VỤ MUA BÁN TIỀN CHẤT PSE

BV Pharma phản đối kết luận của Bộ Quốc phòng

Bộ Quốc phòng đã kiến nghị TP.HCM và Hà Nội kiểm tra, xử lý Công ty BV Pharma và những công ty liên quan trong vụ mua bán thuốc có tiền chất PSE bằng hóa đơn khống.

Mới đây, BV Pharma đã có đề nghị khẩn gửi Bộ Quốc phòng đề nghị làm rõ những khuất tất. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Giám đốc BV Pharma, cho biết kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng có nội dung không chính xác, một vài điểm dễ gây hiểu nhầm và không bình thường.

Thứ nhất, ông Dũng cho rằng kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng liên quan đến sự sống còn của chính BV Pharma nhưng đoàn thanh tra chưa hề làm việc với BV Pharma, chưa đối chất và cũng không tham khảo các nội dung kết luận của các đoàn kiểm tra trước.

Thứ hai, cách trả lời và dùng từ với nội dung dễ gây hiểu nhầm. Thí dụ PSE không phải là tiền chất ma túy, chất gây nghiện mà chỉ là tiền chất nhưng trong kết luận lại ghi là “tiền chất ma túy”.

Thứ ba, kết luận cho rằng Xí nghiệp Dược 30 chỉ làm thủ tục hợp lý hóa các hóa đơn chứng từ cho BV Pharma, thực tế không có chuyện mua bán. Theo ông Dũng, Xí nghiệp Dược 30 tự tìm đến mua hàng và ký hợp đồng với BV Pharma, trả tiền trước. Việc giao nhận hàng có giấy giới thiệu của Xí nghiệp Dược 30, người nhận hàng là Lê Khắc Phúc và Đặng Văn Thanh, là người của Xí nghiệp Dược 30 và hiện đang làm việc tại nơi này. Sau khi Thanh tra Bộ Quốc phòng kiểm tra xong, đích thân ông Hoàng An, Giám đốc Xí nghiệp Dược 30, đến BV Pharma đề nghị thanh lý hợp đồng.

Cũng theo ông Dũng, sau khi sự việc xảy ra thì mới biết Xí nghiệp Dược 30 không có tiền và không có hệ thống đại lý nên một số trình dược viên của các công ty khác mượn pháp nhân của Xí nghiệp Dược 30 để kinh doanh rồi kiếm tiền chênh lệch. Ông Dũng còn cho biết thêm muốn kinh doanh thuốc thì phải có bằng dược sĩ và giấy đủ điều kiện kinh doanh. Do các cá nhân kinh doanh thuốc không đủ hai điều kiện này nên mượn pháp nhân Xí nghiệp Dược 30 để mua hàng của BV Pharma, sau đó rải ra các nhà thuốc và trả phí ủy thác theo tỉ lệ phần trăm của doanh số bán ra. Đây là một mô hình kinh doanh rất phổ biến trong ngành dược và hiện tại chưa có văn bản pháp luật nào cấm. Ở đây, cụ thể Xí nghiệp Dược 30 cho ông Nguyễn Nhật Trường (quận Bình Thạnh, TP.HCM) mượn pháp nhân để lấy thuốc của BV Pharma mang ra phía Bắc để bán. Nhưng việc cho mượn pháp nhân là việc của Xí nghiệp Dược 30 không thể đổ lỗi cho nhà sản xuất thuốc là BV Pharma được.

Theo BV Pharma, ngày 9-2-2011 Xí nghiệp Dược 30 ký hợp đồng mua thuốc của BV Pharma, ba tháng sau giữa hai bên làm phụ lục hợp đồng điều chỉnh sản phẩm. Khi đã nhận tiền và xuất hóa đơn GTGT, BV Pharma đã giao gần 40 triệu viên Activenose, hơn 13,2 triệu viên Tripofed, hơn 2,2 triệu viên Bivofed và 10.000 viên Biviflu night. Tổng giá trị hàng hóa hơn 12,5 tỉ đồng.

Tổng giám đốc BV Pharma kiến nghị Bộ Quốc phòng làm rõ những khuất tất trong kết luận của Thanh tra Bộ trước đó. Đề nghị làm rõ Xí nghiệp Dược 30 có mua thuốc của BV Pharma hay không? “Chúng tôi không quan tâm Xí nghiệp Dược 30 hợp tác với ai, nếu mua thuốc của BV Pharma thì xác nhận mua của BV Pharma. Nếu không mua sao ký hợp đồng, giới thiệu người đến nhận hàng và thanh lý hợp đồng. Nếu kết luận Xí nghiệp Dược 30 mua khống, chúng tôi đề nghị buộc Xí nghiệp Dược 30 trả lại hàng cho chúng tôi” - ông Dũng kiến nghị thêm.

Tám tháng, 193 lần tiếp thanh, kiểm tra

Theo BV Pharma, từ tháng 6-2011, BV Pharma đã 193 lần tiếp các đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, Cục C47, Cục A83, Bộ Y tế, Công an TP.HCM và các cơ quan chức năng.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm