Cứu trẻ mắc bệnh nặng, không rõ giới tính

Ngày 9-8, ThS-BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết trong những ngày vừa qua, các bác sĩ của bệnh viện đã phẫu thuật cứu sống hai trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng, hiếm gặp, trong đó có một trẻ không rõ giới tính cần phải thử nhiễm sắc thể.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi sinh non, nặng 2,2 kg, được một ngày tuổi, con đầu lòng của chị NTTO (An Giang) đến BV Nhi đồng 1 vào ngày 29-7. Lúc nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng toàn bộ ruột, bàng quang lộn ra ngoài, kèm thoát vị thành bụng nhưng lúc mang thai không phát hiện ra. Bệnh nhi được chẩn đoán lộ ổ nhớp, thoát vị cuốn rốn bẩm sinh.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật đưa toàn bộ các bộ phận bên ngoài vào bụng, tạo hình thành bụng, bàng quang, đồng thời tạo hậu môn tạm cho bệnh nhi. Theo các bác sĩ, tỉ lệ thành công sau phẫu thuật rất thấp do nhiễm trùng, kèm dị tật tim bẩm sinh, các bệnh về cột sống, khung chậu khó lành… Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định nhưng cần thở máy và dùng kháng sinh ngừa nhiễm trùng.

Cứu trẻ mắc bệnh nặng, không rõ giới tính ảnh 1

Các bác sĩ BV Nhi đồng 1 đang phẫu thuật cứu một bệnh nhi sơ sinh bệnh nặng. (Ảnh do BV cung cấp)

Theo BS Đào Trung Hiếu, hiện quan trọng nhất là phải điều trị cho đường tiêu, tiểu bệnh nhi hoạt động tốt rồi mới làm tiếp các bước khác. Khoảng sau một tháng, bệnh viện sẽ lấy mẫu gửi sang BV Từ Dũ để thử nhiễm sắc thể của bệnh nhi xem là nam hay nữ, đồng thời cũng sẽ siêu âm, CT để xem bệnh nhi có tinh hoàn, buồng trứng hay không bởi khi mổ thì không thấy, chỉ thấy bên ngoài có da giống như bìu. Sau khi thử nhiễm sắc thể khẳng định bệnh nhi là nam hoặc nữ thì các bác sĩ sẽ tạo hình bộ phận sinh dục thuận lợi cho bệnh nhi.

Bệnh nhi thứ hai là nữ, sinh ngày 4-8 tại BV Từ Dũ, nặng 3,1 kg, con của chị NTT (Tây Ninh). Bệnh nhi đã được phát hiện khối bướu lớn ở ngực, nách bên trái, tràn xuống cánh tay, được phát hiện lúc mang thai. Sau khi sinh, bệnh nhi được chuyển sang BV Nhi đồng 1, lúc này kích thước khối u là 10 x 10 cm. Theo BS Nguyễn Tiến Thành, khoa Ngoại tổng hợp, đây là khối u bạch huyết, thường gặp ở vùng cổ, nách, tỉ lệ phẫu thuật thành công khá cao nhưng dễ tái phát. Tuy nhiên, đối với bệnh nhi này, do u mọc ở ngực, lại xuất huyết bên trong nên phải phẫu thuật cắt bỏ ngay nếu không sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, gây tử vong (nếu u nhỏ, không xuất huyết sẽ tiêm thuốc để xẹp xuống).

Hiện sức khỏe bệnh nhi sau phẫu thuật đã ổn định.

Bệnh lý lộ ổ nhớp, bàng quang, ruột lồi ra ngoài đồng thời không xác định được bộ phận sinh dục, không có hậu môn, theo y văn thì tỉ lệ mắc là từ 1/200.000 đến 1/400.000 trẻ sinh ra. Ngoài những ca nhập viện phẫu thuật thì có những ca khi sinh ra đã tử vong. Tại BV Nhi đồng 1, mỗi năm gặp 1-2 ca như vậy.

BS NGUYỄN TIẾN THÀNH

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm