Kiểm soát bệnh đái tháo đường

Năm 2012, theo công bố của Hiệp hội Đái tháo đường (ĐTĐ) thế giới - IDF Diabetes Atlas, Việt Nam có 3,16 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Con số này tương tương 5,29% dân số trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 79 tuổi. Dự đoán đến năm 2030, số người bệnh ĐTĐ sẽ tăng lên 3,4 triệu người. Trên thực tế, các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ mắc bệnh này ở mức cao hơn: 1,2% trong năm 1994 và 3,8% vào năm 2001. Những dữ liệu mới nhất (2009) từ TP.HCM chỉ ra rằng tỉ lệ này đã gần 11%.

Người bệnh ĐTĐ típ 2 có thể có ít hay không có triệu chứng. Tuy nhiên, chúng ta có thể để ý một vài dấu hiệu như lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, cảm giác khát nước, có nhu cầu đi tiểu thường xuyên, nhìn mờ, hay đói, bất ngờ sút cân, vết thương khó lành, cảm giác ngứa ran ở tay và chân...

Kiểm soát bệnh đái tháo đường ảnh 1

Chế độ ăn nhiều rau củ, sức khỏe hợp lý rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Ảnh: NGỌC CHÂU

Kiểm soát bệnh ĐTĐ không phải chuyện đơn giản. Khi lượng đường trong máu vẫn còn cao, chúng sẽ tấn công các mô tế bào bằng cách hình thành các sản phẩm có hại. Đồng thời, phá hủy cấu trúc và chức năng của các tế bào, làm tổn thương và giết chết tế bào. Điều này có thể ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Về lâu dài, việc không kiểm soát được nồng độ glucose quá cao trong máu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, bạn hãy cẩn trọng với những biến chứng dưới đây:

Bệnh tim: Bệnh tim, đột quỵ rất có thể xảy ra, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người bị bệnh ĐTĐ. Do vậy, bạn nên duy trì nồng độ đường huyết càng gần với mức bình thường càng tốt; hạn chế ăn những thức ăn có nhiều chất béo bão hòa, chất béo trans và cholesterol; hạn chế sử dụng muối và thức ăn nhiều muối; kiểm tra huyết áp và lipid máu; ngừng hút thuốc; tập thể dục đều đặn, luôn kiểm tra với bác sĩ trước khi bắt đầu một bài tập mới.

Bệnh thận: Khi đường huyết tăng cao, màng lọc các chất từ máu qua nước tiểu sẽ dày lên, các mạch máu nhỏ ở thận tăng tính thấm làm xuất hiện đạm trong nước tiểu. Khoảng 45% người ĐTĐ có biến chứng suy thận.

Các vấn đề về mắt: Bệnh ĐTĐ có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ bên trong võng mạc, có thể làm tăng nguy cơ tăng nhãn áp. Khoảng 50% người mắc bệnh lý võng mạc ĐTĐ sẽ có nguy cơ mù hẳn.

Cắt cụt chân: Người bệnh ĐTĐ thường có vấn đề về bàn chân với dấu hiệu như đau tê, sưng bàn chân hay cẳng chân; khó lành vết thương; đổi màu da; nứt, bầm hay bất kỳ chấn thương bàn chân nào khác. Để chăm sóc bàn chân tốt, bệnh nhân nên thường xuyên rửa chân sạch sẽ, lau khô, tránh dùng nước quá nóng, sử dụng kem giữ ẩm bên ngoài chân để ngăn ngừa khô da. Tuy nhiên, bạn chú ý là không bôi kem giữa các ngón chân. Ngoài ra, đi giày vớ sao cho vừa vặn thoải mái, không đi chân trần, không đi dép kẹp. Hằng ngày phải kiểm tra chân để tìm các vết đứt, thâm tím hay vết phồng. Nếu chân bị thương, hãy gọi ngay cho bác sĩ.

Bệnh lý hệ thần kinh: Khoảng 60%-70% người bị bệnh ĐTĐ có biến chứng trên hệ thần kinh từ nhẹ đến nặng dẫn đến mất cảm giác. Dấu hiệu tổn thương thần kinh bao gồm chóng mặt khi đứng và tê hoặc ngứa ran chân tay.

Nhiễm trùng nướu và răng: Đường có trong nước bọt cao có thể là nguyên nhân gây sâu răng và bệnh lý về nướu. Sau một thời gian nồng độ đường huyết cao sẽ là nguyên nhân làm răng và nướu bị nhiễm trùng. Do vậy, bạn hãy chú ý chải răng sạch sẽ, làm vệ sinh răng và lưỡi sau mỗi bữa ăn; gặp nha sĩ khám răng ít nhất sáu tháng một lần.

Một điều quan trọng bạn cần chú ý, theo PGS-TS-BS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam: Ngoài thuốc, người bệnh ĐTĐ nên tập trung vào chế độ ăn uống dinh dưỡng, luyện tập thể lực hợp lý. Điều này chiếm tới 50% mức độ thành công trong việc điều trị bệnh. Do vậy, việc trao đổi với bác sĩ là rất cần thiết, tùy theo thể trạng cụ thể mà bạn sẽ được tư vấn thực đơn hằng ngày đủ dinh dưỡng và chế độ luyện tập phù hợp.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm