Địch mạnh vì ta quá yếu!

Mới nghe cứ tưởng Metchnikoff ít nhiều cường điệu khi quả quyết “Cái chết nằm chờ trong bụng” nhưng rồi càng lúc càng phải thán phục nhà điều trị nổi tiếng trong ngành vi sinh không thua Pasteur từ khi người ta hiểu nhiều về lực lượng vi sinh trong khung ruột.

Có ăn có chịu

Trục tiêu hóa, bên cạnh đường hô hấp và lớp da, bao giờ cũng là chiến trường sôi động vì gia chủ khó tránh không ăn! Với tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm thả nổi còn hơn lục bình mùa nước lũ, cộng thêm môi trường ô nhiễm cứ như càng bẩn càng hay, khỏi nói dông dài cũng hiểu không vướng bệnh trên đường tiêu hóa mới là chuyện lạ.

Vấn đề chưa dừng lại ở đó dù đã đủ khổ! Mỗi lần bội nhiễm là một lần sức đề kháng bị xói mòn. Ai thường bị Tào Tháo đuổi, người đó không chỉ thủng hầu bao vì tìm thầy chạy thuốc. Khổ hơn nhiều là sức đề kháng càng lúc càng cạn kiệt để nhiều bệnh khác tìm cách ăn theo.

Đừng quên bổ sung lực lượng vi sinh hằng ngày với sữa chua, men tiêu hóa và chất xơ trong rau quả.

Hệ thống phòng bệnh ngay trong… bụng

Nhiều khi vì có sẵn nên quên dùng! Vì ưa đứng núi này trông núi nọ nên nhiều người quên lửng một hệ thống phòng vệ rất hữu hiệu đang nằm ngay trong… bụng! Đó là không dưới 10 tỉ vi sinh đủ chủng loại lúc nào cũng có mặt trong khung ruột. Chính nhờ số vi sinh này ngày đêm cật lực làm việc không ăn lương mà dưỡng chất trong thực phẩm như sinh tố, khoáng tố, men… được hấp thu và phế phẩm được đào thải một cách cân đối. Thiếu lực lượng vi sinh trong khung ruột thì món ăn sau khi được xay nhuyễn ở dạ dày vẫn vào thế nào ra thế nấy khiến gia chủ mất tiền vì tuy mang tiếng có ăn nhưng như không!

Có qua có lại

Như trong chuyện kiếm hiệp, thành phần vi sinh hữu ích chẳng khác nào đồng đạo của phía danh môn chính phái với nhiệm vụ chống hắc đạo tới cùng. Ngày nào phe ta còn thắng thế thì gia chủ khỏe re. Ngược lại, hễ phe mình thua cuộc thì thầy thuốc có dịp vui mừng.

Nhưng nếu tưởng khung ruột chỉ dùng để kháng bệnh bội nhiễm thì uổng. Thông qua nhiều công trình nghiên cứu trong hai thập niên gần đây, người ta đã biết từ lâu là nếu thiếu vi sinh hữu ích trong khung ruột thì:

- Sinh tố và khoáng tố trong thực phẩm không được hấp thu với số lượng và tiến độ như mong muốn!

- Phế phẩm có độ cồn gia tăng trong lòng ruột và tác hại trên gan chẳng khác nào uống rượu! Nói cách khác, nhiều người không nhậu mà vẫn viêm gan một cách oan uổng chẳng qua vì lá gan bị ướp rượu từ độc chất trong khung ruột do gia chủ quên nuôi vi sinh.

- Dị ứng dễ xuất hiện do sự hiện diện của các loại hơi độc như indol, cresol, phenol, ammoniac… trong lòng ruột! Không lạ gì nếu nhiều người chữa hoài bệnh ngoài da mà không hết vì thầy thuốc ngành da liễu quên mối tương quan giữa da và ruột.

- Bệnh do nấm mốc ngoài da, trong đường tiết niệu, trên đường tiêu hóa… thừa cơ hội phát tán do không còn lực lượng vi sinh đối kháng!

- Nhiều căn bệnh nghiêm trọng, thậm chí ung thư, có mối liên hệ mật thiết với tình trạng mất quân bình vi sinh trong khung ruột!

Hết tiền vì quên chộ vốn

Dùng thuốc chữa triệu chứng là chuyện đương nhiên nhưng mặt khác đừng quên bổ sung lực lượng vi sinh, thậm chí hằng ngày với sữa chua, với men tiêu hóa bên cạnh chế độ dinh dưỡng dồi dào chất xơ trong rau quả. May cho người muốn phòng bệnh là cả ba món đó đều không đắt tiền nếu tìm được hàng nội có chất lượng.

Đáng tiếc là nhiều người, kể cả không ít thầy thuốc, đang thờ ơ với cơ quan kháng bệnh mang kích thước lớn nhất trong cơ thể. Còn gì hợp tình hơn nếu thêm được bạn nhờ biết cách bớt thù. Còn gì hợp lý hơn nếu hiểu cách triệt tiêu mũi nhọn của đối phương bằng cách tăng cường nội lực. Vỏ quýt nhiều khi quá dày chẳng qua vì móng tay không đủ nhọn. Nhiều khi chỉ vì gia chủ tối ngày lo làm “neo” mà quên dũa móng tay cho bén. Chuyện đời xưa nay vẫn thế nhưng tính lại cho cùng, cũng nhờ có thế mà thầy thuốc có chén cơm!

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG

Dễ thiếu vì mau mòn

Biết vậy nhưng kẹt một nỗi là thành phần vi sinh hữu ích lại rất nhạy cảm, nghĩa là hở một chút thì tiêu! Lực lượng này có thể suy giảm rất nhanh:

- Sau một đợt cảm cúm.

- Sau một lần ngộ độc thực phẩm.

- Vì chế độ dinh dưỡng với quá nhiều chất phụ gia trong thực phẩm công nghệ, quá nhiều chất béo động vật hay quá ngọt.

- Do lạm dụng thuốc kháng sinh vì bệnh nhân không hiểu cách dùng hay do thầy thuốc tuy hiểu nhưng dùng sai.

- Ở người phải sống chung với stress khiến vi sinh trong khung ruột chọn thái độ chết sớm khỏe hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm