Muốn “ngon” phải đủ testosterone

Hàm lượng testosterone “vừa đủ xài” sẽ giúp cơ thể chống lại các bệnh thoái hóa như loãng xương, bệnh tim mạch, tiểu đường và một số bệnh ung thư, đồng thời giúp cơ thể duy trì trọng lượng thích hợp.

“Hụt vốn” testosterone

Cơ thể phụ nữ cũng sản xuất ra testosterone nhưng với hàm lượng nhỏ hơn rất nhiều so với cơ thể nam giới. Ở cơ thể nam giới, testosterone được “xuất xưởng” nhiều nhất ở tinh hoàn và tuyến thượng thận. Trong khi đó ở cơ thể phụ nữ, testosterone được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng và tuyến thượng thận. Hàm lượng testosterone cao nhất khi con người bước vào tuổi 20, sau đó cứ mỗi 10 năm thì lại sụt giảm 10%. Phụ nữ vào thời kỳ mãn kinh thì chức năng buồng trứng suy giảm và lượng testosterone cũng bị suy giảm đáng kể. Đối với phụ nữ, nếu hàm lượng testosterone không thích hợp có thể sẽ dẫn đến những tác hại như mắc bệnh loãng xương, các rối loạn về xương cũng như các bệnh mạn tính khác.          

Đàn ông thì sau 30 tuổi, cứ mỗi năm, lượng testosterone bị “hụt vốn” khoảng 1,5%. Nếu vì một lý do nào đó nam giới bị giảm quá mức testosterone thì được gọi là andropause với những triệu chứng bao gồm như giảm ham muốn tình dục, giảm khoái cảm, giảm khối lượng cơ, tăng mỡ bụng, trầm cảm, chán nản. Sự thiếu hụt testosterone thường không được nhận ra dấu hiệu cho đến khi cơ thể thật sự “oải chè đậu”.

Muốn “ngon” phải đủ testosterone ảnh 1

Cần ăn chất béo có ở trái bơ, dừa, dầu olive, omega-3 fatty acid từ cá... nhằm bổ sung lượng testosterone bị thiếu hụt.

Bổ sung testosterone đúng cách

Điều khó ở chỗ chúng ta không thể tự tiện bổ sung testosterone vì sẽ mang lại nhiều nguy hại cho cơ thể, nhất là những quý ông có vấn đề về tiền liệt. Tuy nhiên, cũng thật may mắn, qua chế độ dinh dưỡng và lối sống thích hợp. Cơ thể chúng ta có khả năng “thu hồi vốn” testosterone hoặc chí ít ra cũng không để “sập tiệm”.

Chìa khóa chính để định lượng testosterone là khẩu phần ăn giàu các thành phần kháng viêm. Chất kháng viêm nhiều nhất là các chất dinh dưỡng thực vật (phytonutrient) có rất nhiều trong rau cải và trái cây. Cần lưu ý là thức ăn có chứa nhiều đường sẽ làm lượng insulin và cortisol tăng cao. Cortisol lại là kẻ “thọc gậy bánh xe” trong quá trình kiến tạo testosterone. Khi bị stress, cơ thể sẽ sản xuất ra một lượng lớn cortisol. Duy trì nồng độ đường huyết ở mức lý tưởng là một khâu quan trọng trong việc ổn định cortisol, nhờ đó testosterone không còn bị “hãm tài”.

Cũng đừng nên quên những nguồn chất béo có lợi cho cơ thể thông qua thực phẩm. Bởi trong cơ thể, chất béo rất cần thiết cho hoạt động và chức năng của các loại hormone. Chất béo và cholesterol đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo thành cấu trúc và độ bền vững cho màng tế bào. Các chất béo này tác động vào các thông tin tế bào bằng cách hoạt động như một enzyme và có nhiệm vụ điều hòa hormone. Chế độ dinh dưỡng lý tưởng cần phải chứa những nguồn chất béo có lợi.

Môi trường cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp testosterone. Một kẻ “giả danh” là xenoestrogens cũng gây “điêu đứng” cho testosterone. Đây là một hóa chất nhân tạo, chuyên “nhái” các hormone chính hiệu và được cho là thủ phạm làm cạn kiệt nguồn testosterone trong cơ thể. Xenoestrogens được tìm thấy nhiều nhất ở nước sinh hoạt, túi nylon, các chất tẩy rửa, chất khử mùi, xà bông, mỹ phẩm... Trớ trêu thay, nhiều loại dược phẩm cũng chứa một hàm lượng cao xenoestrogens. Nên tránh xa những nguồn chứa xenoestrogens, ăn nhiều rau cải nhằm giúp cơ thể hạn chế sự hấp thu xenoestrogens.

Thiếu testosterone có thể gây ngừng thở

Luôn có sự thay đổi nồng độ testosterone tự nhiên trong khi ngủ cả ở nam và nữ. Mức độ testosterone tăng lên trong khi ngủ và giảm khi thức dậy. Nghiên cứu cho thấy nồng độ testosterone cao nhất là khi con người có một giấc ngủ sâu - xảy ra chủ yếu vào cuối chu kỳ ngủ hằng đêm. Rối loạn giấc ngủ như giấc ngủ bị gián đoạn và thiếu ngủ thường xuyên sẽ làm giảm nồng độ testosterone xuống thấp.

Đã có bằng chứng chứng minh rằng giữa thiếu testosterone và chứng rối loạn hô hấp khi ngủ hay ngừng thở khi ngủ có mối liên hệ với nhau. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chứng ngừng thở khi ngủ thường xảy ra ở nam giới có nồng độ testosterone thấp. Đàn ông bị chứng ngừng thở khi ngủ cũng dễ bị biến chứng liên quan đến suy giảm chức năng tình dục như giảm ham muốn tình dục, rối loạn chức năng cương dương, bất lực…

 Đối với những người đàn ông mắc chứng rối loạn cương dương dễ mắc chứng ngừng thở khi ngủ gấp hai lần so với những người đàn ông không mắc chứng trên. Nghiên cứu này cũng cho thấy những người bị mắc chứng này nghiêm trọng có nguy cơ ngừng thở lâu hơn.

DS NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG, ĐH Dược Murdoch, Úc

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm