Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc: “Ngừng hoạt động”né thanh tra

Ngày 21-6, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiếp tục thanh tra phòng khám y học cổ truyền và phòng khám có người Trung Quốc khám, chữa bệnh trên địa bàn. Đúng như dự kiến ban đầu của chúng tôi, hai phòng khám mà đoàn thanh tra đến “vắng như chùa Bà Đanh”. Nếu như Phòng khám Đầm Sen được thanh tra một ngày trước đó tung chiêu “tạm ngưng hoạt động” để qua mắt thanh tra thì Phòng khám Đông Phương dùng chiêu “đang sửa chữa”. Tuy nhiên, những chứng cứ thực tế cho thấy vì lợi nhuận, phòng khám này đã bất chấp làm luôn cả Tây y. Dư luận có quyền đặt câu hỏi, thanh tra y tế các cấp ở đâu để những phòng khám này tung hoành bấy lâu nay giữa thanh thiên bạch nhật?

Cho phép Đông y làm luôn Tây y

Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc: “Ngừng hoạt động”né thanh tra ảnh 1

Chỉ được bắt mạch, kê toa nhưng quảng cáo nhiều lĩnh vực quá phạm vi cho phép. Ảnh: TÙNG SƠN

Tiêu điểm

Theo quy định, nếu hành nghề vượt quá phạm vi cho phép sẽ phạt 15-20 triệu đồng, hình thức phạt bổ sung là rút giấy phép hoạt động 6-12 tháng.

Năm 2011, Sở Y tế đã tiến hành thanh tra bảy phòng khám có yếu tố người Trung Quốc, tất cả đều vi phạm các quy định hiện hành về hành nghề y, y học cổ truyền tư nhân. Tổng số tiền phạt tại các phòng khám này là hơn 72 triệu đồng và chưa có phòng khám nào bị rút giấy phép.

Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Đông Phương (gọi tắt là Phòng khám Đông Phương), 762 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình, được Sở Y tế TP.HCM cấp phép với phạm vi chuyên môn là bắt mạch, kê toa, bốc thuốc thang. Mặc dù chỉ được khám bệnh ngoại trú nhưng nơi này có cả giường nội trú, tivi màn hình phẳng…

Tại thời điểm thanh tra, đoàn thanh tra ghi nhận tại đây không khác gì một phòng khám đa khoa, chủ yếu là thực hành Tây y. Theo đó, phòng khám triển khai các lĩnh vực ngoài giấy phép như phòng xét nghiệm ở tầng lửng với máy móc, hóa chất xét nghiệm nhãn hiệu Trung Quốc còn hạn và hết hạn sử dụng. Tầng một là phòng siêu âm, phòng truyền dịch bốn giường, hai phòng mổ trĩ, hai phòng lưu bệnh với bốn giường bệnh/phòng và phòng khám nam khoa.

Đoàn cũng phát hiện có phiếu xét nghiệm mới được thực hiện ngày 20-6 cho bệnh nhân NTPT, 28 tuổi, chẩn đoán bệnh trĩ. Trên phiếu xét nghiệm có đề tên bác sĩ điều trị - bác sĩ Zheng. Trước đó, ngày 18-6, phòng khám này cũng đã chẩn đoán trĩ cho bệnh nhân HTTN, 19 tuổi, có cả xét nghiệm.

Ngoài ra, phòng khám còn có thuốc Tây y nhãn hiệu Trung Quốc, một số còn hạn sử dụng, một số đã hết hạn. Biển hiệu không đúng quy định, thiếu biển hiệu và người phụ trách. Đặc biệt, lúc đoàn thanh tra đến, mặc dù phòng khám không có ai nhưng vẫn thu giữ được hai bảng tên của hai bác sĩ Trịnh Chiếu Quyền và Ngụy Bồi nghi là bác sĩ Trung Quốc.

Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc: “Ngừng hoạt động”né thanh tra ảnh 2

Hai “bác sĩ” nghi là bác sĩ Trung Quốc đã không có mặt khi thanh tra đến. Ảnh: TÙNG SƠN

Đoàn thanh tra yêu cầu phòng khám ngưng ngay các hoạt động không đúng phạm vi cho phép và chấn chỉnh các thiếu sót. Đoàn cũng mời chủ cơ sở là ông Phan Xưng lên làm việc vào ngày 25-6.

Thanh tra tại Phòng khám bệnh Y học Trung Quốc, 87 Thành Thái, phường 14, quận 10, đoàn thanh tra không ghi nhận được lỗi nào đáng kể do phòng khám này “đang sửa chữa”. (Trong khi đó, trong bài viết 9 triệu đồng hết đau đầu, chóng mặt trên báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 20-6 phản ánh phòng khám này vẫn nhận bệnh khám, điều trị bình thường.)

Tự ngưng hoạt động

Được biết ngày 21-6, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã làm việc với đại diện Phòng khám Y học Trung Quốc, 141 Phan Đăng Lưu, phường 2, quận Phú Nhuận. Thanh tra đã tổng hợp các lỗi vi phạm như triển khai các lĩnh vực phẫu thuật, xét nghiệm… ngoài phạm vi cho phép, bác sĩ làm việc không có chứng chỉ hành nghề… với tổng số tiền phạt trên 50 triệu đồng.

Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc: “Ngừng hoạt động”né thanh tra ảnh 3

Chiêu “đang sửa chữa” nhưng phòng ốc, máy móc còn găm điện như đang hoạt động. Ảnh: TÙNG SƠN

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những sai phạm của Phòng khám Trung Quốc tại 141 Phan Đăng Lưu, Chi nhánh của Phòng khám Trung Quốc 87 Thành Thái, ông Hoàng Quân Bằng, chủ đầu tư phòng khám trên đường Thành Thái, cho rằng phòng khám 141 không “giam lỏng” bệnh nhân mà là mướn khách sạn cho bệnh nhân ở để điều trị. Các bác sĩ không có đăng ký hay bằng cấp thì sao? “Những người này đang trong quá trình giống như “thử việc”, phòng khám xem các bác sĩ làm có phù hợp hay không rồi mới đăng ký xin phép” - ông Hoàng Quân Bằng nói.

Cũng theo ông này, khi phòng khám chi nhánh trên đường Phan Đăng Lưu có những vi phạm trên thì ông đã cho ngưng hoạt động, thời gian 6-12 tháng. Theo thông tin mà chúng tôi có được, nếu phòng khám Trung Quốc này không tự ngưng hoạt động thì Sở Y tế cũng sẽ đề nghị buộc ngưng hoạt động!

Phạt nhiều lần vẫn ngang nhiên hoạt động

Phòng khám Đa khoa Trung Nam (1509 đường 3-2, quận 11, TP.HCM) bị phạt hành chính tới ba lần. Mới đây nhất là tháng 10-2011, phòng khám này bị phạt hơn 15,5 triệu đồng do sử dụng người Trung Quốc hành nghề khi chưa được phép; máy móc, trang thiết bị chưa đăng ký; sử dụng thuốc không nguồn gốc. Phòng khám tai tiếng này còn bị phạt 7,5 triệu đồng vì quảng cáo sai quy định trong ấn phẩm Hữu nghị Trung Nam. Không chỉ vậy, phòng khám này còn bị Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM phạt 22 triệu đồng do xuất bản chui ấn phẩm Hữu nghị Trung Nam, quảng cáo dịch vụ y tế khi chưa được cấp phép.

Tương tự, Phòng khám Đông y Hiện Đại (337 Cộng Hòa, Tân Bình) cũng sử dụng “thầy thuốc” Trung Quốc chưa được cấp phép. Phòng khám Hiện Đại cũng in ấn phẩm giới thiệu nhiều phương pháp chữa trị “độc chiêu” rồi phân phát miễn phí khắp nơi. Ấn phẩm này đã bị Sở TT&TT phạt 10 triệu đồng vì in sai quy định.

Cùng bị xử phạt vì in ấn phẩm sai quy định còn có Chi nhánh Phòng khám bệnh Y học Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận) 15 riệu đồng; Phòng khám Phương Nam (450 đường 3-2, quận 10) 10 triệu đồng.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM còn đưa Phòng khám Y học cổ truyền An Khang (627B Nguyễn Trãi, quận 5) vào “hồ sơ đen” do sử dụng “thầy thuốc” Trung Quốc chưa đăng ký để khám, chữa bệnh; dùng dược liệu không rõ nguồn gốc… Năm 2008, phòng khám này bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phạt 20 triệu đồng. Năm 2009, bị đoàn kiểm tra quận 5 phạt 9 triệu đồng. Sau đó, qua kiểm tra cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện Phòng khám An Khang vướng những sai phạm nêu trên.

Điều đặc biệt, ngoài Phòng khám Trung Nam và Phòng khám 87 Thành Thái cùng chi nhánh 141 là được cấp phép hoạt động, các phòng khám còn lại đều không có tên trong danh sách quản lý của Sở Y tế. Những phòng khám này hoạt động trên cơ sở nào mà vẫn ngang nhiên tồn tại trong suốt thời gian qua?

TRẦN NGỌC

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm