DỊCH LỞ MỒM LONG MÓNG TẠI BÌNH DƯƠNG

Sẽ công bố dịch ở thị xã Thuận An

“Trong thời gian qua, tại phường Vĩnh Phú và xã Bình Nhâm (thị xã Thuận An, Bình Dương) có một số lượng lớn heo chết do dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM), cơ quan chức năng đã đủ điều kiện để công bố dịch xảy ra trên địa bàn thị xã. Chúng tôi đang đánh giá mức độ lây lan, khả năng kiểm soát dịch của địa phương trước khi công bố”. Ngày 8-3, ông Trương Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, nói trong buổi làm việc với chính quyền phường Vĩnh Phú và Trạm Thú y thị xã Thuận An về diễn biến dịch LMLM đang bùng phát trên địa bàn.

Thú y không biết chứ không giấu dịch?

Như chúng tôi đã thông tin, dịch LMLM đã xuất hiện tại địa bàn phường Vĩnh Phú và xã Bình Nhâm từ trước tết Nguyên đán nhưng gần đây đã bùng phát. Theo nhiều hộ dân, khi báo cho cán bộ thú y địa phương, họ kiểm tra và biết có dịch nhưng xúi dân bán tháo heo bệnh hoặc tự tiêu hủy…

Tại buổi làm việc, ông Khiếu Quang Lần, Trưởng trạm Thú y thị xã Thuận An, cho biết ông chỉ nhận báo cáo dịch bệnh LMLM trên heo tại hộ ông Nguyễn Văn Bảy (ấp Bình Hòa, xã Bình Nhâm, Thuận An) vào ngày 3-3. Ở phường Vĩnh Phú, chỉ phát hiện vào ngày 7-3 khi đoàn đi kiểm tra. Theo ông Lần, bệnh LMLM có những thay đổi, khó xác định và thú y cơ sở không có kinh nghiệm, thiếu phương tiện hỗ trợ nên khó xác định bệnh LMLM. Khi trạm nhận thông tin về dịch đã xuống nắm tình hình chứ không giấu dịch.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sanh, Trưởng ban Thú y phường Vĩnh Phú, cho biết dịch LMLM xuất hiện tại phường từ trước tết Nguyên đán tại một hộ ở khu phố Hòa Long. Sau khi kiểm tra đàn heo của hộ này có những biểu hiện của bệnh LMLM, ban thú y xã đã báo cáo lên trạm thú y thị xã nhưng trạm kết luận là heo chết không phải do dịch LMLM!? “Chúng tôi chỉ mới biết thông tin dịch bệnh LMLM đang xảy ra tại phường sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra chi cục” - ông Sanh nói.

Sẽ công bố dịch ở thị xã Thuận An ảnh 1

Người dân phải tiêm vaccine phòng dịch LMLM giá cao, không rõ nguồn gốc. Trong ảnh: Cán bộ thú y tiêm phòng cho đàn heo của một hộ dân tại thị xã Thuận An. Ảnh: T.TÀI

Đại diện UBND phường Vĩnh Phú cho biết xã cũng nhận thông tin có một số đàn heo nhiễm dịch chết nhưng không biết đó là bệnh LMLM. Cán bộ thú y xã cũng không phân biệt được heo bệnh chết hay mắc dịch LMLM chết nên không thông báo cho người dân.

Với thông tin một số cán bộ thú y biết heo chết vì dịch nhưng khuyên người dân nên “giải quyết nhanh” hoặc tự chôn là sai quy định, lãnh đạo phường Vĩnh Phú và Trạm Thú y thị xã Thuận An khẳng định sẽ kiểm tra, làm rõ để có biện pháp xử lý.

Ông Trương Văn Đức cũng cho biết sẽ sớm họp ngành thú y tỉnh để kiểm điểm cán bộ trạm thú y và cơ sở về việc không thông báo diễn biến tình hình dịch bệnh LMLM ở địa phương.

Đã đủ điều kiện công bố dịch

Theo chi cục trưởng Thú y Bình Dương, phường Vĩnh Phú là đầu mối lưu thông, nếu không có phương án khoanh vùng, dịch sẽ lây sang các địa phương khác như Bình Hòa, An Sơn, Bình Chuẩn… và sang cả quận 12, huyện Hóc Môn (TP.HCM). Mức độ lây lan của bệnh LMLM nhanh nên trạm thú y thị xã và chính quyền xã sớm thống nhất công bố dịch. Chi cục sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tiêu hủy heo bệnh (25.000 đồng/kg). Nếu không công bố dịch, nhiều hộ chăn nuôi heo sẽ mất trắng vì không được hỗ trợ của Nhà nước.

Đến cuối giờ chiều 8-3, UBND phường Vĩnh Phú, xã Bình Nhâm, Trạm Thú y thị xã Thuận An và Chi cục Thú y đã thống nhất sẽ công bố dịch bệnh LMLM đang xảy ra trên địa bàn thị xã Thuận An. Theo quy định, trước khi công bố dịch LMLM, thú y phải thống nhất với chính quyền địa phương. Hôm nay, Chi cục Thú y tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo thị xã để hoàn thiện hồ sơ công bố dịch LMLM trên địa bàn.

Theo Trạm Thú y thị xã Thuận An, trạm chỉ còn hơn 800 liều vaccine phòng dịch, không đủ đáp ứng nhu cầu nên trạm đã thu 10.600 đồng/mũi để bù lại chi phí mua thuốc bên ngoài. Hầu hết các hộ nuôi heo bị chết phải sử dụng nguồn vaccine kém chất lượng, trôi nổi ngoài thị trường.

Theo quy định, khi đã công bố dịch LMLM, ngân sách sẽ hỗ trợ vaccine phòng dịch, hóa chất khử trùng, kinh phí tiêu hủy.

Có 231 con heo bệnh đưa vào TP.HCM giết mổ

Đồng Nai kiểm soát chặt dịch LMLM; Tiền Giang tiêu hủy trên 4.700 con gia cầm nghi nhiễm cúm.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Trưởng phòng Tổng hợp, Chi cục Thú y TP.HCM, trong hai tháng đầu năm 2011, chi cục đã phát hiện và xử lý 16 trường hợp với 231 con heo mắc bệnh LMLM tại cơ sở giết mổ từ các nguồn Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Nai vận chuyển vào.

Tuy nhiên, theo ông Phát, đối với bệnh LMLM có thời gian nung bệnh 3-4 ngày nên không loại trừ khả năng khi chi cục các tỉnh kiểm tra, cấp giấy thì heo chưa có triệu chứng bệnh, khi về đến thành phố mới phát hiện.

 Theo ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2-2011, Đồng Nai phát hiện bốn ổ dịch ở huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ và Trảng Bom. Chi cục đã phối hợp tiêu hủy toàn bộ 764 con heo mắc bệnh, tiêm phòng bao vây các ổ dịch. Đến nay, tỉnh chưa hiện ổ dịch mới.

Theo ông Hải, lượng heo ở Đồng Nai bằng lượng heo của các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Bình Thuận cộng lại nên tỉnh rất quan tâm đến việc phòng chống dịch. Kinh phí dự kiến chống dịch LMLM ở Đồng Nai năm nay gần 78 tỉ đồng.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan thú y đã cấp phát 3.500 lít Benkocid (thuốc khử trùng) cho các đơn vị, cung ứng 350.000 liều vaccine LMLM để tiêm phòng và chỉ còn khoảng 20.000 liều tại Trạm vật tư thuốc thú y để dự trữ phòng chống dịch. Đồng Nai có khả năng khan hiếm vaccine.

Ngày 8-3, Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cai Lậy (Tiền Giang), cho biết huyện đã tiêu hủy hơn 4.700 con gà, vịt tại các xã Nhị Mỹ, Nhị Quí, Mỹ Phước Tây và Hội Xuân nghi bị nhiễm cúm. Đàn gia cầm nói trên có biểu hiện của bệnh cúm vì lây lan và chết nhanh. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đã phun thuốc tiêu độc sát trùng, tiêm ngừa vaccine cho những đàn gia cầm lân cận. Hiện các huyện phía tây của tỉnh Tiền Giang đang bước vào vụ thu hoạch lúa nên vịt thả đồng từ khắp nơi tụ về khá đông, nguy cơ bùng phát dịch cúm rất cao.

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm