Nhật Bản:

Kiến nghị dừng tiêm vắcxin ung thư cổ tử cung

Theo phóng viên tại Tokyo, 8 nạn nhân là các nữ sinh trung học từ 14-18 tuổi ở Nhật Bản và các bậc phụ huynh ngày 23/8 đã gửi đề nghị tới Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura yêu cầu đình chỉ vô thời hạn chương trình hỗ trợ tiêm vắcxin ung thư cổ tử cung của chính phủ nước này vì những nghi vấn xung quanh các tác dụng phụ nghiêm trọng của loại thuốc này đối với cơ thể con người.

Hãng tin Kyodo dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Mika Matsufuji cho biết các nữ sinh, bao gồm cả bốn em ngồi trên xe lăn, và các phụ huynh này là thành viên của Hội liên lạc toàn quốc nạn nhân vắcxin ung thư cổ tử cung và phụ huynh (NLACCVVP). Hội trên đã chuyển năm kiến nghị tới Bộ trưởng Tamura yêu cầu loại bỏ chương trình tiêm loại vắcxin ung thư cổ tử cung khỏi danh sách tiêm chủng.

Các kiến nghị khác yêu cầu chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để xác định nguyên nhân gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm như co giật, động kinh, đau đầu nghiêm trọng và thậm chí liệt một phần cơ thể, và tìm ra biện pháp khắc phục triệt để.

Ngày 15/6, Bộ Y tế Nhật Bản đã thông báo với các chính quyền địa phương ngừng việc giới thiệu các bé gái từ 12-16 tuổi tiêm các loại vắcxin Cervarix hoặc Gardasil do nghi ngờ có mối liên hệ giữa các phản ứng phụ mãn tính với những loại vắcxin này.Trước đó, chính quyền địa phương đã ban hành các thông báo khuyến khích các bé gái tiêm vắcxin phòng ngừa ung thư cổ tử cung.

Bác sỹ Sotaro Sato - người đã khám cho nhiều nạn nhân của vắcxin ung thư cổ tử cung cho biết, các biểu hiện co giật, mất khả năng đi lại và các cử động vô thức của bàn tay và các ngón chân là do chứng viêm não và dây cột sống.

Ông cho biết vắcxin ung thư cổ tử cung kèm với các tá dược đặc biệt thường gây ra chứng viêm não và dây cột sống.

Theo bác sỹ Sato, bằng nhiều cách khác nhau, các vắcxin này làm xuất hiện những kháng thể tấn công vào các sợi thần kinh trong não gây ra hội chứng rối loạn huỷ hoại màng myelin. Loại vắcxin này còn gây viêm mạch máu não, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công vào các mạch máu làm xuất huyết não. Bác sỹ Sato hiện đang điều hành một bệnh viện ở thành phố Osaki, tỉnh Miyagi.

Hồi tháng 4/2013, Quốc hội Nhật Bản đã xét lại Luật tiêm chủng dự phòng (PVL) đề nghị tiêm vắcxin miễn phí cho các bé gái từ 14-18 tuổi. Tuy nhiên, một nhóm cố vấn thuộc Bộ này đề nghị dừng việc khuyến khích các thiếu niên tiêm vắcxin sau khi phân tích các trường hợp của những nữ sinh xuất hiện các cơn đau mãn tính tiến triển sau tiêm chủng và kết luận các triệu chứng này dường như là hậu quả của việc tiêm ngừa vắcxin. Bộ Y tế Nhật Bản đã tiếp nhận lời khuyên này.

Năm 2009, Bộ Y tế nước này đã cho lưu hành ở Nhật Bản sản phẩm vắcxin Cervarix do hãng GlaxoSmithKlein của Anh chào bán. Tiếp đó, năm 2011, việc thương mại hoá loại vắcxin Gardasil của hãng Merck Sharp & Dohme, chi nhánh của hãng Merck & Co. của Mỹ, cũng được thông qua.

Bộ này cho biết đã tiếp nhận tổng cộng 1.968 báo cáo về các phản ứng phụ trong số 3,28 triệu bé gái được tiêm vắcxin tính đến ngày 31/3. Tuy nhiên, NLACCVVP cho biết con số trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Ông Toshie Ikeda, dân biểu Hội đồng thành phố Hino kiêm Tổng Thư ký NLACCVVP, cho biết các bác sỹ thường bác bỏ những kiến nghị của các phụ huynh khi thông báo về các phản ứng bất lợi của vắcxin, vốn là yếu tố cần thiết để nhận bồi thường từ chính phủ, hoặc do e ngại về trách nhiệm của họ trước những hậu quả của vắcxin mà họ đã tiêm hay thậm chí là chưa có hiểu biết đầy đủ về các tác dụng phụ nguy hiểm này./.

Theo Hữu Thắng (Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm