Lang băm phán, bệnh nhẹ thành nặng

Lang băm phán, bệnh nhẹ thành nặng ảnh 1

Bệnh nhi V.T.A. (6 tháng tuổi, ở Sóc Trăng) phải vào bệnh viện mổ cấp cứu vì đi lang băm chữa bệnh lồng ruột - Ảnh: T.L.

Đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, gặp bệnh nhân T.T S. (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) khi chị đến đây nhờ các bác sĩ khám bướu cổ, cục bướu hành chị ăn ngủ không ngon.

Nghe đồn...

Trên cổ chị S. vẫn còn sáu vết châm, đốt to bằng đầu cây nhang, chị nói do sợ đến bệnh viện mổ nên đã tìm đến lang băm ở gần nhà để đốt. Chị kể lang băm này là đàn bà, nghe đồn được cha truyền lại nghề chữa bệnh, chị nghe mấy người hàng xóm nói đi đốt về hết bướu nên đã đi thử. “Tui nghe vậy cũng ham nên tìm đến đốt thử, lang băm dùng lửa hơ và đốt lên cổ chỗ cục bướu, đau lắm và bị phỏng nữa nhưng đi mấy lần không hết nên thôi”, chị S. kể. Sau đó cục bướu liên tục hành chị nên chị đi bệnh viện khám, bác sĩ cho biết bướu cổ của chị phải nhập viện mổ mới khỏi bệnh.

Số trường hợp từng đi chữa bệnh ở lang băm bị biến chứng khá nhiều, đặc biệt những bệnh nhân trĩ. Bệnh nhân H.T.T.X. (25 tuổi, ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long), lúc đến bệnh viện đã bị hoại tử mô xung quanh hậu môn, nhiễm trùng hậu môn do chữa bệnh ở lang băm. Người nhà X. cho biết trước đó do ngại đến bệnh viện nên X. đi tiêm thuốc điều trị trĩ ở lang băm do người quen chỉ (không rõ thuốc gì), sau đó nhiễm trùng nên sợ quá tìm đến bệnh viện. Các bác sĩ phải mổ và hiện nay vẫn chưa lành. Một nạn nhân khác là ông T.Đ.P. (69 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), đi đốt trĩ ở lang băm, vào bệnh viện trong tình trạng bỏng nặng hai mông và được mổ cắt trĩ tại bệnh viện ngày 29-1-2013.

Trước đó vài tháng có một bệnh nhân lớn tuổi bị viêm loét hậu môn do đắp “thuốc gia truyền” của lang băm. Bệnh nhân là ông T.N.T. (82 tuổi, ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng viêm loét hậu môn, hư cơ vòng và đại tiện không tự chủ. Người nhà cho biết ông bị tái phát bệnh trĩ gây khó khăn trong việc vệ sinh hằng ngày, nghe nhiều người nói có lang băm ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) chuyên trị bệnh trĩ rất hay nên ông tìm đến để trị bệnh. Ông đã được điều trị tại đây bằng cách đắp thuốc và cắt búi trĩ, khoảng 15 ngày ăn ngủ luôn tại nhà lang băm rồi được cho về nhà, nhưng chỉ hai ngày sau ông được người nhà đưa đi bệnh viện cấp cứu. Ông phải trải qua phẫu thuật đặt hậu môn tạm và chờ làm hậu môn nhân tạo khá phức tạp.

“Phán” gây bỏng, xuất huyết

Sau Tết Quý Tỵ 2013, Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ tiếp nhận V.T.A. (6 tháng tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) bị lồng ruột, vào bệnh viện cấp cứu vì từng đi lang băm. Trước đó, bé được Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng chuyển đến trong tình trạng lừ đừ, mệt mỏi, trên bụng có bảy vết đốt gây phỏng ngoài da, các bác sĩ phải mổ cấp cứu.

Người nhà bé A. cho biết do bé đau bụng, khóc thét từng cơn và đi tiêu ra máu, nghe theo lời người quen nên gia đình đã đưa bé đến nhà lang băm chữa bằng cách đốt tim đèn rồi hơ vào bụng bé nhiều lần, mỗi lần hơ bảy nốt nên bé bị phỏng ngoài da. Hai ngày sau bé đau bụng dữ dội, liên tục tiêu chảy ra máu và ói nhiều lần. Lúc này gia đình mới đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng điều trị, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ. Bác sĩ Trần Văn Dễ - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - nói nếu người nhà đưa bé vào bệnh viện sớm, đa số chỉ cần tháo lồng bằng hơi chứ không phải phẫu thuật, trường hợp này do để lâu quá và điều trị không đúng cách nên phải phẫu thuật cấp cứu.

Bác sĩ Hà Anh Tuấn - trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ - nói: “Một kiểu trị bệnh của nhiều lang băm là cắt lể khi trẻ bệnh hoặc “phán” khi bé khóc đêm, vặn mình, hạ canxi, tiêu chảy... chẳng những không có tác dụng cho việc điều trị bệnh mà còn tăng nguy cơ nhiễm trùng, kéo dài thời gian điều trị. Từng có trường hợp cắt lể gây chảy máu không cầm rất nguy hiểm hoặc bị lang băm “phán” gây bỏng, xuất huyết, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết...”.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, các bác sĩ vẫn nhớ một trường hợp thương tâm do điều trị ở lang băm kiểu mê tín. Bệnh nhi là bé N.H. (ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), nhập viện trong tình trạng khóc dữ dội, máu chảy nhiều trên khắp cơ thể do có hơn 30 vết thương do kim (loại kim may quần áo) gây chảy máu. Bé H. bị xuất huyết và nhiễm trùng sơ sinh.

Các bác sĩ cho hay bé bị mắc bệnh lý rối loạn đông máu do thiếu vitamin K, nên khi bị lang băm đâm kim vào chích lể thì chảy máu không cầm được. Mẹ bé H. kể do bé hay quấy khóc nên nghe hàng xóm mách phải đi cắt lể mới hết khóc. Người nhà tìm đến lang băm để cắt lể, người này dùng kim chích ở ngực, bụng, lưng làm bé chảy máu khắp người, sau đó dùng khăn quấn lại về nhà. Về đến nhà bé tiếp tục khóc dữ dội, phát hiện khắp người vẫn tiếp tục chảy máu gia đình mới hoảng hốt đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.

Nguy hiểm tính mạng

Bác sĩ La Văn Phú - trưởng khoa ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết hiện vẫn còn nhiều bệnh nhân tin vào cách “trị bệnh” của lang băm và ngại đến bệnh viện, nhất là một số căn bệnh được cho là nhạy cảm như trĩ, các loại bướu ở cổ hay vú ở phụ nữ... “Lang băm thông thường chỉ trị bệnh bằng những bài thuốc, cách thức chưa qua kiểm chứng khoa học nhiều khi dẫn đến tác dụng ngược hoặc làm bệnh trầm trọng thêm. Một số loại bệnh có triệu chứng tương tự nhau như trĩ với ung thư đại trực tràng, bướu cổ với ung thư tuyến giáp... nếu lang băm điều trị kéo dài không đúng sẽ rất nguy hiểm, không những gây nhiễm trùng mà còn nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Phú nói.

Theo THÁI LŨY (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm