Nhiều thai phụ phá thai vì nhiễm rubella

Bệnh nhân tăng đột biến

Nhiều thai phụ phá thai vì nhiễm rubella ảnh 1

Thai phụ đang được khám tại bệnh viện. Ảnh: L.Hà

Theo TS Trần Danh Cường, năm nay số lượng thai phụ mắc rubella tăng khá mạnh. Đặc biệt bệnh nhân tăng đột biến vào các tháng 3, 4 và 5. Từ đầu năm đến nay có tới bốn ca mắc rubella khi thai đã quá to, gần tháng sinh. Chỉ riêng tại trung tâm chẩn đoán trước sinh trung bình có 80 – 120 ca mắc rubella/buổi tới tư vấn (một tháng có bốn buổi tư vấn). Với những trường hợp này, nguy cơ dị tật bẩm sinh cho đứa trẻ rất cao. Các trường hợp thai dưới ba tháng hoặc chớm tròn ba tháng đều được tư vấn bỏ thai.

Tại TP.HCM, theo TS.BS Lê Thị Thu Hà, trưởng phòng khám thai bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, mặc dù thai phụ nhiễm rubella ngày càng nhiều nhưng nhiều bà mẹ vẫn chưa hiểu biết nhiều về bệnh rubella dẫn đến các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Do đó, từ năm 2009 bệnh viện Từ Dũ đưa rubella vào xét nghiệm thường quy trong quy trình khám thai. Năm 2010 có hơn 11.800 thai phụ được xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán rubella, có 258 trường hợp được chẩn đoán nhiễm rubella nguyên phát trong giai đoạn sớm thai kỳ và phải bỏ thai.

Rubella là virút gây dịch có chu kỳ 4 – 5 năm/lần. Virút này tồn tại lâu trong cộng đồng, có người mắc nhưng không phát ra ngoài nên rất khó phát hiện. 90% thai phụ mắc rubella đều truyền sang con. Trẻ sinh ra mắc rubella bẩm sinh dễ mắc các bệnh như viêm võng mạc, tim bẩm sinh, chức năng thính giác kém, dị tật…

Nguy hiểm nhưng dễ phòng

BS Nguyễn Nhật Cảm, trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết: bệnh nhân rubella đang xuất hiện rải rác ở thành phố. Số người mắc rubella ở các tỉnh lân cận cũng rất đông.

Theo TS Cường, thai phụ mang thai dưới 18 tuần mà tiếp xúc với người mới mắc bệnh rất dễ bị lây. Nếu mắc bệnh khi mang thai dưới 12 tuần bắt buộc phải bỏ. Trong vòng 12 – 18 tuần, các bà mẹ sẽ được tư vấn bỏ hay giữ theo tuổi thai và tần suất xuất hiện của bệnh. Nếu thai đã quá 18 tuần thì cần theo dõi tránh nhiễm trùng thai nhi.

Rubella chỉ nguy hiểm đối với thai phụ và nên tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất là ba tháng để phòng bệnh, người mắc rubella thường mọc ban toàn thân, ít khi sốt cao, sau năm đến bảy ngày, ban bay đi không để lại vết thâm. Để phòng bệnh, nếu không thật cần thiết thì không nên đến những nơi có nhiều người phát bệnh rubella. Người có bệnh nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc và ra nơi công cộng.

BS Hà cho biết thêm, khi người bệnh nhiễm rubella, virút vào máu và có thể vào hàng rào máu não gây viêm não. Tuy nhiên, tình trạng này rất hiếm gặp, tỷ lệ mắc khoảng 1/6.000 trường hợp. Xuất huyết do nhiễm rubella cũng hiếm gặp, virút tấn công vào máu gây giảm tiểu cầu, từ đó gây xuất huyết, tỷ lệ chỉ khoảng 1/3.000, biến chứng xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn.

Cũng theo BS Hà, đến giờ bác sĩ vẫn chưa thể tiên đoán được trường hợp nào sẽ bị biến chứng viêm não hay xuất huyết giảm tiểu cầu khi bị nhiễm rubella. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, chị em cần chuẩn bị sức khoẻ thật tốt trước khi mang thai: ăn uống đầy đủ các chất, nên dùng thêm axít folic mỗi ngày. Phụ nữ trước khi mang thai nên đến bệnh viện, phòng khám đa khoa khám sức khoẻ, nên điều trị các bệnh (nếu có) như thiếu máu, tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp, bệnh tim, phổi… Tiêm ngừa các bệnh cần thiết như viêm gan siêu vi, rubella, sởi, quai bị, thuỷ đậu trước khi có ý định mang thai ba tháng. Khi mang thai cần thiết phải khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm theo chỉ định bác sĩ.

Sau khi kết thúc thai kỳ do mẹ nhiễm rubella giai đoạn sớm, thai phụ có thể mang thai sau khi đã có kinh lại hoặc tối thiểu một tháng sau khi chữa khỏi bệnh.

Theo Lệ Hà – Hoàng Nhung (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm