Cắt bỏ tử cung dễ bị ung thư âm đạo

Chị NTTh (53 tuổi, ở Vĩnh Long) bị chảy máu, đau rát và khó chịu khi quan hệ với chồng. Thỉnh thoảng, chị còn bị ra huyết bất thường dù chị đã mãn kinh mấy năm nay. Tương tự, bà LTT (60 tuổi, ở Đồng Nai) cũng thường bị ngứa và khó chịu ở bộ phận sinh dục. Ít lâu sau, bà bị nhiễm trùng kèm theo xuất huyết âm đạo. Người nhà đưa bà nhập viện điều trị mới biết bà đã bị ung thư âm đạo.

Hay gặp ở người già

ThS-BS Lưu Văn Minh, Trưởng khoa Xạ II – BV Ung bướu TP.HCM, cho biết: “Ung thư âm đạo là những tổn thương ung thư xuất phát từ âm đạo (cơ quan sinh dục trong của phụ nữ). Đây là bệnh ung thư hiếm gặp nhưng chiếm tỉ lệ cao trong các bệnh ung thư đường sinh dục nữ. Những người đã mãn kinh (độ tuổi từ 50 đến 59) dễ mắc bệnh này”. GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cũng cho hay: Ung thư âm đạo là bệnh thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi, tần suất mắc phải ở phụ nữ Việt Nam là 1/100.000 người.

Cắt bỏ tử cung dễ bị ung thư âm đạo ảnh 1

Về nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ Lưu Văn Minh cho biết: “Hầu hết các nghiên cứu trước đây cho rằng nguyên nhân không rõ ràng nhưng người ta vẫn tìm thấy một số yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư âm đạo như do họ quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người, sinh đẻ nhiều, thường xuyên bị viêm nhiễm phụ khoa kéo dài, phụ nữ hút thuốc lá… Đặc biệt, y văn thế giới có ghi nhận trường hợp một người mẹ khi mang thai đã dùng thuốc chống sẩy thai và người con (bé gái) sinh ra bị ung thư âm đạo”.

Qua nghiên cứu trên 160 bệnh nhân tại BV Ung bướu TP.HCM, các bác sĩ nhận thấy có 70%-90% bệnh nhân bị ung thư âm đạo là do nhiễm HPV (virus sinh bệnh u nhú ở người). Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 42% bệnh nhân bị ung thư âm đạo có tiền căn cắt tử cung trước đó. Lý giải về sự trùng hợp này, bác sĩ Minh giải thích: “Điều này vẫn chưa tìm được nguyên nhân nhưng nó cho thấy HPV (type 16 - gây ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo và dương vật) dễ phát triển và lây truyền ở những người từng bị cắt tử cung”.

Khám định kỳ để tầm soát bệnh

Biểu hiện nhận biết ban đầu của bệnh ung thư âm đạo là: đau, chảy máu khi giao hợp, xuất hiện huyết trắng, xuất huyết vùng âm đạo bất thường (ngoài thời gian có kinh nguyệt hoặc phụ nữ đã mãn kinh), có cảm giác khó chịu, đau rát, ngứa ở vùng âm đạo…

Tuy nhiên, biểu hiện của bệnh ung thư âm đạo thường được bệnh nhân bỏ qua vì khó nhận biết và rất dễ nhầm với các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác. Mặt khác, do tâm lý e ngại nên phụ nữ bị bệnh này thường giấu giếm mọi người để tự điều trị. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân ung thư âm đạo được phát hiện và nhập viện trễ. “Đa phần bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn ba hoặc bốn. Lúc này, tỉ lệ sống còn sau điều trị không cao (chưa tới 60% bệnh nhân sống trên năm năm). Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm thì bệnh vẫn có thể điều trị khỏi, hơn 80% bệnh nhân có cơ hội sống hơn năm năm” - bác sĩ Minh nói.

Để phòng ngừa ung thư âm đạo và các ung thư phụ khoa khác, phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ để tầm soát ung thư.

HPV là gì?

HPV (viết tắt của human papilloma virus) là virus (còn gọi siêu vi) gây bệnh mào gà sinh dục và nguy hiểm nếu nhiễm lâu dài có thể gây ra ung thư cổ tử cung và ung thư âm đạo ở phụ nữ. HPV rất dễ lây nhiễm qua đường tình dục, từ mẹ sang con (trong quá trình sinh đẻ), qua những vật dụng sinh hoạt…

Có nhiều loại HPV nhưng người ta quan tâm nhiều đến bốn loại HPV type 6, 11, 16, 18 bởi vì nhiễm bốn type này dễ bị bệnh mào gà sinh dục (type 6, 11 gây đến 90% các bệnh mào gà ở phụ nữ) và dẫn đến ung thư cổ tử cung (type 16, 18 gây đến 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung và ung thư âm đạo).

PGS-TS NGUYỄN HỮU ĐỨC, Trường ĐH Y Dược TP.HCM

______________________________________________

Nghiên cứu của bác sĩ Lưu Văn Minh trên 162 bệnh nhân bị ung thư âm đạo điều trị tại BV Ung bướu TP.HCM từ năm 1990 đến 2010 cho thấy: Độ tuổi trung bình bị bệnh ung thư âm đạo là 50-59; bệnh nhân trẻ nhất là 26 tuổi; 58% bệnh nhân có biểu hiện ban đầu là xuất huyết âm đạo; khoảng 42% bệnh nhân từng bị cắt tử cung.

HUYỀN VI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm