Vẫn có con sau khi bị sẩy thai liên tiếp

Được làm mẹ là mong ước lớn nhất của phụ nữ sau khi lập gia đình. Tuy nhiên, không ít trường hợp bị sẩy thai liên tục khiến nhiều chị rơi vào trạng thái bất an, buồn phiền, hạnh phúc gia đình có nguy cơ đổ vỡ. Nhiều câu hỏi liên quan đến sẩy thai liên tục của những phụ nữ kém may mắn đã gửi đến Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM (Hosrem) nhờ tư vấn. ThS-BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hosrem, chia sẻ nỗi niềm và giải thích cặn kẽ.

Dị dạng tử cung rất dễ sẩy thai liên tiếp

. Tôi 27 tuổi, lấy chồng gần hai năm. Khám phụ khoa, bác sĩ (BS) nói tôi bị teo nửa tử cung trái, rất dễ sẩy thai liên tiếp. Điều này đúng không BS? Tôi lo quá, chưa dám nói cho chồng biết, sợ anh buồn. Muốn có con, tôi phải làm sao?

+ ThS-BS Hồ Mạnh Tường: Thai ngừng phát triển và tống xuất khỏi buồng tử cung trước 20 tuần tuổi hoặc thai nhi nặng dưới 500 g bị sẩy liên tục hai lần trở lên thì gọi là sẩy thai liên tiếp. Có nhiều nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp, trong đó có dị dạng tử cung.

Vẫn có con sau khi bị sẩy thai liên tiếp ảnh 1

Nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm của một phụ nữ để tìm nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chị rơi vào trường hợp dị dạng tử cung thể nặng, khó mang thai bình thường vì rất dễ bị sẩy thai liên tiếp. Trong trường hợp muốn có con, chị phải áp dụng phương pháp mang thai hộ. BS chuyên khoa sẽ phối trứng của chị và tinh trùng chồng chị trong ống nghiệm. Sau khi thành phôi thai, BS sẽ đưa vào tử cung của một phụ nữ khác để giúp phôi thai phát triển đến khi đứa trẻ được sinh ra. Tuy nhiên, chỉ khi phương pháp mang thai hộ được pháp luật Việt Nam chính thức cho phép thì BS chuyên khoa mới thực hiện giúp chị. Chị nên nói thật với chồng để anh ấy hiểu và thông cảm. Chị và chồng cũng nên hy vọng pháp luật Việt Nam sẽ sớm cho phép sinh con theo phương pháp mang thai hộ để những người đồng cảnh ngộ như anh chị có con bế con bồng.

Vẫn có khả năng có con

. Tôi 28 tuổi, ở tận Cà Mau, sống trong xã vùng sâu, vùng xa nên không có điều kiện đi khám thai. Tôi hai lần sẩy thai ở trạm y tế xã nhưng nhân viên y tế không biết lý do. Tôi có thể mang thai và sinh con được nữa không?

+ Chị cần đến bệnh viện chuyên khoa làm xét nghiệm để tìm nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp. Thông tin đáng mừng là qua khảo sát cho thấy 50% phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp vẫn có cơ hội mang thai bình thường đến lúc sinh nở. Các nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp có thể điều trị khỏi như viêm nhiễm vi trùng hoặc virus, do thiếu hụt nội tiết, do miễn dịch… Hy vọng trong lần mang thai thứ ba, chị sẽ sinh con khỏe mạnh.

. Sau khi siêu âm và soi ổ bụng, BS nói tử cung tôi có vách ngăn, dễ sẩy thai liên tiếp. Không biết tôi có khả năng làm mẹ không nữa, mong BS cho lời khuyên?

+ Tử cung có vách ngăn dễ xảy ra hiện tượng sẩy thai liên tiếp. Tuy nhiên, chị hãy yên tâm vì sau khi phẫu thuật cắt vách ngăn, chỉnh sửa tạo hình dáng bình thường cho tử cung… thì có thể mang thai và sinh con bình thường. Chị nên sớm đến bệnh viện chuyên khoa thực hiện cắt vách ngăn tử cung để sớm có con.

Một phụ nữ ở Bình Dương cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau khi được tư vấn và hướng dẫn, chị đến bệnh viện chuyên khoa và được BS cắt vách ngăn tử cung. Vài tháng sau chị mang thai, đúng chín tháng 10 ngày sinh đứa con bụ bẫm, dễ thương.

Nghiên cứu của các thành viên thuộc Hosrem cho thấy sẩy thai liên tiếp có nhiều nguyên do:

- Bất thường di truyền là nhóm nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao, xấp xỉ 60%. Bất thường di truyền chủ yếu do bất thường nhiễm sắc thể và tăng dần theo độ tuổi phụ nữ mang thai. Khoảng 9%-12% phụ nữ dưới 35 tuổi có nguy cơ sẩy thai liên tiếp do bất thường nhiễm sắc thể. Phụ nữ trên 40 tuổi chiếm gần 50%.

- Do hội chứng kháng phospholipid, khoảng 5%-20%. Hội chứng này liên quan cả yếu tố di truyền và môi trường, gây sẩy thai liên tiếp do rối loạn đông máu, ức chế biệt hóa phôi bào…

- Bất thường cấu trúc giải phẫu. Theo đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có tử cung dị dạng bẩm sinh chiếm trên 4%, trong khi phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp có tử cung dị dạng bẩm sinh chiếm gần 13%.

Các nguyên nhân tiếp theo gây sẩy thai liên tiếp gồm yếu tố nội tiết và chuyển hóa, nhiễm trùng, yếu tố miễn dịch…

Tỉ lệ phụ nữ sẩy thai liên tiếp ở Việt Nam dao động 1%-2%. Có người cho rằng nguyên nhân sẩy thai liên tiếp không chỉ do phụ nữ mà do người chồng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các thành viên thuộc Hosrem, hiện chưa có chứng cứ đủ mạnh để chứng minh bất thường hình dạng tinh trùng là nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp.

ThS-BS HỒ MẠNH TƯỜNG, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản
và vô sinh TP.HCM

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm