TP.HCM: Viện phí sẽ bằng 65-75% khung giá tối đa

TP.HCM: Viện phí sẽ bằng 65-75% khung giá tối đa ảnh 1
Người bệnh chờ đóng viện phí tại Bệnh viện Mắt TP - Ảnh: L.Th.H.

Đề án điều chỉnh giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công lập tại TP.HCM nói trên thực hiện theo thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Cụ thể, giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tăng 3,75 lần, khung giá một ngày giường bệnh tăng 7,42 lần, các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tăng 3,44 lần. Trong đó các thủ thuật, tiểu thủ thuật nội soi tăng 5,97 lần; các phẫu thuật, thủ thuật theo chuyên khoa tăng 4,62 lần...

Không ảnh hưởng lớn

Đánh giá tác động khi điều chỉnh viện phí, đề án nhận định: đối với các bệnh viện khi thực hiện viện phí mới đồng nghĩa với trách nhiệm mới. Do vậy, hầu hết các bệnh viện (TP.HCM có 55 bệnh viện, trung tâm, một phòng khám đa khoa và 322 trạm y tế, gọi tắt bệnh viện) thuộc Sở Y tế TP đã thực hiện nhiều giải pháp như mở rộng khu khám bệnh, cải thiện thái độ phục vụ người bệnh, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh, mua sắm máy móc trang thiết bị, giường bệnh, trang bị công nghệ thông tin, làm sạch bệnh viện...nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ, làm hài lòng bệnh nhân...

Theo đề án, việc điều chỉnh viện phí giúp người dân được sử dụng các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn về chất lượng chuyên môn lẫn dịch vụ phục vụ. Ngoài ra, trong tổng chi phí khám chữa bệnh thì 60% là thuốc và vật tư, 40% là phí các dịch vụ kỹ thuật nên việc tăng viện phí lần này thực tế chỉ điều chỉnh tăng 40% các dịch vụ kỹ thuật, còn thuốc và vật tư được tính theo giá mua vào của bệnh viện. Hiện nay 63% người dân TP đã tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh. Riêng người nghèo, cận nghèo đã được ngân sách TP hỗ trợ thêm 15% chi phí (chỉ phải đóng 5% chi phí khám chữa bệnh). Đối với 37% người dân TP chưa tham gia BHYT thì việc điều chỉnh viện phí lần này có tác động đến đời sống kinh tế nhưng không lớn...

Tuy nhiên, việc tăng viện phí có ảnh hưởng tới khả năng cân đối quỹ BHYT nếu mức đóng BHYT không thay đổi. Do đó, giải pháp tăng mức đóng BHYT là điều không tránh khỏi. Ngoài tăng mức đóng BHYT thì thực hiện BHYT toàn dân nhằm tạo nguồn tài chính cho quỹ BHYT là giải pháp hữu hiệu nhất...

Phương án tối ưu

Theo Sở Y tế TP, số thu viện phí và BHYT ba năm trở lại đây ở các bệnh viện tăng dần. Năm 2010 tổng thu hơn 4.800 tỉ đồng, năm 2011 gần 6.260 tỉ đồng và năm 2012 là hơn 7.520 tỉ đồng. Tuy nhiên, mức thu viện phí hiện nay không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội nhiều năm qua nên đã dẫn đến thực trạng nhiều bệnh viện “xé rào” bằng việc tự ban hành hai bảng giá thu: bảng giá thu để thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội (theo giá quy định) và bảng giá thu thực tế, như thu giá khám bệnh cao hơn quy định 10.000-50.000 đồng, giá giường bệnh (không máy lạnh) cao hơn 20.000-60.000 đồng. Ngoài ra, nhiều bệnh viện còn thu thêm ngoài danh mục các loại phí khác... Việc tự phát này đồng nghĩa với việc cùng một kỹ thuật dịch vụ nhưng mỗi bệnh viện có một giá thu khác nhau...

Trong ba phương án đề xuất tăng viện phí (mức 100%, 80% và 75% khung giá tối đa theo thông tư liên tịch 04) thì phương án 3 (tăng 65-75%) được UBND TP thống nhất và được nhiều ý kiến ủng hộ tại cuộc họp ngày 20-6. Cụ thể, điều chỉnh tăng bằng 75% khung giá đối với giá khám bệnh và kiểm tra sức khỏe, giá giường bệnh, giá dịch vụ các kỹ thuật và xét nghiệm. Riêng các phẫu thuật, thủ thuật còn lại (mục C4 có 1.344 dịch vụ kỹ thuật) chỉ điều chỉnh tăng bằng 65% khung giá của thông tư liên tịch 04.

Theo phương án này, lộ trình mức viện phí điều chỉnh tăng được đề nghị áp dụng như sau: năm 2014 mức 75% khung giá tối đa theo thông tư liên tịch 04, năm 2015 là 90% khung giá tối đa và 2016 là 100% khung giá tối đa. Ưu điểm của phương án này là quỹ BHYT và người bệnh chi trả viện phí ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là mức viện phí điều chỉnh tăng nhưng thấp hơn giá đã được thẩm định ở các bệnh viện TP dẫn đến các bệnh viện khó khăn trong cân đối nguồn thu, chi hoạt động; giá thu giữa các tuyến, hạng bệnh viện giống nhau và mức giá điều chỉnh thấp hơn giá ở các bệnh viện thuộc tỉnh thành khác nên người bệnh của TP và các tỉnh khác sẽ tập trung về các bệnh viện tuyến TP để khám, điều trị dẫn đến việc giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến TP (là những bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành, kỹ thuật cao, chuyên sâu) sẽ khó giải quyết được...

Nếu phương án 3 được HĐND TP xem xét thông qua tại kỳ họp HĐND TP vào đầu tháng 7 thì ước tính năm 2014 nguồn thu viện phí của các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP sẽ tăng thêm được gần 4.071 tỉ đồng.

Dự kiến đầu tháng 8 sẽ áp dụng viện phí mới

Theo đề án điều chỉnh viện phí, sau khi HĐND TP phê duyệt mức điều chỉnh giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Sở Y tế TP sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP chỉ đạo các đơn vị tổ chức tuyên truyền về việc điều chỉnh viện phí tới người dân. Đồng thời, các bệnh viện thực hiện công khai, minh bạch bảng giá của các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt tại các điểm thu viện phí và ở vị trí thuận lợi để người dân biết và thực hiện.

Dự kiến đầu tháng 8-2013, viện phí điều chỉnh mới sẽ được áp dụng tại các bệnh viện công lập thuộc Sở Y tế.


Theo LÊ THANH HÀ (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm