Thuốc lạ tràn vào bệnh viện

Thuốc lạ tràn vào bệnh viện ảnh 1
Thuốc lạ tràn vào bệnh viện ảnh 2

Các thuốc phối hợp có giá cao hơn nhiều lần giá các thuốc đơn thành phần khi quy đổi về cùng một đơn vị hàm lượng trong danh mục trúng thầu tại Hải Phòng năm 2013 - Nguồn: Bảo hiểm xã hội Hải Phòng

Điển hình như Ceftriaxone phối hợp với Tazobactam, kháng sinh kết hợp với hoạt chất bảo vệ gan, acid amin cho bệnh nhân suy thận hàm lượng đạm 5,4% (hàm lượng thông thường 7% chai 250ml) hay acid amin cho bệnh nhân suy gan hàm lượng 7,115%/chai 500ml (thông thường hàm lượng 8% chai 250ml).

Hàm lượng lạ, công thức lạ


Trong danh sách thuốc tham gia đấu thầu vào một bệnh viện tuyến trung ương lớn ở miền Trung, người ta thấy các sản phẩm thuốc với dạng phối hợp, quy cách đóng gói và hàm lượng khá lạ.

Như Cefepim phối hợp với L-Arginin hàm lượng 1g+0,72g, Paracetamol 900mg/50ml, Paracetamol 1g/6,7ml, acid amin cho bệnh nhân suy thận có hàm lượng đạm là 5,4%/chai 250ml, acid amin cho bệnh nhân suy gan hàm lượng 7,115%/chai 500ml...

Trong danh sách thuốc trúng thầu vào bệnh viện ở Hải Phòng, có sản phẩm phối hợp Ceftriaxone và Tazobactam với giá cao gấp hơn 10 lần sản phẩm Ceftriaxone đơn chất, dạng phối hợp Cefepim và L-Arginin giá cao hơn sáu lần so với đơn chất trúng thầu vào bệnh viện ở địa phương này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về dược lâm sàng của Bệnh viện Bạch Mai cho hay trong lý thuyết dược kinh điển, chuyên gia này chưa thấy có dạng phối hợp Ceftriaxone và Tazobactam, hay Cefepim phối hợp L-Arginin.

“Phối hợp Ceftriaxone và Tazobactam có thể là phối hợp theo trường phái làm vi khuẩn không phân hủy betalactam, nhưng dạng phối hợp này tôi chưa thấy bao giờ. Việc phối hợp Cefepim là kháng sinh thế hệ 4 với L-Arginin có thể nhằm mục đích bảo vệ gan, nhưng cần phải chứng minh việc phối hợp này có bảo toàn được tác dụng của hai đơn chất kháng sinh và L-Arginin, cũng như tác dụng có hơn việc sử dụng riêng rẽ hai đơn chất? Kháng sinh Cefepim là kháng sinh thế hệ 4 nên cũng rất cẩn trọng khi sử dụng, tránh nguy cơ kháng kháng sinh” - chuyên gia này cho biết.

“Kết hợp nguy hiểm”

Theo ông Lê Văn Truyền - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, kinh điển hàm lượng thuốc thường tuân theo dược điển. Khi sản xuất theo công thức, hàm lượng thay đổi, quan trọng là phải có chứng cứ kết hợp mới thì tác dụng của thuốc tốt hơn, sử dụng tiện dụng hơn.

Tuy nhiên, một thành viên của hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh cho biết thời gian qua không có nghiên cứu nào về thử nghiệm hiệu quả của các công thức, hàm lượng mới nói trên.

“Ví dụ sản phẩm muối đẳng trương hàm lượng chín phần ngàn, nếu nghĩ bệnh nhân tăng áp lực thẩm thấu nên hàm lượng phải tăng lên thì phải nghiên cứu, có hội đồng nghiệm thu, nhưng tôi chưa thấy nghiên cứu, nghiệm thu nghiên cứu những thuốc như thế” - vị này cho biết.

Cũng theo thành viên hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh, có những hoạt chất trên lý thuyết có thể có tác dụng, nhưng khi kết hợp lại rất nguy hiểm, như trường hợp dùng Ceftriaxone cùng lúc với canxi sẽ gây kết tủa trong tế bào. Trước đây vì không biết nên vẫn cho dùng cùng lúc hai sản phẩm, nhưng những nghiên cứu mới cho thấy đây là kết hợp nguy hiểm.

“Thủ đoạn kinh doanh”

Đánh giá về tác dụng thuốc phối hợp, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Phòng Cao Đức Thoan vừa có văn bản thông báo kể từ ngày 1-9, các thuốc phối hợp hiệu quả điều trị không hơn đơn chất thì chỉ thanh toán với giá tương đương thuốc đơn chất cùng phân nhóm kỹ thuật.

Trong đó, thuốc Silysan của Ấn Độ (phối hợp Ceftriaxone và Sulbactam) giá 60.000 đồng chỉ được thanh toán theo giá Ceftriaxone đơn chất trúng thầu là 8.925 đồng. Riêng tại Hải Phòng, đã có đến 29 thuốc hàm lượng lạ và 5 thuốc phối hợp tác dụng không hơn đơn chất bị điều chỉnh giá kiểu này.

Một quan chức Bảo hiểm xã hội VN lo ngại về giá các loại thuốc lạ này. Theo vị này, các thuốc được lưu hành đều có hội đồng chuyên gia thông qua, có hồ sơ đăng ký nghiêm túc.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ hàm lượng, công thức được chứng minh tác dụng hơn chưa và cơ cấu giá thuốc như thế nào?

“Hàm lượng, công thức lạ theo tôi chỉ là thủ đoạn kinh doanh, có những công thức lạ một mình mình có thì càng dễ trong đấu thầu. Qua so sánh thấy hầu hết sản phẩm có hàm lượng lạ, công thức lạ đều có giá cao hơn 3-5 lần, thậm chí hơn 10 lần so với thuốc hàm lượng, công thức phổ biến. Vừa qua khảo sát thấy sản phẩm công thức lạ Ceftriaxone phối hợp với Tazobactam bán rất chạy, riêng một bệnh viện đã bán đến 6.000 chai/tháng mà giá sản phẩm cao hơn 10 lần so với sản phẩm Ceftriaxone đơn chất” - một quan chức Bảo hiểm xã hội VN cho biết.

Theo tổng hợp của Bảo hiểm xã hội VN tại chín tỉnh thành đầu tiên tổ chức đấu thầu theo thông tư 01 hướng dẫn mới về đấu thầu thuốc vào bệnh viện, các thuốc hàm lượng không giống thông thường như 300mg, 350mg, 700mg, 2,25g, 1,25g... đều có giá cao hơn 2-5 lần so với thuốc tương tự ở hàm lượng thông thường.

Theo Bảo hiểm xã hội VN, đây là hình thức thay đổi hàm lượng để có độc quyền về giá. Thuốc có cùng hoạt chất, cùng hàm lượng thì sẽ có mặt bằng giá cả chung, thay đổi hàm lượng và gần đây có thêm tình trạng thay đổi dạng phối hợp, quy cách đóng gói, công thức lạ sẽ có ưu thế trong đặt giá, nhất là trường hợp có thỏa thuận giữa nhà cung cấp thuốc và đơn vị tổ chức đấu thầu, gần như hình thức chỉ định thầu. Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, các thuốc hàm lượng lạ, dạng phối hợp mới trúng thầu với số lượng khá lớn vào các bệnh viện trong mùa đấu thầu 2013.

“Lách” quy định đấu thầu mới

Ngày 9-9, thông tin từ Bộ Y tế cho hay bộ đã có cuộc làm việc với Bệnh viện Việt Đức nhằm nghe giải trình về phản ứng của bệnh viện liên quan đến lo ngại chất lượng khi đấu thầu giá thuốc và nguy cơ thuốc giá rẻ, chất lượng điều trị không hiệu quả vào bệnh viện.

Trả lời Tuổi Trẻ trước đó, phó cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Việt Hùng cho biết thực hiện quy chế đấu thầu mới (có hiệu lực từ tháng 6-2012, hiện có hơn 30 tỉnh thành hoàn tất đấu thầu theo quy chế này) hiệu quả giảm giá thuốc rất rõ. Trong đó có 86/135 thuốc nguồn gốc Trung Quốc, Ấn Độ giảm giá 20-166% so với giá trúng thầu năm 2012. Các sở y tế sau đấu thầu đều giảm được 20-60 tỉ đồng so với giá trúng thầu năm trước.

Tuy nhiên, tại các bệnh viện hiện đã có hiện tượng để “lách” quy định đấu thầu mới, hàng loạt thuốc công thức lạ, hàm lượng lạ, giá cao xuất hiện.


Theo LAN ANH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm