Chính thức đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt

Hơn 10 năm tồn tại, lò mổ này luôn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, sau rất nhiều năm lui đi, hoãn lại, đến thời điểm này, lò mổ Thịnh Liệt mới có cơ hội được "nghỉ hưu". Mặc dù TP đã có cơ chế hỗ trợ các hộ kinh doanh giết mổ, để di chuyển đến lò mổ mới, nhưng hầu hết các hộ đều không muốn di chuyển.

Sáng 30/11, có mặt tại lò mổ Thịnh Liệt trong ngày cuối cùng trước khi địa chỉ này chính thức đóng cửa, chúng tôi nhận thấy, mọi hoạt động giết mổ, kinh doanh buôn bán vẫn diễn ra bình thường. Theo quy định, trước 17h ngày 30/11, các hộ kinh doanh sẽ phải di chuyển toàn bộ số lợn đang nhốt trong chuồng, hoàn thành việc di chuyển sang địa chỉ mới. Tuy nhiên, vào buổi sáng, các xe ôtô tải chở lợn sống vẫn tấp nập ra vào lò mổ. Hàng trăm lượt xe máy vẫn cồng kềnh chở lợn ngất ngưởng từ trong sân lao ra, túa về các chợ nội thành.

Theo lộ trình mà UBND TP Hà Nội đề ra, từ ngày 6/11 đến 30/11, 26 hộ đang kinh doanh ở lò Thịnh Liệt được hướng dẫn, sắp xếp đến cơ sở giết mổ Minh Hiền tại Cụm công nghiệp Bích Hòa (huyện Thanh Oai). Tuy nhiên, khi được hỏi, hầu hết các chủ hộ đều không muốn chuyển về lò mổ mới.

Bà Phạm Thị Hải Yến, chủ lò mổ số 6 cho biết, diện tích sử dụng tại khu giết mổ thủ công tập trung của cơ sở Minh Hiền bé hơn ở lò mổ Thịnh Liệt rất nhiều, không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của bà, cũng như các hộ khác.

Hộ giết mổ Quốc Khanh tâm sự, địa điểm xây dựng lò giết mổ mới quá xa, cách trung tâm TP khoảng 25km. "Vừa ngược đường, bất lợi cho công việc giết mổ, vận chuyển lợn đến các chợ. Trong khi nguồn thịt của chúng tôi chủ yếu cung cấp quanh khu vực chợ Giảng Võ, Thành Công... Nếu đến địa điểm mới, chi phí vận chuyển sẽ tăng cao. Chưa kể, nơi giết mổ mới tiền thuê mặt bằng quá cao", anh Khanh bức xúc.

Chính thức đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt ảnh 1

Hoạt động giết mổ tại lò mổ Thịnh Liệt vẫn nhộn nhịp trước giờ đóng cửa vĩnh viễn.

Theo anh Khanh, trung bình mỗi ô giết mổ được TP bố trí ở Cụm công nghiệp Bích Hòa có giá 17 triệu/tháng. Mặc dù được TP hỗ trợ 10 triệu đồng/tháng và kéo dài trong 6 tháng đầu, nhưng ô giết mổ ở chỗ mới quá nhỏ, trung bình mỗi hộ ở Thịnh Liệt phải sử dụng 2 ô. "Tính ra, chi phí thuê mặt bằng mỗi tháng là 34 triệu đồng. Trong khi, hiện tại ở Thịnh Liệt, chúng tôi đang thuê mặt bằng với giá 10 triệu đồng/ô", anh Khanh phân tích.

Việc đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt nhận được sự đồng thuận của đa số người dân, bởi với số lượng cung cấp khoảng 400 tấn thịt/ngày cho thị trường Hà Nội, lò mổ này thường xả thải vượt tiêu chuẩn đến 220.000 lần.

Kế hoạch xây dựng lò mổ mới hiện đại, vệ sinh hơn đã được TP chuẩn bị từ nhiều năm nay. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền cho biết, sau khi nhận được quyết định của UBND TP, phía công ty đã gấp rút hoàn thiện 26 ô gồm khu nhốt lợn, khu giết mổ... để đón nhận các hộ về. Trung bình mỗi ô có diện tích từ 80-100m2, có thể chứa được 70-80 con lợn. Ngoài ra, các ô đều được ốp lát gạch, phân rõ khu nhốt lợn, khu giết mổ. Toàn bộ nước thải sẽ được đưa ra bể lắng và được xử lý hằng tuần. "Chúng tôi đầu tư cả băng chuyền giết mổ cho các hộ. Tuy nhiên, các hộ có sử dụng hay không thì phía công ty không có quyền, cũng như nghĩa vụ phải giám sát", bà Hiền cho biết.

Mặc dù rõ ràng lò mổ mới hợp vệ sinh hơn, khang trang hơn nhưng đến thời điểm này, khi còn chưa đầy 24 giờ nữa, lò mổ Thịnh Liệt sẽ chính thức bị "khai tử" nhưng mới chỉ có 4/26 hộ có hợp đồng xin vào kinh doanh tại lò mổ Minh Hiền. Các hộ giết mổ ở Thịnh Liệt thắc mắc, đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt, nhưng nhiều lò mổ thủ công không có giấy phép khác đang hoạt động như Tựu Liệt, Văn Điển, Ngọc Hồi (Thanh Trì) vẫn đang tồn tại. Như vậy, theo họ là không công bằng với các hộ đang kinh doanh ở lò mổ Thịnh Liệt có giấy phép hoạt động. Bởi vậy, dù lò mổ Thịnh Liệt đã chính thức đóng cửa, song các hộ này đã có đơn kiến nghị gửi Sở Công Thương và UBND TP xin giãn thời điểm đóng cửa từ 6-8 tháng nữa, để các hộ có thời gian chuẩn bị, hoặc là chuyển đổi nghề nghiệp, hoặc sẽ tìm địa điểm giết mổ mới phù hợp.

Giải thích về nguyên nhân khiến giá thuê mặt bằng cao hơn ở lò mổ Thịnh Liệt, bà Hiền cho biết, khu giết mổ tại Cụm CN Bích Hòa được đầu tư khang trang, hiện đại, đảm bảo về ATVSTP và môi trường hơn hẳn nên giá thuê mặt bằng cao hơn là điều dễ hiểu.

Theo bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, toàn bộ lực lượng liên ngành đã phối hợp chặt chẽ với UBND quận Hoàng Mai tiến hành đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt. Theo bà Mai, từ sáng 1/12, lực lượng liên ngành sẽ chặn các cửa ngõ ra vào lò mổ.

Đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Hà Nội. Tuy nhiên, các kiến nghị của 22 hộ kinh doanh cũng có nhiều điểm chính đáng cần được các cơ quan chức năng xem xét. Trước mắt, TP Hà Nội nên kiên quyết dẹp bỏ các lò mổ chui trên địa bàn, và điều chỉnh lại mức hỗ trợ hợp lý hơn, để các hộ giết mổ có thể yên tâm chuyển về địa điểm mới.

 
Theo Chi Linh (CAND)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm