Heo bình thường vẫn có liên cầu khuẩn

Heo bình thường vẫn có liên cầu khuẩn ảnh 1

Theo nhân viên thú y, một con heo khoẻ mạnh vẫn có vi trùng liên cầu khuẩn. Ảnh: Phan Quang

Theo bác sĩ Võ Minh Quang, phó phòng kế hoạch – tổng hợp bệnh viện Bệnh nhiệt đới, để xác định được vi trùng liên cầu khuẩn heo phải có bộ kit định danh. Hiện nay giá của bộ kit này khá cao, cả nước chỉ có ba bệnh viện đầu tư. “Nếu bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn heo nhưng không phát hiện kịp thời sẽ gây viêm màng não mủ, dẫn đến hôn mê và nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Quang cho biết.

Điều đáng nói là vi trùng liên cầu khuẩn heo lại thường trú trong cả những con heo đã được kiểm dịch. Theo một cuộc khảo sát mới đây của bệnh viện Bệnh nhiệt đới, có gần 50% heo được coi là sạch được giết mổ tại các lò mổ trên địa bàn thành phố có vi trùng liên cầu khuẩn heo trú ở đường hô hấp, đường sinh dục và đường tiêu hoá. Trong đó, có khoảng 10% vi khuẩn liên cầu khuẩn heo týp 2, loại vi khuẩn có mặt nhiều nhất trong những bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn heo. Cũng theo khảo sát này, thì chỉ có 30% số người mắc bệnh liên cầu khuẩn heo có làm việc trong môi trường liên quan đến heo. Điều này, theo bác sĩ Hồ Đăng Trung Nghĩa, khoa Việt – Anh, bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trong hai đường (vết đứt và tiêu hoá) lây bệnh từ heo sang người, thì mức độ lây qua đường tiêu hoá là chủ yếu. Bởi vi trùng liên cầu khuẩn heo thường trú trong đường hô hấp, đường tiêu hoá và đường sinh dục nên những thức ăn như: lòng, dồi trường, tiết canh… luôn có vi trùng này. Trong khi đó, nhiều người sử dụng thức ăn này thường không được nấu chín, thậm chí có nơi còn ăn sống, nên việc lây bệnh là điều khó tránh khỏi.

Ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM cho biết, một con heo bình thường, khoẻ mạnh vẫn có vi trùng liên cầu khuẩn heo, vi trùng này chỉ thường trú ở một số bộ phận trên cơ thể, không hề gây bệnh tật. Heo như vậy không thể nói là heo bệnh, nên thú y phải cấp giấy kiểm dịch để giết mổ. Chỉ khi nào số lượng vi trùng trên tăng cao, heo mới phát bệnh như: viêm màng não, viêm phổi… Do đó, theo ông Thảo, cách tốt nhất hiện nay là người dân khi sử dụng thịt heo, nhất là những bộ phận có vi trùng liên cầu khuẩn heo thường trú, cần phải nấu sôi, ăn chín, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

“Mặc dù vậy, không phải lúc nào người sử dụng sản phẩm heo có vi trùng liên cầu khuẩn heo đều mắc bệnh mà phụ thuộc vào số lượng vi trùng, cơ địa của mỗi người. Do đó, muốn lây bệnh phải đủ ngưỡng, hoặc người sử dụng có cơ địa yếu”, ông Thảo trấn an.

TP.HCM: chín ca tử vong do bệnh tay chân miệng

Ngày 12.5, trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, chỉ trong hơn tuần qua đã có ba ca tử vong do bệnh tay – chân – miệng, nâng số tử vong từ đầu năm đến nay lên chín ca. Được biết, chỉ trong tháng 4.2011, thành phồ ghi nhận 595 trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 92% so với tháng 3 và tăng 97% so với cùng kỳ năm 2010. Trẻ mắc bệnh tập trung nhiều ở quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, trong ngày 9.5, có tới hơn 100 trẻ đang được điều trị bệnh này. Hầu hết các bé rơi vào độ tuổi từ ba tháng đến bốn tuổi. Và chỉ trong ngày 10.5, đã có thêm 50 trẻ nhập viện.

Theo ông Lê Trường Giang, phó giám đốc sở Y tế, hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh ở quận huyện chưa cao, nhân viên y tế thiếu cảnh giác để mầm bệnh lây lan. Người dân chưa có nhiều thông tin nhiều về bệnh tay chân miệng.

Đây là bệnh dễ lây qua đường hô hấp và tiêu hoá. Trẻ lây nhiễm với nhau qua các dịch tiết mũi, miệng, phân hay bọt nước. Khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh như nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh bắn ra trong lúc ho, hắt hơi, cầm đồ chơi... của trẻ mắc bệnh, bệnh sẽ nhanh chóng lây lan. Biểu hiện của bệnh tay chân miệng là trẻ nổi các bóng nước có kích thước từ 2 – 10mm, màu xám, hình ôvan, thường xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng.

Hoàng Nhung

Theo Hồ Quang (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm