Uống nhiều nước mát dễ hại thân

Uống nhiều nước mát dễ hại thân ảnh 1

Những người có đường tiêu hoá yếu, ăn kém, hay đầy bụng nên cẩn thận khi dùng nhiều nước mát. Ảnh: Hồng Thái

Tránh dùng lâu dài những thảo dược có tác dụng lợi tiểu: ngoài công dụng giải khát, làm mát phế, vị, nhiều loại thảo dược dùng trong các loại nước mát, sinh tố có tác dụng lợi tiểu. Tác dụng này cũng hỗ trợ hạ nhiệt, hạ áp, an thần, làm người dùng thoải mái. Tuy nhiên, bên cạnh khả năng tương tác với một số tân dược, dùng nhiều hoặc dùng lâu dài thuốc có chất lợi tiểu, có thể làm mất cân bằng điện giải, tăng đào thải, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như Ca, K… Thảo dược bó sẵn thành từng bó nhỏ bán ở chợ để các bà nội trợ mua về nấu nước mát thường gồm rễ tranh, mã đề, mía lau. Rễ tranh và mã đề là hai vị thuốc lợi tiểu khá mạnh trong đông y. Trà túi lọc atisô cũng là một loại thuốc lợi tiểu.

Cam thảo giữ nước, đường tinh tăng nguy cơ rối loạn chuyển hoá: cam thảo có tác dụng giải độc, ôn trung, ích khí và vị ngọt hơn mía những 50 lần. Do đó, thảo dược này cũng được dùng trong một số chế phẩm trà thanh nhiệt. Những nghiên cứu khoa học gần đây cho biết dùng lâu dài với liều lớn hơn 2g/ngày, cam thảo có thể gây ra tình trạng giữ nước, phù, cao huyết áp hoặc giảm lượng testosterone. Do đó, nếu dùng thường, mỗi ngày không nên dùng hơn hai gói trà thanh nhiệt có cam thảo. Không kể cam thảo, hầu hết các loại nước sinh tố, nước trái cây đóng hộp hoặc tự nhiên cũng đều có ít nhiều lượng đường tinh, yếu tố làm tăng nguy cơ các bệnh về chuyển hoá như béo phì, tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường.

Mát quá hoá hàn: âm, dương, hàn nhiệt trong cơ thể cần được quân bình để khoẻ mạnh. Thiếu nước phải bù nước. Nhiệt độ môi trường nóng quá cũng khiến cơ thể cần bổ sung những loại nước mát. Tuy nhiên, lạm dụng nước mát, sinh tố, nước đá… sẽ có hại. Theo đông y, “tỳ ố thấp” (tỳ không ưa sự ẩm thấp) và “thận ố hàn” (thận ghét lạnh). Do đó, sự ẩm thấp sẽ làm trở ngại chuyển hoá ở dạ dày. Ăn hoặc uống nhiều đồ lạnh sẽ hại thận, xương, răng. Mặt khác, uống ngay một lượng nước lớn cho đã khát sau khi đi nắng hoặc khi trời quá nóng, có thể dẫn đến cảm lạnh hoặc gây ra những sự cố tim mạch.

Hệ quả này là do thay đổi nhiệt độ thình lình, làm kích thích hệ thần kinh giao cảm ở dạ dày, tạo ra những phản ứng stress có thể gây nhức đầu, chóng mặt. Sự đầy bụng và phình to nhất thời của dạ dày đẩy hoành cách mô lên, cũng tạo áp lực thêm cho tim. Do đó, những người có tỳ vị yếu (đường tiêu hoá yếu), ăn kém, hay đầy bụng nên cẩn thận khi dùng nhiều nước mát. Người có thể tạng hư hàn, dễ rối loạn tiêu hoá, hay hắt hơi, sổ mũi chỉ nên dùng vừa đủ, khi khát, tốt nhất dùng nóng.

Tự nấu nước mát tại nhà

Gia đình nên tự chế biến nước mát để dùng, vừa đảm bảo vệ sinh, tránh hoá chất bảo quản, vừa đảm bảo được những thành phần bổ dưỡng cần thiết. Sau đây là một công thức làm nước mát có tác dụng giải khát, dưỡng âm, tăng sức miễn dịch, không có chất kích thích hoặc lợi tiểu: cúc hoa 10g, rong biển 10g, thục địa 5g. Nấu với khoảng một lít nước. Uống trong ngày. Thêm một chút đường phèn vừa hơi ngọt, đủ hợp khẩu vị.

Theo Lương y Võ Hà (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm