Một thập kỷ, số trẻ thừa cân béo phì tăng 11 lần

Khảo sát của các chuyên gia dinh dưỡng ở 2 trường mầm non TP HCM cho thấy có đến 47% học sinh nội thành và 20% bé ngoại thành bị thừa cân béo phì. So 10 năm trước, tỷ lệ này tăng 11 lần.

Theo các bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, có 198 học sinh thuộc hai trường mầm non, một ở Phú Nhuận (nội thành), một ở Bình Chánh (ngoại thành) làm đối tượng của cuộc nghiên cứu. Kết quả cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì là đáng báo động.

Một thập kỷ, số trẻ thừa cân béo phì tăng 11 lần ảnh 1
Thừa cân béo phì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Ảnh minh họa: Thiên Chương
Cụ thể, đối với trường mầm non nội thành, có đến 47% số em bị thừa cân béo phì, trong đó có 20% trường hợp béo phì. Trường mầm non ngoại thành cũng có 22,2% trẻ thừa cân béo phì và lượng trẻ béo phì chiếm phân nửa. Ở cả hai trường, tỷ lệ béo phì trẻ nam cao hơn nữ. Trường nội thành, tình trạng thừa cân béo phì tăng dần từ 3 đến 6 tuổi. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, nếu so với khảo sát cách đây 10 năm thì tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì hiện nay đã tăng xấp xỉ 11 lần. Điều này cho thấy tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ mầm non đang tăng rất nhanh và tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các bé. Phân tích nguyên nhân khiến thừa cân béo phì ở trẻ tăng nhanh, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng chủ yếu do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và các bé ít vận động. Ở trường mầm non ngoại thành, trẻ có số bữa ăn hàng ngày từ 5 bữa trở lên tỷ lệ thừa cân béo phì gấp 2 lần trẻ ăn dưới 5 bữa. Ở trường nội thành, trẻ ăn thức ăn giàu vitamin và chất xơ luôn có tỷ lệ thừa cân béo phì thấp hơn so với bé ăn thức ăn giàu đạm và béo. Nghiên cứu cũng cho thấy đến gần 78% trẻ thừa cân béo phì rất ít ăn rau. Hầu hết các bé ở dạng thừa cân béo phì đều cho biết việc hay làm nhất trong ngày là xem tivi, chơi vi tính, chơi game. Tỷ lệ trẻ hoạt động tĩnh tại (ngồi yên) ở nội thành cao hơn rất nhiều so với ngoại thành. Một trong những nguyên nhân khác khiến trẻ bị béo phì là yếu tố gia đình. Khảo sát cho thấy những trẻ thừa cân béo phì phần lớn thuộc các gia đình có điều kiện kinh tế tốt hơn. Thêm nữa, nhiều phụ huynh chưa trang bị đầy đủ kiến thức dinh dưỡng dẫn đến chọn thức ăn cho con chưa hợp lý. "Rất nhiều người vẫn cho rằng con phải ăn nhiều và to béo thì mới có sức khỏe tốt mà không biết trẻ thừa cân béo phì không thể có sức khỏe tốt bằng những trẻ không thừa cân", một bác sĩ cho biết.
Theo Thiên Chương (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm