Hồi hộp với… chích ngừa!

Hồi hộp với… chích ngừa! ảnh 1
Khám sàng lọc cho trẻ trước khi chích ngừa ở trạm y tế phường 9, quận 10.

Hỏi một nhân viên của trạm, được biết trước đây chương trình tiêm chủng mở rộng có Quinvaxem (vắcxin 5 trong 1) miễn phí, nhưng từ khi xảy ra hàng loạt sự cố sau chích ngừa, từ tháng 5 đến nay vắcxin này vẫn chưa được dùng lại, dù cuối tháng 7 Chính phủ đã cho phép tiếp tục sử dụng Quinvaxem trong dự án tiêm chủng mở rộng. Không chỉ không có Quinvaxem, tháng này chương trình cũng không có vắcxin sởi. Người dân nào có khả năng, có thể cho trẻ chích vắcxin dịch vụ thay thế, nhưng một mũi 600.000 – 700.000 đồng, thời buổi khó khăn, không mấy người làm được.

Sau hàng loạt sự cố cho trẻ em sau chích ngừa, tháng 8 vừa qua bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng. Trên cơ sở này, từ tháng 9 – 12.2013 sở Y tế TP.HCM sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện các điểm tiêm chủng trên địa bàn. Điều này nhằm nâng chất lượng công tác chích ngừa, và có lẽ cũng nhằm chuẩn bị cho việc dùng lại vắcxin Quinvaxem.



Dân lo lắng

BS Trần Quang Minh, phó giám đốc trung tâm y tế dự phòng Tân Bình, cho biết vài tháng qua lượng trẻ chích ngừa ở quận này giảm đến một nửa. Ông nói: “Có thể người dân biết chưa có Quinvaxem nên không mang trẻ ra, nhưng cũng có thể trước những thông tin dồn dập về tai biến sau chích vắcxin, người dân không dám cho trẻ chích”.

Còn theo một nữ nhân viên y tế cơ sở, giờ đây việc vận động trẻ ra chích ngừa gặp rất nhiều khó khăn. Chị kể: “Tôi gặp ít nhất mười người dân nói thẳng sẽ không còn cho trẻ chích ngừa nữa. Thậm chí, có bé chích hai mũi dịch vụ, mỗi mũi gần 700.000 đồng, nhưng người thân nhất định không cho trẻ chích tiếp mũi thứ ba. Họ nói: Gia đình chỉ có một đứa con, chích có tai biến thì chúng tôi biết làm gì?”

Lo lắng, sợ hãi tiêm chủng là tâm lý có thật, nhưng điều quan trọng nhất là chưa thấy ngành chức năng hành động gì trong truyền thông để trấn an, phục hồi lại niềm tin của người dân. “Dường như cấp trên khoán hết công việc cho cơ sở, để chúng tôi tự bơi. Người dân ngày càng coi thường người làm y tế dự phòng, chúng tôi kêu đưa bé đi chích ngừa, thậm chí họ còn chửi lại”, một cán bộ y tế phường nói.

Được biết, lẽ ra vào tháng 9 này Quinvaxem sẽ được sử dụng lại, nhưng giờ chót điều này bị huỷ.

Địa bàn nào xử trí kịp, kêu người dân không đưa bé ra chích thì không sao; địa bàn nào làm không kịp, dân lỡ bồng trẻ ra chích, không có thuốc quay về, phụ huynh phản ứng mạnh với nhân viên y tế.

Tranh cãi về quy định

Theo quy định của bộ Y tế, kể từ nay mỗi buổi chích ngừa tại các điểm tiêm chủng chỉ được ở mức 50 trẻ, chứ không được chích 100 – 200 trẻ như trước đây. Điều này nhằm bảo đảm việc tư vấn cho phụ huynh, khám sàng lọc trẻ kỹ lưỡng trước khi quyết định cho trẻ chích.

Tại buổi giao ban y tế quận huyện TP.HCM hồi giữa tuần qua, nhiều ý kiến tranh cãi về quy định này. BS Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nói: “Liệu một buổi có 51 trẻ chích thì điểm tiêm chủng đó có bị xem là vi phạm quy định hay không? Tôi đã hỏi bộ, nhưng bộ không trả lời được”. Thật ra theo một người quản lý y tế dự phòng của quận Tân Phú, việc chích 50 trẻ/buổi là quá lãng phí vì cơ sở vật chất y tế của quận này rộng rãi và nhân viên y tế đầy đủ. “Với số lượng đó, chích từ 7 – 9 giờ sáng là xong. Những trẻ khác phải chuyển qua ngày hôm sau, gây lãng phí thời gian, công sức cho nhân viên y tế lẫn người dân”.

Thế nhưng, quy định là quy định, vì thế với địa bàn dân cư đông, trạm y tế phải chia nhỏ số trẻ và triển khai vài buổi tiêm trong tháng. Có ý kiến, nếu làm như thế, việc vận chuyển vắcxin từ quận xuống trạm y tế sẽ phức tạp, nên chăng là trang bị tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vắcxin cho mỗi trạm y tế, tiến tới việc người dân muốn chích ngày nào cũng được. Theo sở Y tế TP.HCM, ý tưởng này đáng tham khảo, nhưng vấn đề là không đủ kinh phí, chưa kể nguồn điện của trạm y tế không bảo đảm liên tục để giữ chất lượng vắcxin.

Chích trễ Quinvaxem, không sao!

Trước lo lắng của nhiều bậc phụ huynh liệu việc chậm trễ chích Quinvaxem trong nhiều tháng trời có ảnh hưởng gì đến việc sinh miễn dịch phòng bệnh của trẻ đã chích hay không, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, khẳng định chích vắcxin sớm hơn thời điểm quy định thì không có tác dụng, nhưng nếu trễ vài tháng sẽ không sao. Ông nói: “Nếu chích lại, cứ theo lịch trình mà chích tới, không cần phải chích bù”.


Theo Phan Sơn (SGTT.VN )

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm