Ngành hóa dược đang loay hoay

Tại buổi khảo sát về tình hình đầu tư phát triển nhóm sản phẩm hóa dược và dược phẩm trên địa bàn của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM (ngày 18-6), PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hóa dược là điểm yếu của ngành dược.

Thiếu phối hợp giữa các doanh nghiệp

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho rằng ngành dược Việt Nam nói chung chỉ chế biến, đóng gói dựa trên hóa dược có sẵn, công thức có sẵn. 70% sản phẩm hóa dược ở Việt Nam là nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trùng lặp các nhóm hàng, không có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước không chỉ cạnh tranh về những sản phẩm cùng nhóm với các doanh nghiệp nước ngoài mà còn tự cạnh tranh khốc liệt với nhau.

“Chúng ta sản xuất thuốc thì đi mua nguyên liệu, còn để sản xuất nguyên liệu thì đi mua hóa dược… Nhưng nếu lấy nguyên liệu của chúng ta làm thuốc thì giá thành cao nên buộc phải mua nguyên liệu nước ngoài” - dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Phó phòng Quản lý Dược, Sở Y tế TP.HCM, thông tin thêm.

Ngành hóa dược đang loay hoay ảnh 1

Phần lớn ngành dược chỉ chế biến, đóng gói thuốc dựa trên hóa dược nhập khẩu có sẵn. Ảnh: Quang Hà

Để chứng minh cho điều này, bà Đặng Thị Kim Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar, nói: “Chúng tôi là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất nguyên liệu kháng sinh Ampicillin và Amoxillin. Chúng tôi sử dụng phương pháp chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc. Ban đầu chúng tôi hợp tác liên doanh và cử nhân viên sang Hàn Quốc để học tập công nghệ của họ. Sau đó các chuyên gia Hàn Quốc về Việt Nam xây dựng nhà máy với công suất 180 tấn/năm. Hiện nay, doanh nghiệp đã nắm được hoàn toàn công nghệ và quy mô sản xuất (khoảng 450 tấn/năm). Sản phẩm nguyên liệu Ampicillin còn được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Lào”.

Tuy nhiên, 20 năm qua, doanh nghiệp liên tục thua lỗ trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu kháng sinh do nguyên liệu của Trung Quốc, Ấn Độ liên tục bán phá giá. Doanh nghiệp hạ giá thấp cũng sẽ bị phía Trung Quốc, Ấn Độ hạ giá thấp hơn, do họ có sự hỗ trợ của nhà nước phía họ.

Cần bảo hộ thuốc sản xuất trong nước

Các doanh nghiệp dược tham dự buổi giám sát đề nghị UBND TP cần kiến nghị Bộ Y tế, Chính phủ nên có cơ chế bảo hộ thuốc sản xuất trong nước như không cho nhập khẩu những thuốc, nguyên liệu trong nước sản xuất được, ưu tiên cấp số đăng ký thuốc (quy định là sáu tháng nhưng kéo dài 1-2 năm); nên chăng kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài sản xuất nhượng quyền tại các nhà máy ở Việt Nam để tận dụng tối đa công suất (hiện tại chỉ đạt 35%)… Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thuế, đất đai, đặc biệt là thực hiện những kế hoạch đã hứa như tài trợ vốn, công nghệ… cho doanh nhiệp nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện.

Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP, cho rằng TP xác định công nghiệp hóa dược là một trong bốn ngành mũi nhọn.

Tuy nhiên, sau khi nghe báo cáo ông nhận định tình hình rất khó khăn, ngành y tế đang trong giai đoạn lúng túng, loay hoay tìm giải pháp. “Chúng ta là một người tí hon đứng bên cạnh quá nhiều người khổng lồ. Do vậy, hiện nay ngành y tế phải định dạng được lĩnh vực hóa dược mình đang ở đâu. Kế hoạch, ưu tiên vào cái gì (đào tạo nhân lực, sản phẩm mũi nhọn, chính sách ưu tiên, phân công sản xuất để khỏi trùng lắp) để đẩy mạnh công nghiệp hóa dược nói riêng và dược phẩm nói chung phát triển…”.

Hiện nay, dược sĩ được đào tạo ra không được sử dụng nghiên cứu, làm trong nhà nước mà chủ yếu là làm thương mại. Do đó, TP nên quan tâm đến đào tạo lĩnh vực hóa dược, bào chế. Hiện nay chỉ có đào tạo nghiên cứu về khoa học cơ bản, dược lâm sàng… Kiến nghị ĐH Y Dược nên đào tạo sau ĐH ngành này và đưa đi đào tạo nước ngoài.

Dược sĩ ĐỖ VĂN DŨNG, Phó phòng Quản lý Dược,
Sở Y tế TP.HCM

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm