Chuyện hi hữu ở BV Bình Thuận: Quên gạc trong đầu bệnh nhân

BV Đa khoa Bình Thuận đang tiến hành làm rõ cái chết của bệnh nhân Nguyễn Văn Đông vì có nhiều dấu hiệu bất thường.

“Vật lạ” trong đầu

Người nhà của bệnh nhân Nguyễn Văn Đông, 49 tuổi, ngụ Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết ông được đưa vào cấp cứu tại BV Bình Thuận ngày 20-9 trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người do cao huyết áp, xuất huyết não. Sau khi được hồi sức tích cực, chụp CT scaner sọ não, bệnh nhân được đưa vào mổ cấp cứu. Kíp mổ do BS Lê Văn Anh, Phó khoa Ngoại-Thần kinh, làm trưởng kíp.

Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân được đưa ra phòng hồi sức. Tuy nhiên, 15 phút sau vết mổ chảy máu nhiều nên BS Anh quyết định đưa nạn nhân vào mổ lần 2. Trong lúc phẫu thuật, phẫu thuật viên đã liên tục nhét gạc để cầm máu.

Chuyện hi hữu ở BV Bình Thuận: Quên gạc trong đầu bệnh nhân ảnh 1

Sau khi đóng vết mổ, bệnh nhân Đông được đưa ra phòng hồi sức. Kiểm tra sau giải phẫu vết mổ bị căng phồng, phù não, xuất huyết não bán cầu phải, xuất huyết não thất. Đặc biệt qua chụp CT scaner sọ não lần 2 còn phát hiện có hai “vật lạ” (hai miếng gạc) nằm trong hộp sọ. Ngay sau đó bệnh nhân được đưa đi giải phẫu lần 3 để khắc phục sự cố này. Lần này vết mổ được mổ rộng hơn, cầm máu lần nữa và tiếp tục đưa bệnh nhân ra phòng hồi sức.

Tuy nhiên, sau ba lần mổ trong vòng 24 giờ đồng hồ, bệnh nhân tiếp tục tăng huyết áp, xuất huyết não. Mặc dù đã được truyền nhiều đơn vị máu, thở máy, truyền dịch chống phù não nhưng đến chiều 22-9, bệnh nhân Nguyễn Văn Đông đã chết. Sau đó, gia đình nhận xác đưa về mai táng mà không hề hay biết về sự cố quên gạc mà người thân mình đã gánh chịu.

Sót gạc do quên đếm gạc và cắt dây cản quang?

Chiều 25-11, bà Nguyễn Thị Minh, vợ bệnh nhân Nguyễn Văn Đông, cho biết gia đình vừa làm lễ cúng 49 ngày cho chồng và không hề biết sự cố quên gạc nói trên. Theo bà Minh, khi các bác sĩ yêu cầu bà ký tên để giải phẫu cho chồng thì bà ký vì “chuyện sống chết là do các bác sĩ quyết định”.

Một bác sĩ có kinh nghiệm chuyên khoa ngoại thần kinh cho rằng khi bệnh nhân đột quỵ, hôn mê sâu thì không nên chỉ định phẫu thuật mà cần phải điều trị nội khoa tích cực. Về trường hợp bỏ quên gạc trong đầu nạn nhân, vị bác sĩ này cho rằng ngoài việc phải đếm gạc mổ trước và sau phẫu thuật theo quy trình, các miếng gạc đều có dây cản quang nên rất khó có thể bỏ quên. Được biết mỗi miếng gạc dùng trong mổ sọ não có diện tích 2x8 cm, ngoài ra còn có sợi cản quang dài 10 cm để dễ phát hiện và sau khi mổ xong dễ dàng lấy gạc ra mà không cần can thiệp sâu vào vết thương vừa giải phẫu.

Một nguồn tin cho biết ê kíp mổ sọ não cho bệnh nhân Nguyễn Văn Đông đã dùng kéo… cắt hết dây cản quang của số gạc dùng để mổ. Nhiều khả năng do cách làm sai quy trình này đã dẫn đến sự việc hi hữu bỏ quên gạc và bệnh nhân đã phải chịu giải phẫu đến lần 3 để lấy hai miếng gạc còn sót ra.

Nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhân Nguyễn Văn Đông được kíp mổ nhận định do bệnh nặng kèm bệnh lý. Tuy nhiên, tác động của việc sót gạc và mổ lấy gạc đối với diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân vẫn chưa được làm rõ.

Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin về vụ việc này.

NGUYỄN PHÚ NHUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm