Đái tháo đường: Hiểu sao cho đúng?

Đái tháo đường, thường gọi là tiểu đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác dụng trong việc điều hòa đường huyết trong cơ thể, làm cho nồng độ đường trong máu tăng cao.

Các dấu hiệu nhận diện bệnh

Để có thể phát hiện sớm bệnh đái tháo đường cần lưu ý các dấu hiệu sớm của bệnh như sau:

- Khát nước: Người mắc bệnh đái tháo đường uống nước rất nhiều bởi vì khi lượng đường không hấp thu được nó sẽ tích tụ trong máu, từ đó sẽ hút nước từ các mô tế bào về lòng mạch làm cho các tế bào bị thiếu nước khiến người bệnh luôn có cảm giác khát.

- Đi tiểu nhiều: Nhiều cả về số lần và số lượng nước tiểu. Lượng nước tiểu thường 3-4 lít hoặc hơn trong 24 giờ, nước trong, khi khô thường để lại vết bẩn hoặc mảng trắng.

- Ăn nhiều: Do cơ thể không hấp thu được lượng đường để nuôi cơ bắp và các cơ quan nên chúng không đủ năng lượng để hoạt động và gây ra cảm giác đói liên tục.

- Sụt cân: Mặc dù người bệnh ăn nhiều hơn bình thường nhưng vẫn sụt cân vì khi cơ thể không hấp thu được lượng đường để tạo năng lượng hoạt động thì sẽ sử dụng lượng đường và chất béo dự trữ trong các cơ bắp để làm năng lượng cung cấp cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Đái tháo đường: Hiểu sao cho đúng? ảnh 1

Khi đột ngột thèm ăn và ăn rất nhiều mà vẫn bị sụt cân nhanh chóng thì coi chừng bạn đã mắc bệnh đái tháo đường.

Ngoài ra, người mắc bệnh đái tháo đường cũng có thể có những dấu hiệu khác đi kèm như:

- Mệt mỏi: Do cơ thể không hấp thu được đường để làm năng lượng hoạt động nên người bệnh rất mệt mỏi vì thiếu năng lượng.

- Mờ mắt: Khi lượng đường trong máu tăng cao, chất thể dịch từ nhãn cầu bị kéo vào lòng mạch làm giảm thể dịch trong nhãn cầu, ảnh hưởng đến khả năng nhìn rõ của mắt.

- Vết thương lâu lành: Người bệnh đái tháo đường nếu bị vết thương rách da thì rất dễ bị lở loét, nhiễm trùng và các vết thương này rất lâu lành. Bởi vì bệnh đái tháo đường làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, từ đó làm ảnh hưởng đến khả năng lành của vết thương và sự chống lại các loại nhiễm trùng của cơ thể.

Nhận thức đúng về đái tháo đường

Do ít quan tâm và có thể kiến thức được trang bị còn sai sót mà vẫn còn có nhiều hiểu lầm về bệnh đái tháo đường. Khi đó, cần lưu ý một số điểm mấu chốt sau:

- Trong hầu hết người mắc bệnh đái tháo đường, ngoài điều trị bằng thuốc hạ đường huyết còn phải thường xuyên luyện tập thể lực phù hợp với khả năng của từng người, vì việc luyện tập thể dục thể thao có tác dụng giúp cơ thể khỏe mạnh hơn để chống lại bệnh tật.

- Đái tháo đường là bệnh không chừa bất cứ ai. Do đó cả người trẻ tuổi, người lớn tuổi, người béo phì hay người gầy đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau. Nếu người gầy và người trẻ có chế độ ăn uống không hợp lý, ít tập luyện thể lực thì vẫn sẽ làm cơ thể bị rối loạn chuyển hóa và đưa đến bệnh đái tháo đường.

- Nếu trong gia đình đã có người mắc bệnh thì những người còn lại rất có thể có gien di truyền. Cho nên nếu người đó còn béo phì và ít vận động thể lực thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn những người khác.

Các biện pháp phòng ngừa

Để có thể phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, cần thực hiện những biện pháp sau:

- Thường xuyên tham gia các hoạt động thể lực hằng ngày như tập thể dục, chạy bộ, đi bộ, đi xe đạp hay chơi cầu lông

- Duy trì thể hình cân đối bằng cách thường xuyên theo dõi cân nặng để có thể phát hiện sớm tình trạng sụt cân. Nếu sụt cân nhiều thì có nguy cơ bị bệnh đái tháo đường.

- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý theo hướng ít chất bột đường, ít chất đạm, chất béo động vật, nhiều đạm thực vật, nhiều trái cây tươi, rau, củ, ngũ cốc.

- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe như kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra huyết áp, thực hiện các xét nghiệm cần thiết như đo nồng độ cholesterol trong máu, nhất là kiểm tra đường trong máu mỗi năm ít nhất hai lần vì bệnh đái tháo đường chỉ được phát hiện thông qua chỉ số đường trong máu tăng cao.

Thường phát hiện bệnh trễ

Trong cộng đồng đang rất băn khoăn về bệnh đái tháo đường vì hiện tại các dấu hiệu bệnh luôn bị che mờ, không biểu hiện rõ ràng nên rất khó phát hiện. Từ đó làm cho không ít người kém quan tâm về căn bệnh này, đến khi phát hiện được thì bệnh đã vào giai đoạn khó chữa trị. Thêm vào đó, những quan niệm không đúng về bệnh đái tháo đường như ăn nhiều đồ ngọt mới gây ra bệnh đái tháo đường, người gầy không bao giờ mắc bệnh, người bệnh không nên tập thể thao, mắc bệnh đái tháo đường không nên ăn đồ ngọt… càng khiến bệnh trầm trọng hơn. 

BS HỒ VĂN CƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm