“Thần dược” khắc chế tiểu đường

Bệnh nhân thuộc tiểu đường týp 2 có thể tự phòng vệ và điều chỉnh lượng đường trong máu bằng ăn uống đúng cách. Điều này rất dễ vì tạo hóa đã cho ta những loài cây cỏ có thể giúp ổn định đường huyết đã được nhiều nhà khoa học chứng minh hiệu quả, dễ dùng, rẻ tiền và ở đâu cũng có thể tìm được.

“Thuốc” trong thức ăn

Các loài rau cải xanh làm rau ăn rất tốt, ăn sống, nấu canh, trộn dầu giấm hoặc xào thịt bò. Rau cải có tác dụng làm hạ đường huyết, 100 g rửa sạch, vò hoặc giã nát, lọc lấy nước, uống 2-3 lần trong ngày.

Đậu côve có tác dụng lợi tiểu và làm giảm lượng đường trong máu nên dùng điều trị phù thũng và bệnh tiểu đường, thường dùng loại quả nạc nhiều thịt, hột nhỏ, dạng nước sắc.

Hành tây có nhiều công dụng trong y học, được dùng làm thuốc chữa ho, chống nhiễm khuẩn, chống huyết khối, chống xơ cứng động mạch, chống mệt mỏi, chữa suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh và làm hạ đường huyết. Mỗi ngày sử dụng khoảng 100-200 g dạng tươi hoặc 10 ml rượu thuốc 20%.

Khổ qua (mướp đắng, ổ qua). Ở Ấn Độ, khổ qua được phối hợp chung với lá neems làm thuốc hạ đường huyết rất tốt. Quả, thân lá đều được dùng, mỗi ngày 1-2 quả hoặc 20 g dây lá phơi khô sắc lấy nước uống.

Khoai lang, trong đọt lá có chứa một chất có tác dụng giống như insulin, nhờ vậy mà đọt khoai lang được dùng điều trị bệnh tiểu đường. Phơi khô, sắc uống mỗi ngày 15-20 g.

“Thần dược” khắc chế tiểu đường ảnh 1

Các loại rau cải xanh có tác dụng làm hạ đường huyết cho các bệnh nhân tiểu đường. Ảnh: HTD

Tỏi vừa chống xơ vữa động mạch, hạ huyết áp, phòng chống ung thư vừa có tác dụng điều hòa hàm lượng glucose trong máu, nhờ đó giúp ổn định đường huyết. Mỗi ngày 4-5 tép tỏi nhỏ nhai sống là tốt nhất.

Quế, theo kết quả nghiên cứu tại Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), quế giúp kiểm soát lượng đường huyết rất hữu hiệu, trên các bệnh nhân tiểu đường týp 2 mỗi ngày sử dụng 1 g bột quế (khoảng 1/4 muỗng cà phê), tuy nhiên cần lắng nghe cơ thể vì tính đại nhiệt của quế nên khi sử dụng cần phải thận trọng cho người già yếu, phụ nữ có thai, khi thấy nóng thì ngưng ngay.

Lá neems, các hãng dược phẩm ở Ấn Độ đã chiết xuất từ lá neems (cây xoan chịu hạn ở Việt Nam) những hoạt chất có tác dụng làm điều hòa lượng đường trong máu, tác dụng này được gia tăng khi phối hợp với sinh địa và khổ qua.

Hạt methi, một trong số ít dược thảo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều quốc gia trên thế giới công nhận là có hoạt tính hạ lượng đường trong máu. Nó làm giảm triệu chứng như khát nước, đi tiểu nhiều lần, yếu mệt và sụt cân. Mỗi tối ngâm một muỗng hạt trong một cốc nước, sáng dậy uống hết nước và có thể nhai nuốt luôn xác.

Cẩn thận với tin đồn

Hiện nay nhiều người thường nghe những tin đồn thổi hoặc đọc trên mạng rồi tự mình mua thuốc về uống, kết quả là vừa tốn tiền mà vẫn “tiểu ra đường”. Cần phải biết rằng khi một loại thuốc vào cơ thể sự chuyển hóa của nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như giới tính, tuổi tác, cơ địa từng người hoặc bản thân người đó nếu có những bệnh lý đi kèm. Vì vậy cần được chẩn đoán chính xác trước khi sử dụng một loại thuốc nào. Cũng có rất nhiều trường hợp ngẫu nhiên mà đường huyết hạ xuống rồi cứ tin rằng đó là thuốc trị tiểu đường như có người uống lá dứa, đậu bắp, trà giảo cổ lam nhưng nhiều người cho biết cũng tìm mua và uống trong thời gian dài nhưng không thấy hiệu quả. Có người còn áp dụng theo bài thuốc Nam gồm ba vị sa kê, búp ổi và đậu bắp, sắc uống liên tục có tác dụng giảm đường huyết và giảm luôn cả bệnh Gout, trong khi nếu nghiên cứu từng vị thì chẳng có vị thuốc nào là có tác dụng hạ đường huyết. Đây là vấn đề sống còn chứ không thể cứ có niềm tin “phước chủ may thầy” là được. Thuốc là con dao hai lưỡi, vì vậy khi sử dụng cần phải theo đúng chỉ định của thầy thuốc, không nên tự ý dùng để tránh những hậu quả đáng tiếc. Chưa kể sự truyền miệng còn có khi “tam sao thất bổn” nên không thể chính xác. Thực phẩm có nhiều loại để ta chọn lựa và sử dụng sao cho phù hợp và ngon miệng, nên tránh dùng lâu dài một loại nào đó mà nên dùng nhiều loại, mỗi thứ một ít để tránh tình trạng bị tích lũy trong máu không có lợi cho sức khỏe. Chú ý chăm sóc bản thân, phòng bệnh cho mình để không phải tìm đến thầy thuốc là điều ai cũng mong muốn và tích cực hưởng ứng thông điệp của Liên Hiệp Quốc: “Kiểm soát đường huyết tốt để sống vui khỏe”.

Chế độ ăn và sinh hoạt của người bệnh tiểu đường

Đủ chất đạm - béo - bột - đường - sinh tố - khoáng tố - nước với lượng hợp lý.

Không làm tăng đường máu nhiều sau ăn.

Không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn.

Cố gắng luyện tập thể lực vừa sức hằng ngày.

Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng.

Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận.

Ăn uống đơn giản, sống lạc quan, tránh xa stress.

DS LÊ KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm