Giãn tĩnh mạch thừng tinh: đừng quá lo!

Giãn tĩnh mạch thừng tinh: đừng quá lo! ảnh 1

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?

Đây là tình trạng giãn to, dài ra và ngoằn ngoèo bất thường các tĩnh mạch nằm trong mạng tĩnh mạch thừng tinh phía trên tinh hoàn. Trên 80% trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra ở bên trái. Giãn tĩnh mạch thừng tinh chiếm 8 – 16% nam giới và khoảng 20 – 40% ở bệnh nhân nam vô sinh.

Mặc dù được xem là thương tổn bẩm sinh, giãn tĩnh mạch thừng tinh hiếm khi được chẩn đoán trước tuổi đi học. Tần suất và mức độ trầm trọng thay đổi tuỳ độ tuổi, phương pháp chẩn đoán và giai đoạn.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra do máu của các tĩnh mạch này chảy ngược về chỗ thấp (thay vì về tim), nguyên nhân thường do các van bên trong tĩnh mạch bị hư hoặc do các tĩnh mạch tinh bị chèn ép bởi các tác nhân khác trên đường đi.

Triệu chứng: hầu như không

Hầu hết giãn tĩnh mạch thừng tinh không có triệu chứng. Thỉnh thoảng, có thể đau nhẹ hay có cảm giác nặng ở vùng bìu. Đau có thể nhiều hơn vào chiều tối, sau khi đứng lâu, ngồi nhiều hay làm việc nặng. Nếu tĩnh mạch thừng tinh giãn lớn, bạn có thể thấy khối phồng ở góc trên bìu do tĩnh mạch giãn to nổi ngay dưới da.

Mặc dù hiện nay có nhiều chương trình tầm soát cộng đồng ở một số quốc gia phát triển nhưng phần lớn giãn tĩnh mạch thừng tinh ở trẻ em và thanh niên chỉ được phát hiện tình cờ hay hiếm hơn do bệnh nhân than phiền về những khó chịu ở bìu hay sưng bìu. Đau chỉ ghi nhận khoảng 2 – 11%. Trong vài trường hợp hiếm, giãn tĩnh mạch thừng tinh được chẩn đoán sau khi tĩnh mạch vỡ do chấn thương thể thao hay do các chấn thương khác. 15 – 20% bé trai bị tinh hoàn nhỏ kèm theo với giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Gây vô sinh: còn tranh luận

Giãn tĩnh mạch thừng tinh gây vô sinh như thế nào, cho đến nay vẫn chưa rõ. Có nhiều giả thuyết như: tăng nhiệt độ ở bìu (cao hơn bình thường 0,6 – 0,8oC), trào ngược các chất chuyển hoá từ thượng thận – thận vào tĩnh mạch tinh, ứ đọng máu tĩnh mạch... Trong đó, giả thuyết tăng nhiệt độ ở bìu được chấp nhận nhiều nhất, vì giãn tĩnh mạch thừng tinh làm cho máu ứ ở tinh hoàn nhiều hơn, nên nhiệt độ trong bìu sẽ cao hơn, ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng, làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho rằng giãn tĩnh mạch thừng tinh không gây vô sinh vì trên thực tế, nhiều đàn ông trung niên bị giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 3 (*) từ nhỏ vẫn có nhiều con. Theo các nghiên cứu, 85% đàn ông trưởng thành bị giãn tĩnh mạch thừng tinh không liên quan đến vấn đề vô sinh. Vấn đề này vẫn còn đang tiếp tục được tranh luận bởi các nhà khoa học. Do đó, bạn không nên lo lắng thái quá khi bị giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Thuốc không khỏi, mổ chưa chắc hết

Giãn tĩnh mạch thừng tinh được chẩn đoán khi khám bởi bác sĩ chuyên khoa. Siêu âm có thể giúp thêm cho chẩn đoán xác định. Không phải bệnh nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh nào cũng cần phẫu thuật mà chủ yếu là theo dõi. Nếu bạn không đau hoặc không có trở ngại trong vấn đề sinh sản, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên theo dõi tiếp. Trong quá trình theo dõi, nếu tĩnh mạch không giãn lớn, không làm bạn khó chịu và không trở ngại trong việc sinh sản, bạn không cần điều trị gì thêm. Điều trị nội khoa bằng thuốc không hiệu quả đối với giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Nếu bạn đau, nếu tĩnh mạch thừng tinh bị giãn to ngoằn ngoèo mất thẩm mỹ, tinh hoàn teo nhỏ (nhất là ở bé trai) hoặc nếu bạn có bất thường trong tinh dịch đồ, bạn và vợ bạn có trở ngại trong vấn đề sinh sản, bác sĩ sẽ khuyên bạn mổ hoặc làm những thủ thuật khác để điều trị. Đối với triệu chứng đau, cần phải nói rõ đây là chỉ định rất hiếm để phẫu thuật, theo các tài liệu nước ngoài chỉ khoảng 2 – 10% các trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh gây đau. Và sau mổ, chỉ khoảng 68 – 88% bệnh nhân hết đau vì đau ở bìu có rất nhiều nguyên nhân, không hẳn là do giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Không phải ngẫu nhiên mà hai tác giả David Wise và Rodney Anderson đã viết quyển sách A headache in the Pelvis, tạm dịch (theo kiểu chơi chữ của tác giả) là “những vấn đề hóc búa ở vùng chậu” để nói về các chứng đau mạn tính không rõ nguyên nhân ở vùng chậu của nam giới và cả nữ giới như: đau bụng dưới, đau bìu – dương vật, đau âm đạo, đau đáy chậu, đau hậu môn, đau có thể liên quan hoặc không với tiểu tiện, đại tiện và hoạt động tình dục. Hai tác giả đã đưa ra quan điểm mới trong chẩn đoán và điều trị các chứng đau mạn tính nói trên. Do đó, cần cân nhắc khi phẫu thuật nếu chỉ bị đau bìu.

Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh bằng cách thắt hoặc làm tắc các tĩnh mạch giãn. Có nhiều phương pháp điều trị như: phẫu thuật thông thường, phẫu thuật vi phẫu, phẫu thuật nội soi ổ bụng, làm tắc mạch bằng bóng hay vòng xoắn... Hiện nay, phương pháp phẫu thuật vi phẫu (mổ bằng kính hiển vi) được xem là tiêu chuẩn vàng vì hiệu quả cao, ít biến chứng. Sau phẫu thuật, khoảng 60 – 80% bệnh nhân có số lượng và chất lượng tinh trùng cải thiện đáng kể.

Lưu ý, phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh ở thanh niên nên cân nhắc vì 85% đàn ông trưởng thành bị giãn tĩnh mạch thừng tinh không liên quan đến vấn đề vô sinh.

Theo TS.BS TỪ THÀNH TRÍ DŨNG (SGTT)

(*) Độ 1: chỉ sờ thấy khi làm nghiệm pháp gắng sức. Độ 2: không nhìn thấy nhưng sờ thấy các búi tĩnh mạch giãn. Độ 3: nhìn rõ tĩnh mạch nổi to ngoằn ngoèo dưới da bìu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm