1

Buổi trao đổi với báo chí sau cuộc họp chuyên môn mở rộng nhưng chưa có kết luận chính thức. Ảnh: GIA TUỆ

Theo PGS-TS Vũ Lê Chuyên, qua xem xét cho thấy bệnh nhân vào viện vì thận trái ứ nước rất to, có sỏi gây mất chức năng, chỉ định bỏ thận trái là đúng, mổ nội soi và bố trí êkíp mổ là đúng. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến sự cố là do lỗi nhận định hình ảnh ban đầu, người đọc phim và cả bác sĩ thực hiện ca mổ đều không biết đây là thận hình móng ngựa. “Đây là dị dạng rất hiếm gặp, thường phổ biến ở nam. Trong vòng 20-30 năm nay, tại Cần Thơ chưa gặp trường hợp nào. Cũng có thể nói bác sĩ có chuyên môn không cao. Tuy nhiên, y khoa là một môn khoa học thực nghiệm phải gặp mới biết nên việc cắt nhầm thận móng ngựa là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Những bất thường về thận (thận móng ngựa) của bệnh nhân Tú có thể chẩn đoán được trước mổ qua hình ảnh nhưng trong trường hợp này, bác sĩ đã không chẩn đoán được qua hình ảnh” - PGS-TS Chuyên nói.

Về quy trình mổ, tại sao cắt luôn thận phải mà không báo cho gia đình bệnh nhân hay báo cáo cho lãnh đạo BV để hội chẩn? Theo BS Nghĩa, BS Nguyên (người thực hiện ca mổ) có điện thoại báo cho biết khi mổ nội soi chảy máu nhiều và xin chuyển sang mổ hở. “Nếu nói có khó khăn, xin ý kiến thì lại khác. Đằng này bác sĩ chỉ xin ý kiến chuyển mổ hở. Chúng tôi thường chuyển mổ nội soi sang mổ hở và đây không phải là vấn đề đặc biệt. Trường hợp này do lỗi nhận định của BS Nguyên là có cảm giác không có gì” - BS Nghĩa nói.

Ghép thận hay chạy thận vẫn phải chờ

Hiện nay bệnh nhân Hứa Cẩm Tú vẫn đang điều trị tại BV trong tình trạng sức khỏe yếu. Theo thông tin từ BV, mọi chi phí về chăm sóc bệnh nhân như tiền viện phí, chi phí lọc thận nhân tạo… của chị Tú đều được miễn phí. Phía BV đề nghị với gia đình để chuyển chị Tú sang phòng khác với điều kiện chăm sóc tốt hơn nhưng chị Tú đã từ chối.

Theo BS Nghĩa, hiện tại vẫn chưa định ngày ra viện cho chị Tú. Bệnh nhân vẫn đang được chăm sóc, điều trị tích cực.

Về phương pháp điều trị cho chị Tú, theo PGS-TS Vũ Lê Chuyên, trước mắt vẫn phải chạy thận định kỳ, sau đó nếu có nguồn thận phù hợp sẽ tiến hành ghép thận. Vấn đề này, BS Nghĩa cho biết BV sẽ tạo mọi điều kiện để có thể ghép thận cho chị Tú. Hiện BV đang tìm kiếm nguồn thận trong đó rất cần có người nhà, người chết não hoặc người tình nguyện hiến thận cho chị Tú.

PGS-TS Vũ Lê Chuyên cho biết thêm đối với những bệnh nhân chạy thận nhân tạo thì tình trạng sức khỏe, công việc của người bệnh, phương pháp chạy thận, sự đáp ứng của cơ thể… sẽ quyết định thời gian sống của bệnh nhân.

Vụ bệnh nhân bị cắt hai quả thận: Nhận thiếu sót nhưng chưa đưa ra kết luận ảnh 2

Về vấn đề thận móng ngựa (ảnh) có thể phát hiện qua chẩn đoán hình ảnh không, PGS-TS Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Thận - Tiết niệu Việt Nam, Phó Giám đốc BV Bình Dân TP.HCM, cho rằng có nhiều phương pháp để chẩn đoán thận móng ngựa, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng dễ nhìn thấy mà có tỉ lệ sai số từ 10% đến 15%. Việc đọc ra hình ảnh cũng cần bác sĩ có kinh nghiệm. Trong trường hợp khi chẩn đoán và mổ biết là thận móng ngựa thì phẫu thuật viên có cắt luôn quả thận còn lại hay không? Hay là có hướng xử lý khác? PGS-TS Chuyên cho rằng: “Bác sĩ luôn tìm mọi cách để cứu bệnh nhân và tìm mọi cách để tìm giải pháp khác nhưng nếu không có thì đành phải cắt thận để cứu bệnh nhân. Trong trường hợp này kíp mổ không tiên đoán được nên đã xảy ra sự cố”.

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm