Lạm dụng chụp chiếu trong y tế: Sự thật đáng lo ngại

Hiện tượng bệnh nhân gặp rắc rối về sức khỏe khi bị chiếu bức xạ quá mức đang là mối lo mới trong ngành y tế nước này.

Những dấu hiệu bất thường

Ngày 4-7-2009, H. Michael Heuser, một nhà sản xuất phim 52 tuổi vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles, bang California do đột quỵ, tình huống bệnh nhân nằm ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Một cục máu đông trên não có thể tan nếu dùng thuốc nhưng người ta chỉ có vài giờ để giải quyết, trước khi tế bào não chết vì thiếu oxy. Vì thế, ông Heuser được đưa ngay vào phòng chụp cắt lớp, máy quét trong 45 giây đưa ra hình ảnh các mạch máu nhỏ giúp tìm ra chỗ vón cục.

Ông Heuser bị đột quỵ, rồi cũng bình phục nhưng toàn thân từ chân, tay đến lưng, thân dưới sưng đỏ lên. Một vành tóc bị hói sau đầu ở phần ngang tai. Sau trường hợp ông Michael Heuser, 269 người cũng bị chụp bức xạ quá mức trong vòng 18 tháng tại Cedars-Sinai và trong tài liệu của Chính phủ, ông Heuser được xếp là “bệnh nhân số 1”. Cho đến nay, không ai biết tại sao chương trình máy quét lại được đặt ở chế độ ấy và Cedars-Sinai vẫn đang điều tra.

Lạm dụng chụp chiếu trong y tế: Sự thật đáng lo ngại ảnh 1

Bức xạ y tế - công nghệ hiện đại nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro mới

Rất nhiều bệnh nhân trải qua máy chụp cắt lớp não khác cũng có chung triệu chứng này. Alain Reyes đột nhiên tóc bị rụng thành một vành quanh đầu, ông không chỉ là người duy nhất lo lắng cho sức khỏe của mình. Đồng nghiệp cùng công ty tránh xa, ông chủ cũng cho ông nghỉ để tránh bệnh truyền nhiễm. Chỉ sau đó, Alain Reyes mới biết rằng nguyên nhân gây ra những hiện tượng trên chính là bị bức xạ quá mức trong cuộc kiểm tra nguy cơ đột quỵ tại một bệnh viện ở Glendale, bang California.

Hiện tượng bức xạ quá liều này bắt đầu được chú ý từ mùa hè năm ngoái. Nhiều bệnh viện không thể phát hiện ra mức bức xạ quá lượng cho phép cho dù bệnh nhân liên tục thông báo về hiện tượng rụng tóc sau kiểm tra y tế. Hàng chục nạn nhân ở California và Alabama cho biết, ngoài hiện tượng rụng tóc, nhiều người còn bị đau đầu, lẫn lộn, mất trí nhớ, thậm chí sụt cân, không ngủ được. Khi thắc mắc về các biểu hiện lạ, các bác sỹ cho rằng đây chỉ là triệu chứng tạm thời, nguyên nhân rụng tóc có thể do stress hoặc buộc tóc quá chặt, còn hiện tượng tấy đỏ da có thể do dị ứng xà phòng khi giặt ga, gối. Tuy nhiên sau đó, Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ phải đưa ra thông cáo toàn quốc yêu cầu các bệnh viện kiểm tra lượng bức xạ khi chụp.

Con dao hai lưỡi

Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ năm 2009 đã mở cuộc điều tra khi rất nhiều bệnh nhân kiểm tra sức khỏe bằng công nghệ này phàn nàn rằng tại sao họ lại chịu mức bức xạ quá mức như vậy. 10 tháng trôi qua, kết quả điều tra chưa được công bố nhưng theo điều tra của tờ Thời báo New York, hiện tượng này lan rộng ở quy mô lớn hơn còn các chuyên gia lo ngại người bệnh có thể đối mặt với những rủi ro lâu dài như ung thư hay tổn thương não.

Tháng 6-2009, một nguồn tin cho biết, một bệnh viện ở Philadelphia năm 2005 đã điều trị sai liều bức xạ cho hơn 90 bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến và “ỉm” đi sự việc. Tương tự, một bệnh viện ở Florida năm 2005 có máy gia tốc tuyến tính đặt ở chế độ chương trình sai gần 1 năm với hơn 77 trường hợp ung thư não bị chiếu tia bức xạ ở mức quá 50%. Tờ Thời báo New York cho biết, trong thống kê mới nhất, trường hợp chụp cắt lớp dùng quá liều bức xạ lớn nhất là bệnh viện Huntsville, bang Alabama – lượng bức xạ cao gấp 13 lần so với các cuộc kiểm tra thông thường. Lãnh đạo bệnh viện cho biết họ cố ý sử dụng lượng bức xạ lớn hơn để có hình ảnh rõ nét hơn, theo hướng dẫn của công ty cung cấp máy quét GE Healthcare. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng điều đó là phi lý và nguy hiểm.

Lạm dụng chụp chiếu trong y tế: Sự thật đáng lo ngại ảnh 2

H. Michael Heuser, “bệnh nhân số 1” sau khi bị dùng tia xạ quá mức tại Cedars-Sinai

Tiến sỹ John J. Feldmeier, bác sỹ chuyên khoa ung thư tại Đại học Toledo cũng là người đứng đầu nhóm chuyên điều trị cho thương tổn sau xạ trị ước tính cứ 1/20 bệnh nhân dùng xạ trị sẽ bị tổn thương. Tuy thế, xác định tổn thương do dùng tia xạ rất khó. Các cơ quan bị tổn hại hay ung thư do tia xạ kích thích chỉ có biểu hiện sau vài năm, thậm chí hàng chục năm. Đối với người chụp CT, khi ở mức thích hợp, việc chụp quét cắt lớp não cũng cần đến một lượng bức xạ tương đương khoảng 200 tia X chiếc vào bộ não. Nhưng hiện chưa có tiêu chuẩn đặt ra bao nhiêu bức xạ là quá nhiều. Thông thường cũng có người bị biến chứng, không phải do sơ suất nhưng một số trường hợp, ranh giới giữa sự đúng - sai là không rõ ràng và sẽ còn là đề tài gây nhiều tranh cãi.

Lơ lửng trách nhiệm

Những năm gần đây, nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ, trung bình số người Mỹ chụp chiếu chẩn đoán bằng phóng xạ trong đời đã tăng 7 lần so với năm 1980, và hơn một nửa trong số đó là bệnh nhân ung thư sử dụng phương pháp xạ trị. Không nghi ngờ gì, bức xạ đã cứu sống rất nhiều nhân mạng và các trường hợp tai nạn nghiêm trọng hiếm khi xảy ra. Tuy vậy, cả nước Mỹ đều biết đến Scott Jerome-Parks ra đi ở tuổi 43 vào năm 2007 sau khi dùng bức xạ quá liều gây ra tình trạng điếc, khó nhìn, không ăn được, buồn nôn, khó thở, bỏng và đau đớn. “Tai nạn” này đang được nghiên cứu và công khai trước công luận để mọi người không phải trải qua ác mộng giống như Jerome-Parks.

Bùng nổ dùng bức xạ trong y học, công nghệ mới cho phép các bác sỹ tấn công khối u chính xác và giảm thiểu sơ suất nhưng tính chất phức tạp của nó lại tạo điều kiện cho những sai lầm mới: Đó là lỗi phần mềm cài đặt chương trình, trình độ nhân viên thực hành. Tuy vậy, chỉ cần sai lệch trong quy chuẩn an toàn và chương trình kỹ thuật thì chỉ bệnh nhân là người phải ngấm ngầm phải chịu đựng.

Với tình trạng chưa có cơ quan độc lập nào kiểm soát bức xạ y tế, vì thế cũng không có đơn vị nào giải quyết các vụ việc trên. Tất cả các sự cố đó chỉ là dạng báo cáo không đầy đủ, thậm chí nhiều nơi còn không yêu cầu phải báo cáo. Hơn nữa, phần lớn các phương pháp xạ trị đạt kết quả rất tốt, các bác sỹ không thể vì một số sự cố ngoài ý muốn mà để mặc cho bệnh nhân chết nếu họ không muốn dùng xạ trị.

Trước tình hình này, một bệnh nhân lo ngại: “Khi bạn lùi xe, nó phát ra tiếng bip, bip. Khi máy giặt quá đầy, nó ngừng hoạt động vì quá tải. Thế nhưng nếu chụp bức xạ quá mức, không ai bật đèn đỏ cả”. Trong khi đó, giải pháp cho vấn đề này, một chuyên gia y tế nhấn mạnh, tránh sơ suất là cần thiết nhưng thách thức lớn hơn là giảm thiểu các kiểm tra không cần thiết.

Theo Hải Yến (ANTĐ/Thời báo New York)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm