Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc : “Đối phó với họ không đơn giản”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một đại biểu Quốc hội là cán bộ ngành y tế (đề nghị không nêu tên) có ý kiến: Ở TP.HCM, phòng khám có người Trung Quốc hành nghề có đăng ký là rất ít trong khi ở Hà Nội có đến mấy trăm phòng khám và Sở Y tế TP Hà Nội cũng đang khóc dở. Các cơ quan quản lý cũng có cái khó vì khi đi kiểm tra chỉ phát hiện mấy lỗi lặt vặt, còn người Trung Quốc thì trốn hết. “Mình ngoài ánh sáng, họ trong bóng tối nên đối phó với họ không đơn giản và phải từ từ” - vị này nói.

Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc : “Đối phó với họ không đơn giản” ảnh 1

Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc : “Đối phó với họ không đơn giản” ảnh 2

Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc : “Đối phó với họ không đơn giản” ảnh 3

Hàng loạt phòng khám Trung Quốc khi thanh tra đến đều treo bảng “ngưng hoạt động”, “đang sửa chữa”, “chờ thẩm định”. Ảnh: DUY TÍNH

Điệp khúc thiếu người

Cũng theo vị này, ngoài các phòng khám có người Trung Quốc đăng ký hành nghề còn có các phòng chẩn trị, phòng khám đa khoa do người trong nước đứng tên, khi cấp phép, tất nhiên là họ đúng quy định mới cấp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các phòng khám này trà trộn người Trung Quốc vào, quảng cáo bậy, quảng cáo ẩu không phép rất nhiều. Họ tinh vi nên để thanh tra phát hiện xử phạt tận tay là rất khó, nhiều khi thanh tra phải giả bệnh nhân mới vào được. “Tháng nào thanh tra cũng đi, nếu họ đã cố ý vi phạm thì mình đi 23/24 giờ, chỉ còn 1 giờ họ cũng vi phạm. Nếu họ đã làm lụi rồi khi bắt được thì xử lý, còn hỏi vì sao để họ làm lụi thì cũng khó trả lời. Các sở rất ít người, không đủ nhân sự nhất là cán bộ thanh tra. Dù đã phân quyền cho quận/huyện, ngoài kiểm tra định kỳ, khi có thông tin phản ánh thì có quyền kiểm tra đột xuất nhưng giải quyết không xuể” - vị này cho biết.

Rút giấy phép không hề đơn giản!

Các phòng khám vừa thanh tra có những vi phạm nghiêm trọng, có bị rút giấy phép không?    

Theo vị này, về vấn đề xử phạt, muốn rút giấy phép cũng phải theo luật và các điều khoản bổ sung. Cuộc họp với các báo sáng nay (tức sáng 22-6 - NV), Sở Y tế nói phạt Phòng khám y học Trung Quốc hơn 45 triệu đồng, có ý kiến cho rằng quá nhẹ. Mức phạt này chỉ bằng giá điều trị hai người bệnh và nếu rút giấy phép sáu tháng thì họ sẽ mở lại. “Theo tôi, mức phạt trong Nghị định 96 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đã cao hơn rất nhiều rồi. Đóng cửa phòng khám sáu tháng họ đã đủ lỗ, muốn hoạt động lại được nữa hay không cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện chưa kể việc cấp lại cũng không phải dễ. Tuy nhiên, việc rút giấy phép không hề đơn giản và tất cả phải theo quy định của pháp luật, tránh để tình trạng quơ đũa cả nắm để họ khỏi bắt bẻ lại mình.

“Tuyên truyền của chúng ta mấy ngày qua rất hiệu quả và giáng một đòn rất nặng cho các phòng khám này. Những bài báo vừa qua cảnh tỉnh cho người dân và chúng ta cần xem xét lại việc quảng cáo cho các phòng khám có yếu tố Trung Quốc. Các cơ quan quản lý có đi thanh tra nhiều lần cũng không bằng một bài đăng báo” - vị này nói.

Theo vị này, hiện ngành y tế cũng đang chờ hướng dẫn về chuẩn hóa lương y theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bộ Y tế cũng đã hứa nhưng chưa ban hành và từ lâu Sở cũng không cấp mới chứng chỉ hành nghề lương y. Sang năm, tất cả phòng khám y học cổ truyền sẽ phải đổi giấy phép và các phòng khám sẽ được thẩm định, xem xét lại.

Thêm tố cáo ông Q. bảo kê các phòng khám

Vào tháng 8-2011, một người xưng là thông dịch viên của một số phòng khám Trung Quốc như: Phòng khám Trung Nam, Kỳ Tinh, Trường An, Hiện Đại, Phương Nam, Tâm Đức, Trung Sơn, Trung Hoa gửi đơn tố cáo đến một số báo. Người này nói rằng hoạt động của các phòng khám có hành vi mờ ám. Các bác sĩ Trung Quốc làm việc tại đây không có chứng chỉ hành nghề, tất cả đều khám, chữa bệnh chui và sử dụng những thứ thuốc viên chưa được cơ quan y tế cho phép, tất cả thứ thuốc này đều được vận chuyển bằng đường bộ và xách tay vào Việt Nam.

Ngoài ra, việc quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng của những phòng khám này còn sử dụng những thủ đoạn như thuê người dẫn chương trình, thuê bệnh nhân ngồi khám và tư vấn, phỏng vấn bác sĩ Trung Quốc. Điển hình như Phòng khám Trung Nam quảng bá trên BPTV1 (Bình Phước 1) lúc 21giờ đến 21 giờ 30, trong clip quảng cáo, có tư vấn của bác sĩ Thái, bác sĩ Lý, bác sĩ Mã trong khi ba bác sĩ này hoàn toàn không có chứng chỉ hành nghề. Trong đó, bác sĩ Lý từng phạm pháp tại Trung Quốc vì tội cướp giật và bị kết án mấy năm tù…

Ngoài ra, đơn tố cáo cũng đề cập đến thanh tra y tế tên Q. (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin ở số báo trước) câu kết với các phòng khám này, cứ mỗi đợt thanh kiểm tra, các phòng khám đều được thông báo trước để xua bác sĩ Trung Quốc và tẩu tán thuốc…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở Y tế cho biết việc tố cáo bác sĩ Q. thì phải có bằng chứng rõ ràng. Trả lời báo chí, bác sĩ Q. cho rằng tất cả là vu khống nhằm hạ uy tín của mình. Hiện bác sĩ Q. đang nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm