Viện phí tăng, chất lượng còn chờ

Sáng qua (16-3), trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các đồng sự trong ngành y tế đã có hơn 90 phút đối thoại trực tuyến với người dân cả nước về điều chỉnh giá các loại dịch vụ y tế và chính sách BHYT… Rất nhiều câu hỏi của độc giả chất vấn Bộ trưởng đủ các vấn đề liên quan đến viện phí như viện phí hiện nay có minh bạch không, liệu có tình trạng phí chồng phí, bệnh viện có bao giờ lỗ chưa mà không thấy “ngã bệnh” do viện phí thấp…

Không bỏ rơi người nghèo

Theo Bộ trưởng Y tế, việc nâng giá 447 loại dịch vụ y tế sẽ có hiệu lực từ ngày 15-4, trong đó có loại dịch vụ tăng 2-4 lần, một số loại tăng đến sáu lần.

Bộ trưởng Y tế cũng khẳng định việc tăng giá dịch vụ y tế lần này sẽ không bỏ rơi các đối tượng nghèo. Với người nghèo, Nhà nước hỗ trợ 95%, đối tượng cận nghèo được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm là 75%… Ngoài ra, bệnh nhân là người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và nghèo mà mắc bệnh hiểm nghèo như chạy thận nhân tạo, ung thư… cũng được hỗ trợ một phần tiền ăn, đi lại, chữa bệnh. “Sắp tới, Nhà nước sẽ tiến tới lộ trình BHYT toàn dân, hỗ trợ 30% cho các hộ mức thu nhập trung bình. Tôi cho rằng mức đóng BHYT chỉ vào khoảng 400.000 đồng, trong khi mức chi có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Do đó, người dân nên mua bảo hiểm y tế” - Bộ trưởng nói.

Viện phí tăng, chất lượng còn chờ ảnh 1

Người dân hy vọng chất lượng khám, chữa bệnh sẽ tăng cùng viện phí. Ảnh: HTD

Mới đáp ứng một phần

Trước thắc mắc của người dân về việc tăng giá dịch vụ y tế, viện phí liệu các bệnh viện có nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh, cải thiện được cơ sở vật chất xuống cấp, hạn chế tình trạng bác sĩ “tay không bắt giặc” do thiếu trang thiết bị… đặc biệt ở tuyến cơ sở?, bà Tiến cho hay: “Với mức phí được tăng lên, chúng tôi nghĩ rằng các cơ sở khám, chữa bệnh nói chung, trạm y tế xã, bệnh viện huyện nói riêng sẽ có điều kiện được nâng cấp, ít nhất là mua sắm được dụng cụ khám bệnh cơ bản, chi phí vật tư tiêu hao được đảm bảo, bố trí được chỗ ngồi, chỗ khám, chữa bệnh tương đối khang trang…”.

Bổ sung cho phần trả lời của Bộ trưởng, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Hồ Đức Hải nói thêm: “Biểu giá điều chỉnh viện phí hiện nay mới đáp ứng một phần nhỏ. Như vậy, vấn đề nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh không phải chỉ một vấn đề bổ sung giá viện phí mà phải bao gồm tất cả các yếu tố, như đầu tư trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực. Như vậy, điều chỉnh là góp thêm một phần cơ bản để có một phần kinh phí giúp cho việc nâng cao chất lượng chuyên môn chứ không phải quyết định toàn bộ việc nâng cao chất lượng chuyên môn sau khi chúng ta điều chỉnh giá viện phí”.

Lập hội đồng giám sát độc lập chống lạm thu

Trước lo lắng của người dân về việc ngành y tế sẽ sử dụng công cụ giám sát nào để ngăn ngừa tình trạng các cơ sở khám, chữa bệnh tự ý thu tiền của người bệnh bằng các dịch vụ tăng thêm; tự ý chỉ định các dịch vụ khám, chữa bệnh không cần thiết, không nằm trong khung được thanh toán BHYT để làm khổ bệnh nhân…, Bộ trưởng Tiến cho hay: Từ trước tới nay Bộ đã triển khai một số biện pháp như xây dựng hướng dẫn điều trị chuẩn và quy trình chuyên môn. Trong mỗi bệnh viện đều có hội đồng chuyên môn, hội đồng về thuốc và điều trị bệnh viện, đơn vị giám sát (giám sát viên của bảo hiểm). Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ tiến tới khoán, thanh toán trọn gói cho ca bệnh. Hiện nay đã làm thí điểm, còn khoán theo định suất đã làm đối với 40% số bệnh viện huyện.

“Để khắc phục được vấn đề này, phải có quy trình giám sát chặt chẽ, các bệnh viện phải có bộ phận giám sát. Sắp tới, Bộ cũng sẽ tính tới việc thành lập một hội đồng giám sát độc lập về vấn đề này” - Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, với câu hỏi của một bạn đọc: “Nếu tăng viện phí, tăng các chi phí xét nghiệm thì phần tăng này có được đầu tư lại cho thiết bị y tế vì có nhiều bệnh viện dù được đầu tư, thực tế chăm lo xây dựng cơ bản chứ không đầu tư thiết bị phục vụ bệnh nhân?” thì đại diện các bệnh viện trả lời rất chung chung.

Nhiều bệnh viện đang “hấp hối”

Ông Đặng Văn Thúy (Kiến An, Hải Phòng) hỏi: “Thưa Bộ trưởng, dù giá viện phí đã cũ, đã rất lạc hậu với giá thị trường và ngân sách Nhà nước cấp ngày càng eo hẹp nhưng vì sao các bệnh viện vẫn chưa “ngã bệnh” và Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế đã bao giờ nhận được báo cáo lỗ của bệnh viện nào chưa?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tình trạng này rất nhiều, thậm chí có thể nói là nhiều bệnh viện đang “hấp hối”, nhiều bệnh viện nói hình ảnh là “tự ăn thịt mình”, họ khẳng định tồn tại như thế này là một nỗ lực rất lớn. Đơn cử, BV Bạch Mai cho biết năm 2011 nợ 70 tỉ đồng nếu Bộ không cấp thêm kinh phí vì lương cơ bản tăng.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính Phạm Lê Tuấn nói thêm: “Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận được ý kiến của các đơn vị trực thuộc và các tỉnh về vấn đề thiếu kinh phí, điển hình như BV Bạch Mai, Lão khoa, Học viện Y học cổ truyền… Đây là bức xúc kéo dài với các bệnh viện.

Có BV ĐBSCL nói một năm lỗ khoảng 600 triệu đồng, giám đốc bệnh viện đều phải co kéo từ khoản này sang khoản khác, ảnh hưởng nhiều đến việc duy tu bảo dưỡng, vệ sinh môi trường… vì phải tập trung cho người bệnh.

Bạn đọc: Tôi có thẻ BHYT nhưng khi đi khám bệnh ngoài 20% cùng chi trả thì phải nộp một số khoản mà theo bệnh viện giải thích là BHYT không chi trả nên bệnh nhân phải nộp... Các khoản này lớn hơn rất nhiều so với khoản 20% cùng chi trả, đặc biệt ở các tuyến trung ương. Bệnh viện thu như vậy có đúng không?

Bộ trưởng: Đây cũng là câu hỏi ngành y tế muốn tìm cách giải quyết từng bước. Thứ nhất, khi đồng chi trả 20% nhưng phải nộp thêm một số khoản mà theo bệnh viện giải thích là BHYT không chi trả nên bệnh nhân phải dùng thì về nguyên tắc, làm như vậy không đúng quy định nhưng về thực tiễn, bệnh viện cũng phải làm mới đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Như chúng tôi đã trình bày, mức thu giá dịch vụ quá thấp nên có những loại bệnh, nếu theo mức chi của bảo hiểm thì không thể đủ. Nếu dùng thuốc đặc trị, biệt dược không có trong danh mục thì có xảy ra trường hợp phải trả thêm một khoản hơn mức 20%.

Khi áp dụng viện phí mới, tình trạng này còn nhưng sẽ chỉ ở những trường hợp đặc biệt, do cơ địa bệnh nhân chứ không phổ biến như trước đây.

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm