Tết phải ăn kiêng còn gì thú vị!?

Tết phải ăn kiêng còn gì thú vị!? ảnh 1

Các bác sĩ chia sẻ với bạn đọc làm sao ăn tết vui, khỏe - Ảnh:Thanh Đạm

Với người khỏe mạnh thì có thể cho phép “buông thả” một tí, nhưng với người có bệnh mãn tính, đang mang thai hay trẻ em thì coi chừng “cái miệng làm khổ cái thân”! Ăn tết làm sao mà không bị ảnh hưởng đến sức khỏe? Các khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến “Giữ gìn sức khỏe ngày tết” do Tuổi Trẻ tổ chức chiều 5-2: PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam - Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bác sĩ Trương Dạ Uyên - trưởng khoa phòng khám Bệnh viện Hoàn Mỹ và bác sĩ Đào Thị Yến Thủy - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - đã cùng giải đáp điều này.

Bệnh mãn tính: “kiềm chế”

Bạn đọc Như Quỳnh (29 tuổi) hỏi mẹ chị bị bệnh tim mạch, lại thêm rối loạn tiền đình, ngày tết cần phải kiêng ăn gì để bảo đảm sức khỏe? Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam khuyên: “Kẻ thù” của tim mạch là muối và mỡ động vật. Dù tết hay ngày thường đều nên có chế độ ăn hợp lý, giảm bớt mỡ và muối. Tuy nhiên, không nên kiêng cữ quá mức vì cơ thể nếu thiếu muối và mỡ sẽ bị giảm sức đề kháng, thậm chí các cơ quan nội tạng không thể hoạt động được. Bạn đọc Lê Quang Luyện (33 tuổi) lo lắng ngoài rượu bia còn phải kiêng cữ gì khi đang bị đau dạ dày và đại tràng.

“Tránh những loại thức ăn có tính chất kích thích cao như quá cay, quá chua, hạn chế dầu mỡ vì đây là những loại thức ăn rất khó tiêu. Ngoài ra cần tránh ăn quá no, nên chia làm nhiều bữa. Ngoài kiêng rượu bia nên tránh các loại nước uống có gas và có tính kích thích với hệ thần kinh như cà phê, trà. Tránh sử dụng các loại nước kèm với đá lạnh vì đá lạnh là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh dạ dày và đại tràng mãn tính” - PGS Hoài Nam khuyên.

Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Lợi (61 tuổi) thừa nhận “mấy ngày tết bia rượu bù khú, sáng thức dậy bụng sôi ùng ục, tiêu chảy liên tục” nhưng ông không biết đó là bệnh gì và phải uống thuốc ra sao.

Băn khoăn của ông Nguyễn Lợi được bác sĩ Đào Thị Yến Thủy giải thích: “Bia rượu có thể tiêu diệt các vi khuẩn có ích trong đường ruột, gây mất cân bằng sinh thái; các vi khuẩn có thể sinh hơi gây đầy hơi trướng bụng, tăng co thắt đường ruột và gây đau bụng, tiêu chảy. Cách xử trí là ngưng uống bia rượu và ăn sữa chua, hũ men vi sinh (probio) hoặc bổ sung men vi sinh đường ruột (biosubtyl). Khi hết tiêu chảy, cần hạn chế lượng cồn uống vào: dưới hai lon bia, 90ml rượu vang 120, 30ml rượu mạnh 400 một ngày”.

Bạn Thu Hiền (26 tuổi) thắc mắc vấn đề nhiều bà nội trợ quan tâm: “Ngày tết nên chế biến, sử dụng thức ăn thế nào để tránh đầy bụng, khó tiêu và tăng cân?”. Tư vấn của bác sĩ Yến Thủy là nên chế biến thức ăn kiểu hấp, luộc, nướng, trộn gỏi... để hạn chế được chất béo gây khó tiêu. Cần lưu ý thêm các thực phẩm giàu chất béo thường gây khó tiêu. Do đó, nếu ngày thường hay bị đầy bụng khó tiêu bởi loại thức ăn nào thì cần hạn chế loại thức ăn đó. Để không bị tăng cân, cần “cảnh giác” với bánh chưng, bánh tét, bánh mứt ngọt, thịt quay, thịt chiên, thịt mỡ kho... Nên ăn vừa đủ và ăn thêm nhiều rau, trái cây ít ngọt để đủ no mà không nạp quá nhiều năng lượng dư thừa.

Với bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường, dịp tết ăn uống nhiều thứ có dễ bị biến chứng không? Thắc mắc của bạn đọc Nguyễn Hằng (35 tuổi) được bác sĩ Trương Dạ Uyên hướng dẫn: “Cần ăn uống điều độ, đúng giờ. Lưu ý hai biến chứng hay gặp nhất trong dịp tết là hạ đường huyết hoặc hôn mê do tăng đường huyết. Do đó, người bệnh cần chú ý việc dùng thuốc theo toa, không được bỏ tiêm insulin khi đi chơi xa (dễ bị tăng đường huyết), cũng không được bỏ bữa ăn mà vẫn dùng thuốc hạ đường huyết (dễ bị hạ đường huyết)...”.

Tai nạn thường gặp

Ngày tết có thể gặp những rủi ro gì về sức khỏe, khi xảy ra chấn thương phải làm sao? Băn khoăn này của nhiều bạn đọc được bác sĩ Tăng Hà Nam Anh tư vấn: chấn thương phần mềm có thể xảy ra trên da, mô dưới da, gân, mạch máu, thần kinh, còn chấn thương phần cứng thường là các loại gãy xương. Ngày tết khi lưu thông dễ xảy ra các vết thương ở bàn chân do cần số, cần đạp thắng, tấm bảo vệ pô xe... Khi gặp các chấn thương phần mềm, cách xử lý ban đầu là băng thun chườm lạnh, nghỉ ngơi và đi khám bác sĩ. Đối với các chấn thương phần cứng, thường là gãy hai xương cẳng chân, gãy xương vùng bàn chân, cần được cố định và đến các bệnh viện có khoa chấn thương chỉnh hình để được điều trị đúng.

Nếu đi du lịch có thể bị mắc những bệnh gì, chấn thương nào? Câu hỏi của bạn đọc Hồng Trung (32 tuổi) được bác sĩ Nam Anh hướng dẫn: “Có hai vấn đề cần lưu ý là đau bụng tiêu chảy do thức ăn và chấn thương bong gân các khớp, đặc biệt là khớp cổ chân. Để tránh tiêu chảy, nên chọn các món ăn quen thuộc nếu như đã biết “bụng dạ của mình không tốt”, đôi khi bia rượu nhiều cũng có thể gây tiêu chảy. Đối với bong gân, tránh mang các loại giày dép, guốc cao gót khi đi trên mặt đất không bằng phẳng. Khi bị bong gân, nên dùng băng thun băng ép vùng khớp, hạn chế đi lại, dùng nước đá lạnh bỏ vào bịch nilông chườm lên vùng bị chấn thương. Không nên tiếp tục đi nhiều bên chân bị chấn thương và khi ngồi nghỉ ngơi, nên kê chân cao ngang bằng với khung chậu, tức là ngang hông của mình, để tránh bị phù nề. Không nên bóp dầu, muối nóng, mật gấu...”.

Trái tim loạn nhịp vì bài bạc

Bạn đọc Lâm Huỳnh (50 tuổi) thắc mắc: “Tôi không đến nỗi ghiền bài bạc, nhưng sa vào chiếu bài thì khó đứng lên. Việc đánh bài ngày tết có nguy hiểm đến những ai bệnh tim như tôi không?”. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết ở những người đánh bài, cảm xúc khi thắng bài hay khi thua đều làm tăng tiết adrenalin - một loại nội tiết tố của tuyến thượng thận - gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp, khiến người đánh bạc bồn chồn khó ngủ. Về mặt sức khỏe thì đánh bài không tốt cho những người có bệnh tim mạch vì có khả năng gây đột quỵ do cao huyết áp hoặc do tăng nhịp tim quá mức.

Theo LÊ THANH HÀ (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm