Trong thế giới những người mất ký ức

Ngày 27-2, trong khi các bệnh viện ngập tràn hoa và những lời chúc mừng thì BV Tâm thần Lê Minh Xuân chỉ có sự tĩnh lặng trải dài cùng với những bóng người lặng lẽ. 

Đằng sau sự yên ả

Tôi đến BV Tâm thần Lê Minh Xuân (Bình Chánh) vào một ngày cuối tháng 2 nắng gắt. Tỉnh lộ 10 bụi bặm, ồn ào, nhiều xe tải. Bỗng ngoặt vào một con đường nhỏ gập ghềnh, không gian trở nên yên tĩnh lạ thư?ờng. Người bảo vệ có vẻ ngạc nhiên khi thấy một người lạ đi đến đây một mình, có lẽ ông đã quen với hình ảnh bệnh nhân được đi kèm bởi nhiều người.

Sáng nay, điều dưỡng viên Khưu Thị Bạch Tuyết đi xuống phòng bệnh nhân để thăm bệnh. Đi theo chị, qua một sân rộng với những hàng cây nhỏ xen lẫn những chiếc ghế đá, lác đác có những người đi thơ thẩn, hoặc ngồi phơi nắng hay thậm chí nằm ngủ vô tư giữa những hành lang. Cô điều dưỡng lay khẽ một người đang nằm trên ghế đá: “Nè, vào trong kia ngủ đi, nằm ở đây nắng chết”. Người kia giật mình dụi mắt ngơ ngác nhìn nhưng khi nhận ra cô điều dưỡng thì cúi đầu chào. Ở trong kia, phòng sinh hoạt tấp nập người. Một số người xem tivi, một vài người đánh cờ, có người thì dệt chiếu hoặc may vá. Chỗ khác một vài người nói chuyện một mình với đôi mắt vô thần. Chị Tuyết nói: “Ngó có vẻ yên ả vậy chứ khi lên cơn thì “mệt cầm canh” với họ”.

Trong thế giới những người mất ký ức ảnh 1

Bệnh nhân đọc sách và vẽ. Ảnh: NGUYỄN DÂN

Mới đây, một điều dưỡng khoa nữ trong khi đang phát thuốc cho bệnh nhân bỗng nhận một cái tát như trời giáng vào người. Chưa kịp hoàn hồn chị lại nhận liên tiếp những cú đánh khác.

Chị Thùy Trang, một điều dưỡng viên khác, từng bị nắm tóc, cào cấu đến rách da đầu phải đi khâu mấy mũi. “Không người nào làm ở đây thoát khỏi bị bệnh nhân đánh. Khi đi lại, mắt và tai phải hoạt động tối đa. Chỉ cần nghe tiếng chân thình thịch, gấp gáp là phải vội né ngay để không trúng đòn của bệnh nhân” - chị Tuyết kể. Đang nói chuyện hoặc đút cơm cho bệnh nhân, tự nhiên bệnh nhân lên cơn và nhận được cái táng hay cái ly vào đầu là chuyện thường.

Không chỉ bị đánh, các nhân viên ở đây còn phải đối phó với hàng trăm tình huống dở khóc dở cười khác như bị bệnh nhân lừa không chịu uống thuốc. “Hôm nọ mình cho một bệnh nhân uống thuốc, uống xong người đó hắt miếng nước còn lại trong ca ra vườn. Ai dè một bệnh nhân khác đi ngang bị viên thuốc hất trúng la lên. Hóa ra người đó lén nhả viên thuốc vào trong ca rồi làm bộ như hắt nước thừa để hắt luôn cả thuốc”.

Lý giải vì sao bệnh nhân không chịu uống thuốc, bác sĩ trưởng khoa Đặng Văn Bình giải thích: Bệnh nhân tâm thần có tâm lý không chịu thừa nhận mình bị bệnh nên lúc nào họ cũng có tâm lý chống lại mọi người.

Thay cả thân nhân người bệnh

“30 năm nay, tụi mình chưa từng biết đến lễ hay liên hoan ngày thầy thuốc”, chị Tuyết nói pha chút chạnh lòng: “Chỉ có một năm ngành tổ chức đua thuyền, bọn mình có tham dự, sau đó về nhà tự nấu ăn với nhau”.

Trong thế giới những người mất ký ức ảnh 2

Bệnh nhân đang tập dệt chiếu. Lao động cũng là một biện pháp trị liệu trong quá trình chữa trị.

Tâm thần là loại bệnh đặc biệt, người nhà thường muốn phó thác bệnh nhân cho bệnh viện. Đa số gia đình bệnh nhân đưa họ đến đây xong là “phủi tay”, thỉnh thoảng họ mới đến thăm. Họ không quản được bệnh nhân ở nhà. Đưa bệnh nhân vào đây, được chăm sóc thuốc men, người nhà yên tâm hơn. Khá nhiều trường hợp bệnh nhân bớt lên cơn, bệnh viện yêu cầu người nhà đưa về nhưng họ chỉ đưa bệnh nhân đi loanh quanh đâu đó, vài giờ sau lại đưa trở lại bệnh viện với lý do bệnh nhân lên cơn. Bệnh nhân ở đây thường rất lâu năm, có người đã ở đến mười mấy năm, nhiều bệnh nhân già sáu-bảy chục tuổi.

Nhiều trường hợp bệnh nhân mang thai bên ngoài do bị lạm dụng, người nhà mang vào đây rồi bỏ mặc chờ ngày đưa đến bệnh viện phụ sản sinh rồi bỏ luôn con ở đó. Chị Bạch Tuyết kể thêm: “Có lần bệnh nhân đã có con nhỏ rồi và tiếp tục có thai vào đây, đứa con trai nói với mình: Cô ơi mẹ con mang thai, mai mốt có cách gì để cho em bé đi không? Tôi nghe mà đứt ruột”.

Chị Trang, điều dưỡng khoa nam, cho biết: “Chăm em bé còn dễ hơn chăm bệnh nhân tâm thần. La, mắng, em bé còn biết nghe chứ bệnh nhân tâm thần họ đâu hiểu gì. Mỗi sáng vào phòng bệnh nhân thì đủ loại mùi xú uế xộc vào mũi. Nhiều bệnh nhân không tỉnh táo đã tiêu tiểu ngay tại chỗ nên lắm khi các điều dưỡng phải tắm cho bệnh nhân”.

Những hy sinh ít người biết

Bệnh nhân tâm thần và kể cả những y bác sĩ ở đây dường như chịu một cái án vô hình. Người bệnh khi bình phục thường ít có bạn bè, khó xin việc làm vì bị định kiến. Về nhà, nếu có la mắng con cháu thì cũng bị xem là lên cơn. Môi trường sống ngột ngạt, những thành kiến của xã hội lại làm cơn bệnh tái phát. Y bác sĩ đôi lúc cũng không tránh khỏi định kiến cho rằng do tiếp xúc nhiều với người bệnh tâm thần nên cũng bị lây bệnh.

Trong thế giới những người mất ký ức ảnh 3

Điều dưỡng viên Khưu Thị Bạch Tuyết kể: Bình thường bệnh nhân rất hiền nhưng khi lên cơn thì quậy tới bến.

BV Tâm thần Lê Minh Xuân có sức chứa 300 bệnh nhân nhưng hiện nay phải tải đến 450 bệnh nhân. Đó cũng là tình trạng chung ở các bệnh viện tâm thần khác. Các bác sĩ có thu nhập mỗi tháng trên dưới 5 triệu đồng, điều dưỡng viên cũng chỉ trên 3 triệu đồng. Khác với những ngành y khác, bác sĩ ở đây khó có phòng mạch riêng. Gia đình chỉ đưa bệnh nhân đến trong tình trạng bị kích động nên chẳng ai đưa đến phòng mạch cả.  

Bác sĩ Đặng Văn Bình kể: “Nơi đây cách thành phố cũng khá xa, ở đây cả ngày nên muốn làm thêm công việc gì cũng khó. Ở riết nên nơi đây giống như nhà của mình vậy”.

BV Tâm thần TP.HCM có ba cơ sở. Cơ sở chính tại 192 Bến Hàm Tử (quận5), chủ yếu là nơi khám chữa bệnh. Cơ sở hai đặt tại 165B Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) chỉ để khám vào ban ngày cho trẻ em dưới 15 tuổi. Cơ sở ba là BV Tâm thần Lê Minh Xuân. Nơi đây là khu điều trị nội trú và phần lớn bệnh nhân bị tâm thần phân liệt.

NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm