Cúm A/H1N1 bùng phát ở Thạnh Phú, Bến Tre

Ngày 26-2, chúng tôi đến Trường Tiểu học Giao Thạnh, xã Giao Thạnh (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) nơi những ngày qua dịch cúm A/H1N1 bùng phát dữ dội. Thứ Bảy trường đóng cửa, học sinh nghỉ học, chỉ có thầy Võ Văn Cường, Phó Hiệu trưởng, trực ở trường. Ông Cường đeo khẩu trang kín mặt, cho biết: “Trường có 21 lớp với hơn 630 học sinh nhưng bảy lớp đã phải đóng cửa với hơn 200 học sinh nhiễm bệnh, ba giáo viên của trường cũng bị bệnh, trong đó có tôi”.

Dịch đang lan rộng

Ông Cường kể, ngày 15-2, các giáo viên phát hiện vài học sinh có triệu chứng ho, sốt cao, viêm họng nhưng cứ nghĩ đó là do thời tiết đang chuyển từ lạnh sang nắng nóng, học sinh bị cảm là bình thường. Nhưng đến ngày 18-2, hầu hết các lớp đều có học sinh bị cảm cúm, sốt, ho, đến trưa thì tình hình trở nên nghiêm trọng với 68 học sinh bị nặng, phải chuyển sang trạm y tế. “Từ đó đến nay, học sinh bị nhiễm bệnh ngày càng nhiều, cá biệt có lớp cả giáo viên và 1/4 số học sinh đều bị bệnh. Sau đó, đến lượt tôi và một nhân viên tạp vụ cũng nhiễm bệnh, xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1”. Chúng tôi hỏi tại sao phát hiện cúm A/H1N1 lan rộng trong trường nhưng không cho học sinh nghỉ học tạm thời để cách ly, ông Cường cho biết: “Phòng Giáo dục huyện chỉ đạo lớp nào có từ 10 học sinh bị nhiễm bệnh mới cho nghỉ học cả lớp, trường vẫn phải dạy bình thường, nếu phát hiện có học sinh nào tiếp tục bị bệnh thì đưa đến trạm y tế xã khám, lấy thuốc đặc trị rồi cho nghỉ học, ở nhà chữa bệnh”.

Cúm A/H1N1 bùng phát ở Thạnh Phú, Bến Tre ảnh 1

Bác sĩ ở phòng khám lưu động đang khám bệnh cho một người dân ở ấp Giao Hòa B bị sốt, ho, cảm cúm. Ảnh: hùng anh

Bảy mẫu bệnh phẩm dương tính

Tại Trạm Y tế xã Giao Thạnh, y sĩ Lê Văn Thông, Trưởng trạm, cho biết y tế xã hoàn toàn bất ngờ trước việc trong một thời gian ngắn có quá nhiều người bị các triệu chứng của cúm A/H1N1 đến khám. “Khi dịch bệnh bùng phát chúng tôi đã thông báo với các cơ quan hữu trách của huyện, tỉnh. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Viện Pasteur TP.HCM đã đến hiện trường khảo sát, lấy hàng chục mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và kết luận ổ dịch cúm A/H1N1 đang tồn tại ở Giao Thạnh, bởi đã phát hiện bảy ca dương tính với virus này”. Trong ngày 25-2, toàn xã có thêm 15 ca sốt trên 38 độ C với các triệu chứng nhiễm cúm A/H1N1 đến khám tại trạm y tế xã và Viện Pasteur tiếp tục lấy 50 mẫu bệnh phẩm về xét nghiệm, trong đó có hai mẫu bệnh phẩm của người dân trong xã, còn lại là bệnh phẩm của giáo viên, học sinh các trường trong xã nghi bị nhiễm bệnh. Cũng theo ông Thông, hiện nay ở trường THPT của xã đã có một học sinh bị nhiễm cúm A/H1N1 nhưng đã được cách ly tại nhà. Dược sĩ Nguyễn Văn Diễu, phụ trách chương trình phòng chống dịch của Trung tâm Y tế huyện Thạnh Phú, cho biết hiện nay ngành y tế đang đau đầu vì điều tra dịch tễ nhiều lần vẫn không xác định được nguyên nhân gây bệnh dịch vì người bệnh cho biết không đi đâu ra khỏi địa bàn xã để mang mầm bệnh về lây lan cho cộng đồng, trong xã cũng chưa xuất hiện dịch cúm trên đàn gia cầm. Trong khi đó, ông Thông cho biết năm 2009, địa bàn Giao Thạnh có dịch cúm gia cầm và xuất hiện hai đợt nhiễm cúm A/H1N1 trên người với 52 bệnh nhân (ba ca dương tính) nhưng khả năng mầm bệnh còn tồn lưu tới nay hầu như không thể có.

Nguy cơ dịch lan rộng

Hiện nay, Bến Tre chỉ mới thông báo xác nhận ổ dịch cúm A/H1N1 trên người tại Giao Thạnh, chưa công bố dịch. Ông Thông cho biết ngành y tế chỉ đạo cho người bệnh điều trị tại nhà, cung cấp thuốc miễn phí và hướng dẫn gia đình phương pháp cách ly người bệnh với cộng đồng. Trung tâm Y tế huyện Thạnh Phú đã cung cấp cho Trạm Y tế xã Giao Thạnh 1.100 viên thuốc đặc trị Tamiflu và khẩu trang y tế, thuốc sát khuẩn Cloramin B. Trạm đã sử dụng 550 viên Tamiflu điều trị cho 60 ca bệnh nặng và phun thuốc sát trùng hai đợt cho tất cả trường học trong xã. Trung tâm Y tế huyện cũng thiết lập một phòng khám lưu động tại hội trường UBND xã để giảm tải cho trạm y tế. Sáng 26-2, ở chợ Cồn Hưu trung tâm xã Giao Thạnh, cách trường tiểu học nơi phát sinh ổ dịch cúm A/H1N1 chưa đầy 300 m, các tiểu thương vẫn mua bán gia cầm sống và trứng gia cầm như không có chuyện gì xảy ra. “Người dân đang rất chủ quan với dịch cúm A/H1N1, dịch bệnh ầm ầm mà tất cả đều điềm nhiên như không có gì xảy ra” - ông Thông nói.

Nếu không kiểm soát được, nguy cơ phát tán rất cao

“Hiện nay chúng tôi chỉ có thể cách ly người bệnh, người nghi nhiễm bệnh tại nhà, tuyên truyền về nguy cơ bị nhiễm bệnh qua các tờ rơi, phương tiện thông tin của xã và các cuộc họp tổ dân phố. Học sinh thì các em đã có ý thức về dịch bệnh nên khả năng cách ly tại nhà cao. Riêng các trường hợp người dân bị nhiễm bệnh, không thể kiểm soát được việc họ có tuân thủ các quy định của ngành y tế hay không. Nếu họ vẫn tiếp tục sinh hoạt, giao tiếp với cộng đồng trong thời gian điều trị bệnh thì việc phát tán mầm bệnh là điều không thể tránh khỏi.”

Dược sĩ NGUYỄN VĂN DIỄU, phụ trách chương trình phòng chống dịch của Trung tâm Y tế huyện Thạnh Phú

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm