Dinh dưỡng cho người đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính suốt đời và gây nhiều biến chứng nguy hiểm theo thời gian mắc bệnh nên vấn đề điều trị phải xác định là lâu dài. Trong điều trị, ngoài việc dùng thuốc, thực hiện tập luyện tích cực thì chế độ dinh dưỡng luôn được xem như một nhu cầu thiết yếu góp phần quyết định điều trị thành công hay thất bại.

Hạn chế tối đa lượng glucide

Tất cả bệnh nhân đái tháo đường đều phải tuân thủ chế độ ăn giảm glucide (chất bột đường) vì thức ăn có glucide làm tăng đường huyết sau ăn có thể gây các hậu quả nguy hiểm như hôn mê, cơn cao huyết áp, đột quỵ… Các chất béo bão hòa như dầu dừa, mỡ động vật dễ gây xơ mỡ động mạch nên không dùng, chỉ nên ăn các chất béo nhiều nối đôi như dầu phộng, dầu thực vật. Người bệnh đái tháo đường nên thuộc nằm lòng hai nguyên tắc sau:

1. Nhu cầu năng lượng tùy mức lao động:

LOẠI LAO ĐỘNG

NAM

NỮ

Nhẹ

30 kcalo/kg/ngày

25 kcalo/kg/ngày

Vừa

35 kcalo/kg/ngày

30 kcalo/kg/ngày

Nặng

45 kcalo/kg/ngày

40 kcalo/kg/ngày

2. Các loại thức ăn cần được cân đối theo tỉ lệ:

Protein: Gồm thịt, trứng, cá, đậu hũ… chiếm 15%-20%.

Dinh dưỡng cho người đái tháo đường ảnh 1

Giảm trọng lượng cơ thể là cách đơn giản nhất để đưa bạn ra khỏi vòng nguy hiểm của căn bệnh đái tháo đường.

Một người đái tháo đường bình thường cần ăn 40 g protein mỗi ngày. Đối với người bệnh đái tháo đường đang mang thai thì cần tăng lượng protein lên 240 g/ngày. Người đái tháo đường đang trong giai đoạn phẫu thuật cần ăn từ 80 đến 160 g/ngày. Vận động viên mắc bệnh đái tháo đường thì lượng protein cần hằng ngày là 1,5 g/kg/ngày.

Lipide (chất béo): Gồm dầu thực vật, mỡ động vật cần 30%. Nên chọn các acid béo đơn như dầu thực vật, mỡ cá dễ hấp thu hơn.

Glucide (bột đường): Gồm các loại ngũ cốc, trái cây, các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc như bún, bánh phở, mì sợi, bột… cần 50%-55%.

Muối ăn: Thực đơn hằng ngày, ngoài ba thực phẩm chính như trên, cần thêm 4-6 g muối ăn, tương đương một muỗng cà phê muối. Người cao huyết áp chỉ dùng 3 g muối/ngày.

Chất xơ: Gồm rau xanh, trái cây... có tác dụng chống táo bón, giảm tăng đường huyết, cholesterol, triglyceride sau bữa ăn. Mỗi ngày cần ăn 200-300 g chất xơ.

Linh hoạt món ăn, chia nhỏ bữa ăn

Bệnh nhân đái tháo đường nên thay đổi món ăn trong thực đơn hằng ngày để tránh sự nhàm chán, nên kiêng thức ăn có lượng đường hấp thu nhanh như mứt, bánh ngọt, nước ngọt, trái cây khô. Ăn vừa phải các loại thực phẩm có chỉ số đường ở mức vừa phải như cơm và ăn không hạn chế các thực phẩm có chỉ số đường thấp như mì sợi, cơm tấm, sữa không đường, yaourt, rau, táo, cam… Để tạo cho thức ăn có vị ngọt, bệnh nhân có thể dùng các chất tạo ngọt như aspartam có độ ngọt gấp 300 lần hơn sucrose. Các chất tạo ngọt này giữ độ ngọt cho thực phẩm nhưng không làm tăng đường huyết sau ăn.

Mặt khác, việc phân phối bữa ăn rất quan trọng, tốt nhất là chia nhỏ các bữa ăn, chẳng hạn mỗi ngày ăn ba bữa chính kèm 2-3 bữa phụ với mục đích tránh làm tăng đường huyết nhiều sau ăn. Đặc biệt, bệnh nhân đang tiêm insuline dễ có xu hướng hạ đường huyết trong đêm nên ăn các bữa phụ trước khi ngủ. Những người lao động nặng hoặc làm thêm ca nên ăn thêm bữa phụ trước khi làm việc.

Những ngày lễ tết hoặc dự đám tiệc, bệnh nhân vẫn phải duy trì chế độ dinh dưỡng thích hợp, không dùng rượu hay ăn thức ăn quá ngọt, quá mặn, nhiều dầu mỡ… một cách đột ngột sẽ gây tăng đường huyết quá cao hay gây cơn cao huyết áp cấp tính rất nguy hiểm.

Ai dễ mắc bệnh tiểu đường loại 2?

Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao: Trên 45 tuổi; có BMI = 23, vòng eo > 90 cm (nam), > 80 cm (nữ); có người thân (cha, mẹ, anh, chị, em ruột đã mắc bệnh đái tháo đường); có tiền sử sản khoa đặc biệt (thai chết lưu, sẩy thai, đái tháo đường thai nghén, sinh con to từ 4 kg trở lên); tăng huyết áp vô căn ( ≥ 140/90 mmHg); có tiền sử rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết lúc đói; có bệnh mạch vành hoặc đột quỵ; tăng triglyceride (mỡ) máu; chế độ ăn nhiều chất béo; uống nhiều rượu; ngồi nhiều; béo phì hoặc thừa cân.

BS HỒ VĂN CƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm