Cần phát hiện sớm những trẻ mắt mèo

Nhiều đứa trẻ sinh ra xinh xắn, hồn nhiên và lành lặn, bỗng đôi mắt các em đỏ lên, lồi ra… Khi đến khám tại chuyên khoa mắt, bác sĩ kết luận các em bị ung thư mắt - bướu nguyên bào võng mạc giai đoạn cuối, phải múc bỏ một hoặc cả hai mắt. Có cha mẹ vì quá thương con đã giữ lại đôi mắt, hậu quả là ung thư di căn, biến chứng và tử vong. Các bác sĩ cảnh báo cần phát hiện sớm và điều trị tận gốc, tránh biến chứng thì các em có thể sống bình thường đến lớn dù đôi mắt không còn. Năm 2008, BV Ung bướu tiếp nhận 500 ca ung thư thì ung thư mắt chiếm 37 ca, năm 2009 là 600 ca thì ung thư mắt chiếm 44 ca. Năm 2010 chưa có thống kê nhưng chắc chắn con số trẻ bị ung thư mắt sẽ nhiều hơn.

Những ánh mắt vô hồn

Tại khoa Nhi BV Ung bướu, những đứa trẻ bị ung thư mắt đáng thương vẫn hồn nhiên vui chơi cùng bè bạn trong phòng bệnh.

Anh Hùng Văn Vỹ - bố của bệnh nhi Danh Của (2 tuổi, Kiên Giang) cho biết lúc sinh ra bé Của vẫn phát triển bình thường. Hai tháng trước, anh phát hiện con bị lé, mắt có quầng đục nên đưa con đến bệnh viện địa phương. Các bác sĩ xác định con anh bị ung thư mắt. Bé được đưa đến BV Mắt TP.HCM múc bỏ mắt trái và chuyển sang BV Ung bướu điều trị. Hiện bé Của đang chờ hội chẩn xem ung thư có di căn qua mắt phải và lên não hay không để quyết định xạ trị, hóa trị cắt nguồn di căn. “Vợ chồng làm thuê làm mướn có biết gì bệnh ung thư mắt đâu mà phát hiện sớm. Nay con đã như thế này, có vay mượn nợ cũng phải làm, miễn sao giữ được con mắt còn lại và không cho di căn lên não” - anh Vỹ tâm sự.

Cần phát hiện sớm những trẻ mắt mèo ảnh 1

Mắt lé (lác) là dấu hiệu của ung thư.

Cùng cảnh ngộ, chị Lê Thị Hương (Dăk Lăk) tay ôm con, tay quệt nước mắt kể con chị đã 19 tháng tuổi. Cách đây một tháng, chị thấy mắt của con có một đốm sáng trong màu trắng đục. Chị đưa con đi khám, bác sĩ bảo đó là ung thư mắt. Chị muốn tẻ xỉu và không tin nổi. Xuống BV Mắt, các bác sĩ phải múc bỏ một con mắt. Các bác sĩ BV Ung bướu bảo phải vào hóa chất chống di căn lên mắt còn lại và lên não.

Tình cảnh bi đát hơn là bệnh nhi Nguyễn Thanh Đạt (3 tuổi, Vĩnh Long) bị ung thư cả hai mắt. Theo lời kể của mẹ bé Đạt thì lúc mới sinh ra, hai mắt bé chỉ có lòng trắng, ngoài ra bé còn bị sứt môi. Bé được chuyển cấp cứu bệnh viện địa phương, sau đó chuyển lên BV Mắt TP.HCM điều trị. Rồi một ngày, hai mắt bé lồi ra ngoài. Bé đã được xạ trị, hóa trị, tuy nhiên mắt bé bị teo lại và hiện đã được phẫu thuật móc mắt trái…

Bé Đạt và bé Của mặc dù tuổi đã lớn nhưng không thể nói được. Các em chỉ ư ơ đòi ăn uống hay không đồng tình một điều gì đó. Riêng bé Đạt chỉ chơi đồ chơi bằng sự rờ rẫm của đôi bàn tay…

Chưa rõ nguyên nhân gây bệnh   

Bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Nội 3, BV Ung bướu TP.HCM, cho biết trẻ ung thư bị mắt đa số là do bướu nguyên bào võng mạc. Bướu này bắt nguồn từ võng mạc bên ngoài sau nhãn cầu, sau đó xâm lấn qua các lớp khác của nhãn cầu, lan dần ra phía ngoài. Nếu lan ra ngoài thì gọi là bướu nguyên bào võng mạc xuất ngoại, lan vào bên trong thì gọi là bướu nội nhãn.

Bướu nguyên bào võng mạc chia làm hai loại. Thứ nhất là loại có yếu tố gia đình, thường liên quan đến di truyền (chiếm 40%) và bệnh nhân thường bị cả hai mắt. Do bệnh diễn tiến chậm nên giai đoạn bệnh hai bên mắt không cân đối nhau. Do đó, khi trong gia đình có đứa trẻ bị bướu hai mắt thì bác sĩ sẽ khuyên đi xét nghiệm gen anh em trong gia đình xem có nguy cơ bị bướu nguyên bào võng mạc hay không. Còn đối với bướu nguyên bào một mắt thì khả năng di truyền thấp, khoảng 10% mà thôi. “Nguyên nhân của bướu nguyên bào võng mạc đến nay chưa biết do đâu và đa số gặp ở trẻ dưới 5 tuổi” - bác sĩ Thủy nói.

Khi phát hiện, phụ huynh thường đưa con đến bệnh viện có chuyên khoa mắt để soi đáy mắt, siêu âm, CT để phát hiện độ xâm lấn của bướu để điều trị sớm bằng laser, bơm thuốc vào kết mạc. “Thật sự những phương pháp này chưa có hiệu quả trong điều trị ung thư mắt” - bác sĩ Thủy cho biết thêm.

Bác sĩ Thủy cho rằng đa số khi bướu còn khu trú, có nhiều trường hợp chỉ cần múc con mắt bị bướu. Có nhiều trường hợp múc mắt, không được điều trị bằng hóa chất đúng mức và không điều trị thì bị di căn xâm lấn thần kinh thị hoặc lớp trong và ngoài võng mạc. Trầm trọng hơn nữa là di căn não, tỉ lệ tử vong là 90%-100%.

Tuy nhiên, dù trẻ mắc bệnh nặng hay nhẹ thì đều phải bị múc mắt. Các liệu pháp điều trị laser, hóa chất, áp lạnh đều không có hiệu quả trên bướu nguyên bào võng mạc. Việc điều trị các phương pháp này người ta hy vọng nó cầm lại, không phát triển và bảo tồn được con mắt cho trẻ.

“Không biết được thời gian từ khi trẻ phát bệnh tới lúc nặng là bao lâu nhưng nếu không phát hiện sớm thì 3-4 năm sẽ nặng. Nặng nhất là mắt lồi luôn hai con. Nếu múc mắt thì khả năng di căn rất cao nên phải hóa trị trước cho mắt hai bên hoàn toàn rồi mới múc. Sau khi múc mắt, nếu điều trị đúng mức thì đa số sẽ sống tới lớn bình thường (87%-90%), trừ những trường hợp điều trị dở dang. Do đó, vấn đề chữa lành mắt là chữa lành không chết vì ung thư chứ không phải là chữa - bảo tồn được con mắt” - bác sĩ Thủy nói.

Tuy nhiên, bác sĩ Thủy cũng lưu ý rằng quan trọng nhất là những tác dụng phụ khi điều trị ung thư mắt. Nếu xạ trị, trẻ sẽ có nguy cơ bị ung thư thứ phát do trong trường chiếu xạ gây nên sarcome phần mềm. Còn hóa trị sợ nhất là trẻ sẽ giảm bạch cầu, suy tủy.

Những dấu hiệu lưu ý trẻ bị ung thư mắt

Bướu nguyên bào võng mạc có nhiều triệu chứng nhận biết. Thường thấy nhất là dấu hiệu mắt mèo (Cat eyes). Vào ban đêm, khi tắt đèn hết, nhìn vào mắt trẻ sẽ thấy lóe sáng trắng trắng, xanh xanh như mắt mèo. Khi bệnh mới khởi phát, nếu không nhìn kỹ sẽ rất khó phát hiện. Đa số các em qua giai đoạn mắt mèo thì mắt đã bị xâm lấn và bị đỏ. Có nhiều trường hợp mắt to, sưng và lồi ra.

Trong bướu nguyên bào võng mạc thì nên để ý dấu hiệu bất thường ở mắt của trẻ. Có những trẻ không biểu hiện bằng mắt mèo mà là mắt lé, tổn thương đỏ. Khi thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng trên thì nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện mắt khám để phát hiện sớm. Đa số trẻ đến bệnh viện rất trễ. Dù đến trễ hay sớm thì cũng đều bị múc mắt. Nhưng điều quan trọng nhất là phát hiện sớm khi ung thư chưa xâm lấn để phẫu thuật móc mắt, khỏi phải xạ trị giai đoạn đầu tốn kém.

. Xạ trị, hóa trị và nhiều phương pháp khác có thể làm cho mắt bị ung thư lành hẳn, thấy được?

+ Sai. Hiện chưa có phương pháp nào tỏ ra có hiệu quả trong việc bảo tồn chức năng thị giác của mắt.

. Hiện đã có vaccine ngừa ung thư mắt?

+ Sai. Chưa có loại vaccine ngừa được ung thư mắt.

. Việc giữ mắt bị ung thư (không móc) sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ?

+ Sai. Vì bướu sẽ tiến triển, đưa đến bệnh ngày một nặng hơn dẫn đến nguy cơ tử vong..

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm