Nỗi oan cái thắng lưỡi

Ngày nay bệnh chậm nói ở trẻ không còn xa lạ nhưng chưa thật sự gần gũi với nhiều ông bố, bà mẹ. Hậu quả là còn nhiều trẻ chậm nói bị chẩn đoán muộn và không được can thiệp tốt dẫn đến việc trẻ sau này lớn lên gặp khó khăn trong giao tiếp cũng như học tập.

Hễ chậm nói: Do thắng lưỡi!

Chị Nga mẹ bé Thanh L., ba tuổi, ở Gia Lai đưa con đến khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2 khám với lý do chậm nói. Chị Nga cho biết trước khi đến đây đã đưa bé đi khám khắp nơi như BV Tai-mũi-họng, BV Răng-hàm-mặt, BV Tâm thần... v.v. kết quả là bé hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tuy nhiên chị rất sốt ruột vì bé không biết trả lời câu hỏi của ai đây?, ai vậy?, cái gì đây?… bé chỉ thích nói lung tung theo ý của bé và phát âm không rõ từ. Cuối cùng chị kết luận: “Đã cắt cái thắng lưỡi rồi mà sao vẫn chưa chịu nói?”.

Chị Nhã đã cho bé đi học mẫu giáo từ hồi 26 tháng nhưng đến nay gần ba tuổi mà con chị vẫn chưa nói được. Bé giao tiếp mắt rất tốt, nghe hiểu được nhưng nói thì cứ ư ư, với ah, ah không bật ra được từ nào. Chị mang con đến khoa Tâm lý khám bệnh chậm nói. Khi nghe bác sĩ bảo bé chỉ chậm nói đơn thuần, khuyên chị tiếp tục cho bé đi học và trò chuyện với con nhiều hơn thì chị Nhã xin bác sĩ chuyển bé đi cắt thắng lưỡi cho chắc ăn vì nghe đâu bé chậm nói là do cái thắng lưỡi?

Nỗi oan cái thắng lưỡi ảnh 1

Một trẻ được sự chăm sóc, trò chuyện, nựng nịu của bố mẹ sẽ linh hoạt và có sức đề kháng tốt hơn với các vấn đề bệnh tật. Ảnh minh họa: HTD

BS Ân Nguyễn Đình Trung, khoa Răng hàm mặt BV Nhi đồng 2, cho biết ngày nào cũng có phụ huynh đến khám với lý do: “Con tôi 12 tháng tuổi, cháu bị dính thắng lưỡi. Có người nói không bấm cho cháu sau này sẽ bị nói ngọng, phát âm không chuẩn, tôi rất lo. Vậy bác sĩ khuyên tôi có nên cắt hay không?”.

Chậm nói không như ta nghĩ

Thực tế có rất nhiều phụ huynh quan niệm rằng trẻ có thắng lưỡi ngắn, dính dây thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) nên chậm nói và nói ngọng. Điều này hoàn toàn sai lầm.

Dính thắng lưỡi có thể gây trở ngại cho phát âm, song biến chứng của viêm tai giữa, một tổn thương thần kinh nào đó... cũng dẫn đến bệnh chậm nói ở trẻ. Cha mẹ ít quan tâm, ít chơi và nói chuyện với con cũng là nguyên nhân làm trẻ không phát triển ngôn ngữ tốt bằng các trẻ cùng tuổi.

Nhưng chậm nói không chỉ đơn giản là chậm... biết nói, mà đó là một biểu hiện của rất nhiều vấn đề khiếm khuyết và rối loạn tâm lý nơi trẻ em. Đó có thể là dấu hiệu của tình trạng chậm khôn, hội chứng hiếu động kém chú ý, hội chứng tự kỷ và cả việc kém thính lực nơi trẻ chập chững tập đi. Ở một số trẻ, nếu không đạt được những nhu cầu về thể chất, tâm lý và cảm xúc, trẻ sẽ không thể nói và giao tiếp với người khác.

Việc giúp cho trẻ cải thiện tình trạng ngôn ngữ là một quá trình giáo dục lâu dài bằng nhiều liệu pháp tâm lý. Vì vậy việc đưa một cháu bé chậm nói đến khoa Tâm lý trong bệnh viện là điều đúng mà chưa đủ, vì ở đó thường chỉ thực hiện việc chẩn đoán và đánh giá mức độ chậm nói hay phát hiện ra những rối nhiễu tâm lý khác (hội chứng rối loạn hiếu động kém chú ý - ADHD hay chứng tự kỷ) nơi trẻ chậm nói. Còn việc xây dựng và tiến hành những biện pháp giáo dục chuyên biệt là vai trò của các nhà tâm lý và các giáo viên đặc biệt - đó là một hoạt động cần có sự kết hợp chặt chẽ của một nhóm người (bác sĩ - chuyên viên tâm lý - giáo viên đặc biệt và cả phụ huynh) cùng nhau tiến hành những liệu pháp giáo dục và tâm lý trong thời gian dài tại gia đình chứ không phải chỉ là những buổi tập nói, chỉ trỏ vào các hình ảnh hay điều trị bằng một loại thuốc nào đó để hết bệnh.

Giáo dục trẻ chậm nói cần có những thông tin chính xác đến các bậc cha mẹ, tránh gây ra những ngộ nhận đáng tiếc trong việc chăm sóc các cháu bé có nhu cầu đặc biệt này.

Việc phụ huynh không giao tiếp, trò chuyện với trẻ chỉ là một yếu tố làm tăng nặng một tình trạng chậm nói có sẵn nơi trẻ, vì cũng không ít trường hợp, dù bố mẹ có quan tâm mà trẻ vẫn cứ chậm nói như thường. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta coi thường việc xây dựng mối quan hệ, tiếp xúc với trẻ, vì đó là một yếu tố cần thiết cho sự phát triển chung, không chỉ riêng về ngôn ngữ mà còn cả về mặt trí tuệ nữa. Một trẻ được sự chăm sóc, trò chuyện, nựng nịu của bố mẹ sẽ linh hoạt, ổn định và có sức đề kháng tốt hơn với các vấn đề bệnh tật.

ThS tâm lý KIỀU THANH HÀ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đường

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đườngInfographic

(PLO)- Các loại hạt được biết đến là loại thực phẩm có hàm lượng đường huyết thấp, giúp giảm lượng đường trong máu. Chúng cũng có lượng carbohydrate hạn chế và có rất ít ảnh hưởng đến mức đường huyết trong cơ thể chúng ta. 

10 loại thực phẩm tốt cho thận

10 loại thực phẩm tốt cho thận

(PLO)- Được biết đến với tên gọi là 'kẻ sát nhân thầm lặng', bệnh thận có thể rất khó nhận biết, không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu. Dưới đây là 10 loại thực phẩm để bảo vệ thận của bạn.