Người Việt Nam đã ghép được tim nhưng...

Như Pháp Luật TP.HCMđã đưa tin, ngày 2-3 là ngày mà sau này các bác sĩ của BV Trung ương Huế không thể quên bởi họ là những bác sĩ Việt Nam đầu tiên thực hiện thành công ghép tim cho chính bệnh nhân của mình.

Bệnh nhân may mắn được ghép tim là anh Trần Mậu Đức, 26 tuổi, đã có một vợ và một con, trú tại phường Phú Hội, TP Huế. Anh Đức bị giãn cơ tim, suy tim độ 4. Theo các bác sĩ nếu không được ghép tim kịp thời thì nguy cơ tử vong lớn. Ngày 1-3, sau khi BV Trung ương Huế nhận được nguồn tạng từ người cho chết não thì ca ghép tim lịch sử đã được thực hiện ngay trong đêm, từ 22 giờ đến 3 giờ sáng mới hoàn thành. 7 tiếng sau, bệnh nhân thở bình thường và các thông số về tim, máu đều ổn định.

“Làm vì tự hào dân tộc”

GS-TS Bùi Đức Phú, Giám đốc BV Trung ương Huế, người chủ trì ca ghép tim cho biết: “Ghép tim là cứu cánh cuối cùng với bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch bị suy tim giai đoạn cuối. Vì vậy ngay từ năm 2009, BV Trung ương Huế đã có đề án Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não. Hội đồng Ghép tạng BV Trung ương Huế đã được thành lập với các ê kíp phục vụ cho công tác ghép tim kíp chẩn đoán và hồi sức cho người chết não để lấy tạng, kíp phẫu thuật lấy tim hiến, kíp phẫu thuật ghép tim, kíp gây mê hồi sức…

Người Việt Nam đã ghép được tim nhưng... ảnh 1

Ca ghép tim lần đầu tiên do các bác sĩ Việt Nam phải thực hiện ngay trong đêm khi có người cho chết não đồng ý hiến tạng. (Ảnh BV Trung ương Huế cung cấp)

Theo GS Bùi Đức Phú, điều mà ông tâm đắc nhất chính là người Việt Nam đã ghép tim độc lập mà không cần sự trợ giúp của các chuyên gia người nước ngoài. Để làm được điều đó, có đến hơn 100 bác sĩ của Trung tâm Tim mạch đã phải mất rất nhiều năm đi học ở các nước Pháp, Úc, Mỹ… Ngoài ra, các bác sĩ đã phải trải qua 11 năm kinh nghiệm với phẫu thuật tim, ghép thận, ghép giác mạc. “Tâm lý người thầy thuốc luôn suy nghĩ làm thế nào để cứu chữa bệnh nhân hiệu quả, ít rủi ro. Nhưng chúng tôi cũng rất muốn khẳng định năng lực và tinh thần dân tộc của mình. Tuy nhiên, khi quyết định tự tay làm, chúng tôi cũng đã phải cân nhắc đủ khía cạnh, từ pháp lý đến mức độ an toàn cho người bệnh” - GS Phú tâm sự.

PGS-TS Nguyễn Duy Thăng, Giám đốc Trung tâm Huyết học Truyền máu khu vực Huế, nói thêm: “Chúng tôi ngày đêm, ăn ngủ đều nghĩ đến chuyện ghép tim. Các bác sĩ đã được đào tạo rất bài bản, thuộc lòng từng thao tác. Chỉ chờ ngày có cơ hội để ghép tim cho bệnh nhân. Ca ghép tim vừa qua chúng tôi ví như nuôi quân ba năm sử dụng một giờ”.

Hãy coi hiến tạng là cứu người

Thực tế, bệnh nhân Trần Mậu Đức là một người khá may mắn. Anh nhập viện đã hơn một năm nhưng phải đến khi có người chết não xin hiến tạng thì bệnh nhân này mới có cơ hội. Đến nay, BV Trung ương Huế vẫn còn sáu bệnh nhân trong tình trạng như anh Đức và cần những người cho chết não hiến tạng.

“Hiện nay luật pháp đã cho phép chúng ta được ghép tạng từ người cho chết não, bệnh viện chúng tôi cũng đã có đủ năng lực, quy trình để thực hiện ghép. Vấn đề còn lại là quan niệm của người Việt Nam với chuyện hiến tạng” - bác sĩ Phú nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, đã có không ít lần thông tin chuẩn bị cho ghép tạng lấy từ người chết não nhưng vẫn chưa thực hiện được do gia đình người cho chết não không đồng thuận với lý do phong tục tập quán. “Tôi hy vọng nhân chuyện này, nhiều gia đình người cho chết não sẽ suy nghĩ lại, hiến tạng là cứu đời” - GS Phú nói.

Cũng theo nhiều người trong ngành cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần có một cuộc vận động hiến tạng ở cấp quốc gia. Hiện nay, chúng ta đã có cuộc vận động hiến máu nhân đạo nhưng hiến tạng cứu người thì chưa có. Trong khi đó, các nước trên thế giới, họ đã tổ chức rất quy mô ngày hiến tạng. Vì vậy, Việt Nam cần phải tham khảo thêm vấn đề này.

Quy trình ghép tim rất nghiêm ngặt

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về việc liệu có thể hướng đến việc ghép tim trở thành đại trà ở các bệnh viện, GS-TS Bùi Đức Phú cho rằng rất khó. Vị này lý giải, do quy trình ghép tim rất nghiêm ngặt, đòi hỏi tính đồng bộ cao về kỹ thuật và có tính công nghệ rất cao, cần phải có sự phối hợp điều hành chặt chẽ giữa các bộ phận của các bộ, ban ngành. Trên cả nước hiện nay chỉ có một vài bệnh viện có đủ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, kỹ thuật đủ khả năng để ghép tim cho bệnh nhân. Thêm nữa, ngoài yếu tố cơ sở hạ tầng thì còn phụ thuộc vào người cho chết não hiến tạng. Bởi không phải người cho chết não nào hiến tạng cũng phù hợp với người bệnh cần ghép. Về phía bệnh nhân chờ ghép tim phải có những đặc điểm tương đồng miễn dịch cũng như đáp ứng những yêu cầu chuyên môn của tạng hiến.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm